Mở rộng thành phố Phan Thiết phải vì lợi ích của nhân dân
Ngày 20/3, thông tin từ Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận vừa có Kết luận thống nhất chủ trương mở rộng thành phố Phan Thiết và định hướng quy hoạch một số khu vực quan trọng của thành phố và quyết tâm triển khai thực hiện hoàn thành trước năm 2030.
Kết luận nêu rõ, thành phố Phan Thiết là tỉnh lỵ-trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật, đô thị du lịch biển của tỉnh Bình Thuận, có vị trí chiến lược quan trọng trong thế trận khu vực phòng thủ của tỉnh và Quân khu 7.
Tuy nhiên, quy mô về diện tích quy hoạch thành phố Phan Thiết, mức độ đầu tư cơ sở hạ tầng,… chưa tương xứng với vai trò, vị trí cũng như chưa tạo ra đột phá để thành phố phát triển.
Chủ trương, định hướng mở rộng thành phố Phan Thiết đã được Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2006-2011 đặt ra, nhưng cho đến nay các chủ trương trên vẫn chưa được triển khai thực hiện.
Tiếp tục thực hiện các chủ trương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước đây và định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh vào ngày 31/8/2022; Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương mở rộng thành phố Phan Thiết và định hướng quy hoạch một số khu vực quan trọng của thành phố Phan Thiết.
Tránh cục bộ, lợi ích nhóm trong xây dựng đề án mở rộng
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu, việc lập đề án mở rộng thành phố Phan Thiết và định hướng quy hoạch một số khu vực quan trọng phải hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị Phan Thiết hiện đại, văn minh, xanh, sạch, đẹp; là nơi đáng sống, là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách và nhà đầu tư trong, ngoài nước.
Quy hoạch phải có tầm nhìn xa, bảo đảm tính khoa học và thực tiễn, đồng bộ, liên thông, không chắp vá. Phải đặt mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững, vì lợi ích của nhân dân, của cộng đồng và sự phát triển của thành phố nói riêng, của tỉnh nói chung lên trên hết; tránh cục bộ, lợi ích nhóm.
Thành phố Phan Thiết là đô thị du lịch biển, với chiều dài bờ biển khoảng 57km; tuy nhiên, trục ven biển của Phan Thiết hiện nay bị chia cắt bởi các cửa sông, khu dân cư hiện hữu, các dự án du lịch, đô thị.
Nhiều vị trí đã được cấp phép xây dựng các công trình du lịch sát biển, có nơi cấp phép xây dựng cao tầng, che khuất tầm nhìn; khu vực bãi biển công cộng phục vụ nhân dân và du khách trên địa bàn thành phố không còn nhiều.
Thành phố Phan Thiết cần phải quy hoạch tuyến đường ven biển thông suốt từ phía bắc (giáp xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình) đến phía Nam (giáp xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam), tạo tuyến đường kết nối khu vực ven biển thông suốt.
Không quy hoạch, không cấp phép xây dựng (mới) các công trình phía biển (trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, công cộng phục vụ cộng đồng) nhằm tạo ra bãi biển thông thoáng, tăng cường khả năng tiếp cận biển cho người dân địa phương, du khách và thực hiện nghiêm việc bảo vệ bờ biển theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Đối với các dự án đủ điều kiện pháp lý về điều khoản chuyển tiếp, cần thảo luận với nhà đầu tư để giải quyết phù hợp trên tinh thần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp với quan điểm đặt lợi ích Nhà nước, người dân và cộng đồng trên hết, trước hết.
Kiên quyết thu hồi các dự án đã cấp phép đầu tư, xây dựng trong khu vực bảo vệ bờ biển nhưng không triển khai, chậm triển khai.
Phát triển các khu đô thị và trục đường giao thông quan trọng
Đối với khu vực 2 bên bờ sông Cà Ty, thành phố Phan Thiết cần phải chỉnh trang làm đẹp dòng sông và 2 bên bờ sông; tăng cường nạo vét để giữ gìn và tôn tạo vẻ đẹp của con sông chảy trong lòng thành phố, tạo điểm nhấn của đô thị; quy hoạch, xây dựng tuyến đường ven sông cả 2 bên bờ kết nối thông suốt từ phía thượng nguồn (các xã Hàm Hiệp, Hàm Mỹ) đến cầu Dục Thanh.
Quy hoạch xây dựng khu đô thị phía nam sông Cà Ty (xã Tiến Lợi) đẹp, hiện đại với mật độ xây dựng phù hợp, hài hòa, gắn với tạo quỹ đất bố trí tái định cư cho nhân dân.
Quy hoạch tuyến Lê Duẩn-Nguyễn Tất Thành kết nối đường Lê Lợi thành trục phát triển trung tâm thương mại-dịch vụ-du lịch, kinh tế đêm sôi động.
Phát triển khu đô thị, khu hành chính tỉnh phía bắc kênh thoát lũ, các khu đô thị, dân cư, dịch vụ mới gắn với quy hoạch mở rộng thành phố Phan Thiết.
Xem xét phương án di dời Nhà máy nước Phan Thiết về phía thượng nguồn. Sử dụng quỹ đất của Nhà máy nước Phan Thiết để quy hoạch công viên, trung tâm thể thao, công trình công cộng, bố trí tái định cư và phát triển nhà ở, thương mại-dịch vụ phù hợp, hiệu quả.
Quy hoạch lại các cụm công nghiệp sản xuất, chế biến có mùi ở vị trí phù hợp, không để trong thành phố và gần các khu du lịch. Xây dựng phương án di dời Xí nghiệp chế biến thủy sản Phan Thiết đến vị trí khác, thu hồi đất để phục vụ cộng đồng theo hướng xây dựng trường học hoặc chợ truyền thống.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu phải thực hiện tốt chủ trương “Không chấp thuận đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời ở những khu vực sản xuất nông nghiệp thuận lợi, những khu vực ven biển có tiềm năng phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, phát triển đô thị”.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận giao Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng; ngăn chặn, xử lý nghiêm những trường hợp xây dựng trái phép, các công trình xây dựng không đúng quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan của thành phố Phan Thiết. Tham mưu thu hồi các dự án không triển khai, chậm triển khai, vi phạm Luật Đầu tư, vi phạm Luật Đất đai.