Mở rộng thị phần xuất khẩu nông sản

Trong bối cảnh hầu hết các ngành xuất khẩu chủ lực trong năm 2023 như dệt may, da giày, gỗ... đều sụt giảm mạnh, xuất khẩu nông sản trở thành điểm sáng cho nền kinh tế. Quan trọng hơn, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế trụ đỡ cho nền kinh tế.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trước nhiều biến động của thị trường thế giới, ngành nông nghiệp vẫn kiên định với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 54 tỷ USD trong năm nay. Trong 11 tháng qua, xuất khẩu của toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt 47,84 tỷ USD. Dự báo trong tháng 12/2023, nhu cầu tiêu dùng nông sản thế giới tăng lên, cùng với những lợi thế của rau quả, lúa gạo, hạt điều và sự ổn định trở lại thị trường lâm sản, thủy sản, xuất khẩu nông sản tháng 12 sẽ đem về hơn 5 tỷ USD, tiệm cận với mục tiêu đề ra cả năm.

Đến thời điểm này, ngành nông nghiệp đã có 6 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD, gồm: cà phê, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ. Trong đó, điểm sáng lớn nhất là xuất khẩu gạo và rau quả liên tục tăng vọt trong nhiều tháng. Dự báo xuất khẩu gạo năm 2023 sẽ lập kỷ lục cả về khối lượng từ 8,3-8,4 triệu tấn và kim ngạch đạt 4,7- 4,8 tỷ USD. Xuất khẩu rau quả cũng vượt xa mọi dự tính khi ước đạt trị giá xuất khẩu 5,8 tỷ USD, tăng trưởng hơn 74% so với cùng kỳ 2022.

Theo các chuyên gia, sự bứt phá ngoạn mục trong xuất khẩu nông sản đến từ chất lượng sản phẩm đã được nâng cao rõ rệt, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường thế giới. Đơn cử, Việt Nam đã có 85% giống lúa mới, 89% gạo chất lượng cao và đang xây dựng chuỗi lúa gạo. Mới đây, gạo Việt Nam được Hội nghị Thượng đỉnh lúa gạo toàn cầu công nhận là gạo ngon nhất thế giới.

Mặt khác, nhờ thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn bệnh dịch bệnh, Việt Nam đã khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới để mở rộng thị phần xuất khẩu nông sản trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, chúng ta vẫn duy trì ổn định được lượng hàng nông sản xuất khẩu vào các thị trường lớn, thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, EU...

Đáng chú ý là thị trường Trung Quốc dẫn đầu trong tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam, với khoảng 11,5 tỷ USD trong 11 tháng, chiếm tỷ trọng 23,2%. Với việc dưa hấu vừa được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, đến thời điểm này đã có 14 loại nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc đã cho phép xuất khẩu biên mậu đối với 12 mặt hàng rau quả, sữa, 805 cơ sở chế biến thủy sản, 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng; 128 loài/loại sản phẩm và 48 loài thủy sản.

Ngành nông nghiệp kỳ vọng sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, giao thương nông sản sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, để Việt Nam mở rộng và tăng cường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhận định, các thị trường lớn của Việt Nam đang phục hồi mạnh là cơ hội để giữ vững và từng bước mở rộng thị phần xuất khẩu nông sản từ nay đến sang năm 2024. Thêm vào đó, chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản có vốn tín dụng khoảng 15.000 tỷ đồng được giải ngân thì hai ngành này cũng sẽ vươn lên, đóng góp tích cực vào giá trị xuất khẩu hàng nông sản trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội tăng tốc xuất khẩu nông sản, cần phải chứng minh cho người tiêu dùng thế giới thấy được chất lượng vượt trội của nông sản Việt Nam, cùng với đó, đảm bảo nông lâm thủy sản xuất khẩu được chuẩn hóa, đồng bộ về chất lượng, bao bì, nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, có logo, nhãn hiệu, thương hiệu quốc gia.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mo-rong-thi-phan-xuat-khau-nong-san-post470667.html