Mỗi địa phương nên có ít nhất 2 đại biểu chuyên trách
Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH Phú Yên Nguyễn Hồng Vân phát biểu tại buổi thảo luận
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV tiếp tục thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH Phú Yên Nguyễn Hồng Vân vừa tham gia thảo luận vấn đề này. Báo Phú Yên trân trọng trích đăng ý kiến thảo luận trên.
Tôi xin tham gia 2 vấn đề như sau:
Thứ nhất, về số lượng đại biểu chuyên trách tôi hoàn toàn nhất trí với việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách từ 35 % lên 40% số lượng ĐBQH. Ở đây, tôi đề xuất là tăng đại biểu chuyên trách nhưng nên tăng cho các địa phương, không thể dùng là tỉnh số lượng lớn, số lượng nhỏ. Tôi nghĩ rằng mỗi địa phương nên có ít nhất 2 đại biểu chuyên trách, bao gồm một đại biểu là lãnh đạo đoàn và một đại biểu chuyên trách hoạt động chuyên trách, như vậy vừa đảm bảo cho hoạt động của Đoàn ĐBQH ở địa phương; đảm bảo tính kế thừa, tính liên tục và đặc biệt nó đáp ứng cho yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ. Nhiều tỉnh như vừa rồi ở khóa này, khi họp trực tuyến chỉ còn lại một đại biểu, điều đó rất khó cho hoạt động của đoàn đại biểu ở lĩnh vực như giám sát. Giám sát không thể một người đi giám sát được, chính vì vậy tôi đề xuất tăng số lượng đại biểu chuyên trách và tăng cho các địa phương ít nhất là 2 đại biểu, còn số lượng lớn hơn có thể là 3 và các cơ quan của Quốc hội.
Thứ hai là vấn đề về nhập và tách các văn phòng. Báo cáo tổng kết thí điểm của Chính phủ đã chỉ ra có 4 ưu điểm và 5 hạn chế, bất cập cho thấy việc thực hiện thí điểm như vậy không đạt kết quả. Trong nhiệm kỳ này, chúng ta thấy Quốc hội đã không ngừng đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động. Cụ thể về nội dung, đó là hoạt động giám sát, giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội ngày càng nhiều hơn và chọn các chuyên đề ngày càng trúng và đúng hơn, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, cử tri hơn. Theo đó, các đoàn ĐBQH cũng tùy tình hình của mình mà xây dựng kế hoạch, chương trình giám sát của đoàn cho phù hợp với tình hình của địa phương, sau đó báo cáo kết quả với Thường vụ Quốc hội cũng như kiến nghị với chính quyền địa phương để giải quyết những vấn đề bức xúc của cử tri.
Từ kết quả trên cho thấy việc đổi mới nội dung và phương thức của Quốc hội đã tác động đến các văn phòng Đoàn ĐBQH trong việc kịp thời đổi mới nội dung, đáp ứng yêu cầu tham mưu, tổng hợp, phục vụ cho các hoạt động của đoàn ĐBQH. Ví dụ như việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư thì văn phòng Đoàn ĐBQH ở các tỉnh vừa qua tham mưu hết sức tích cực. Từ việc tổ chức cho ĐBQH đi khảo sát, giải quyết đơn thư hoặc tiếp công dân, đồng thời có những đề xuất, kiến nghị, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn thư. Tôi cho rằng bộ phận tham mưu hoạt động ở lĩnh vực này là rất tốt, rất cần thiết. Nếu như chúng ta nhập các văn phòng vào cho thấy hiệu quả không rõ như báo cáo của Chính phủ.
Một vấn đề nữa là chúng ta đang đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội như việc tổ chức kỳ họp trực tuyến vừa rồi, đem lại hiệu quả rất cao, sau họp trực tuyến là họp trực tiếp trong mỗi kỳ họp, sơ bộ nhận thấy đã đem lại hiệu quả cao. Chính điều đó rất cần đội ngũ tham mưu hết sức chuyên sâu, phục vụ chuyên đề về xây dựng pháp luật, phục vụ cho các kỳ họp. Tôi đề xuất cần duy trì như hiện nay tức là 3 văn phòng: Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND. Không những giữ nguyên như hiện nay mà chúng ta cần có một bước kiện toàn tốt hơn đối với các văn phòng Đoàn ĐBQH ở các tỉnh. Vì trong thời gian vừa qua, do dự kiến sáp nhập nên chúng ta dừng lại không có đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nào, anh em hết sức tâm tư. Nếu như được thống nhất giữ nguyên như hiện nay thì đề nghị cần có việc tiếp tục kiện toàn để anh em văn phòng các đoàn ĐBQH được chuyên sâu hơn và góp phần vào công tác tham mưu, phục vụ tốt hơn.