Mở rộng thí điểm Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc

Thủ tướng Chính phủ đồng ý triển khai Sổ sức khỏe điện tử và mở rộng thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc từ ngày 1/10/2024 đến 30/6/2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành thực hiện nghi thức bấm nút triển khai Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp thông qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành thực hiện nghi thức bấm nút triển khai Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp thông qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc

MỖI NĂM TIẾT KIỆM KHOẢNG 1.150 TỶ ĐỒNG

Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến triển khai Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc do Chính phủ tổ chức vào chiều ngày 2/10/2024, đến thời điểm này, Bộ Y tế đã tạo lập được hơn 32 triệu dữ liệu Sổ sức khỏe điện tử cho người dân. Trong đó, hơn 14 triệu công dân đã tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID, với 12.518/12.693 cơ sở khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế (đạt 98% số cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước) và đồng bộ liên thông qua Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tích hợp vào VNeID.

Cùng với đó, ngành Y tế đã tổ chức tập huấn cho 100% cơ sở khám, chữa bệnh tiếp nhận và sử dụng khi xuất trình trực tiếp trên VNeID. Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện liên thông 16 trường thông tin khám, chữa bệnh theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tự động điền vào các biểu mẫu, giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho các bác sỹ.

Về phía Bộ Công an, đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế tạo lập và tích hợp 911.696 dữ liệu về giấy chuyển tuyến; và trên 2,6 triệu về giấy hẹn tái khám trên VNeID, để sẵn sàng công bố trên toàn quốc.

Theo Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP, việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử sẽ giúp người dân theo dõi tình trạng sức khỏe của mình, sử dụng giấy chuyển tuyến, giấy hẹn tái khám thông qua ứng dụng VNeID một cách dễ dàng, thuận tiện, giảm bớt những thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà. Hàng năm ước tính sẽ tiết kiệm khoảng 1.150 tỷ đồng tiền mua sổ y bạ cho 230 triệu lượt người khám bệnh. Đồng thời, người dân hoàn toàn chủ động theo dõi hồ sơ sức khỏe của bản thân và có thể cung cấp hồ sơ bệnh án của mình cho đội ngũ y, bác sỹ bất cứ đâu, bất cứ khi nào; không phát sinh chi phí đối với cùng một nội dung khám, dù không cùng bệnh viện…

CẤP PHIẾU LÝ LỊCH TƯ PHÁP TRÊN VNEID CHỈ SAU 3 NGÀY ĐĂNG KÝ

Với việc triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp, sau hơn 4 tháng triển khai thí điểm tại hai địa phương Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, bước đầu đã đạt kết quả rất đáng ghi nhận, mang lại thuận tiện và nhận được sự đồng tình của người dân. Cụ thể, Hà Nội đã tiếp nhận 45 ngàn hồ sơ, Thừa Thiên - Huế tiếp nhận hơn 5 ngàn hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, chiếm hơn 70% tổng số hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của 2 địa phương. Qua đó, ước tính khi thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID sẽ giúp tiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng/năm cho người dân và xã hội.

Trên cơ sở mở rộng thí điểm, ngày 24/8/2024, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 656/TTg-KSTT về việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID toàn quốc từ ngày 1/10/2024 đến hết ngày 30/6/2025. Để nhân rộng, triển khai trên toàn quốc, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp ban hành quy trình số 570, ngày 20/9/2024 thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID. Trong đó, đối với trường hợp công dân không có thông tin về án tích, thực hiện trả kết quả giảm từ 10 ngày xuống còn 3 ngày làm việc.

KHẨN TRƯƠNG LÀM SẠCH DỮ LIỆU

Để triển khai thành công Sổ sức khỏe điện tử và Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên cả nước, đem lại tiện ích thiết thực cho người dân và trong quản lý nhà nước trong thời gian tới, Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành, hướng dẫn cụ thể việc liên thông dữ liệu giữa các cơ sở khám, chữa bệnh và sử dụng Sổ sức khỏe điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn tái khám trên VNeID. Đồng thời phối, kết hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hiệu chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn về các phần mềm quản lý bệnh viện để đảm bảo thuận lợi, thúc đẩy phát triển chuyển đổi số trong y tế.

Về phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đảm bảo hạ tầng và hướng dẫn kỹ thuật đối với các cơ sở y tế để triển khai liên thông dữ liệu Sổ sức khỏe điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn tái khám.

Đối với việc mở rộng thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc, Bộ Tư pháp cần khẩn trương thực hiện làm sạch dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Phối hợp với Bộ Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát và các đơn vị liên quan đồng bộ về dữ liệu án tích, dữ liệu các bản án, phục vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp, hoàn thành trước ngày 30/12/2024...

THỤY TRANG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/phap-luat/202410/mo-rong-thi-diem-so-suc-khoe-dien-tu-va-cap-phieu-ly-lich-tu-phap-qua-ung-dung-vneid-tren-toan-quoc-1fc27e6/