Mở rộng vai trò của MTTQ Việt Nam trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội

Ngày 6/7, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Chính phủ - Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát và phản biện xã hội của MTTQ.

Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Dự hội nghị còn có đại diện các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo MTTQ các tỉnh, thành, đơn vị liên quan. Đồng chí Giáp Ngọc Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang. Cùng dự có đại diện các thành viên tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, lãnh đạo MTTQ các huyện, TP.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Bắc Giang.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Bắc Giang.

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết liên tịch 403, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ được nâng lên. Công tác giám sát được MTTQ thực hiện theo hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản, tổ chức đoàn giám sát, hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng. MTTQ cả nước đã tổ chức 149 nghìn cuộc giám sát đầu tư cộng đồng. Qua đó phát hiện những sai sót, bất cập để kiến nghị, phản ánh tới nhà thầu, chủ đầu tư xử lý, giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng công trình, dự án.

MTTQ các cấp trong cả nước đã tổ chức gần 24 nghìn hội nghị phản biện, tham gia góp ý kiến cho hơn 42 nghìn văn bản dự thảo. Nhiều văn bản đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, phản hồi.

Tại hội nghị, một số đại biểu thảo luận, kiến nghị về khó khăn, bất cập trong triển khai hoạt động giám sát, phản biện xã hội như: Hạn chế kinh phí, lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát, chất lượng một số cuộc giám sát chưa cao. Đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết liên tịch 403.

Tại Bắc Giang, thực hiện giám sát, phản biện xã hội, 5 năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã giám sát 123 nội dung tại 887 cơ quan, đơn vị, tổ chức. Nội dung giám sát là những vấn đề quan trọng, liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, được nhân dân quan tâm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước...

Phát biểu tại hội nghị, các đồng chí lãnh đạo Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định tầm quan trọng, vai trò MTTQ trong công tác giám sát, phản biện xã hội. Để nâng cao chất lượng các hoạt động, thời gian tới, các đồng chí lãnh đạo yêu cầu cấp ủy các cấp tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền về Nghị quyết liên tịch 403. Tập trung triển khai, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội theo Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội;

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ bất cập về chế độ chính sách để bảo đảm nguồn kinh phí, nhân lực phục vụ công tác này. Bên cạnh đó, mở rộng vai trò của MTTQ Việt Nam thực hiện phản biện xã hội từ khi lập đề nghị xây dựng dự án, dự thảo đề xuất đưa vào chương trình đến khi trình Quốc hội xem xét, thông qua. Bên cạnh đó, sửa đổi Nghị quyết liên tịch số 403 bảo đảm đồng bộ, phù hợp với Luật MTTQ Việt Nam…

Tin, ảnh: Ngọc Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/407858/mo-rong-vai-tro-cua-mttq-viet-nam-trong-hoat-dong-giam-sat-phan-bien-xa-hoi.html