Mọi hoạt động trên biển cần tuân thủ các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982
Chiều 9/1, tại cuộc Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã trả lời một số câu hỏi liên quan tới các diễn biến gần đây trên khu vực Biển Đông.
Liên quan tới việc không quân Indonesia hôm 7/1 triển khai 4 máy bay chiến đấu tới Biển Đông giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc, bà Hằng cho biết:
Chúng tôi cho rằng mọi hoạt động trên biển cần tuân thủ các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, không làm phức tạp tình hình, có đóng góp thiết thực, phù hợp thúc đẩy việc duy trì hòa bình, ổn định, và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác tại khu vực.
Khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Malaysia đệ trình lên Liên Hợp Quốc bản đồ giới hạn thềm lục địa của nước này, Người Phát ngôn nêu rõ: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Là quốc gia thành viên của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, Việt Nam được hưởng đầy đủ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với Công ước Luật Biển.
Đồng thời, Việt Nam cũng bảo lưu quyền chủ quyền đối với thềm lục địa mở rộng bên ngoài 200 hải lý giữa khu vực Biển Đông như đã nêu tại Công hàm gửi Ủy ban ranh giới thềm lục địa năm 2009.
Trước việc cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết là gần đây trọng tâm chiến lược của tàu bay Sơn Đông là khu vực Biển Đông, bà Hằng cho rằng:
Tự do hàng hải ở Biển Đông là quyền và lợi ích của các quốc gia được quy định bởi Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh trật tự, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở khu vực Biển Đông như được xác lập tại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm và nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Mọi hoạt động của các bên cần phải đóng góp vào mục tiêu chung này.
Khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam, Thái Lan cảnh báo về việc các tỉnh dọc sông Mekong của nước này sẽ bị thiếu nước khi Trung Quốc thử nghiệm đập thủy điện Cảnh Hồng và liệu việc thử nghiệm này của Trung Quốc có ảnh hưởng tới các tỉnh ven sông Mekong của Việt Nam, Người Phát ngôn nhấn mạnh:
Việt Nam luôn quan tâm, theo dõi, nghiên cứu, đánh giá các hoạt động liên quan đến nguồn nước sông Mekong. Cùng với các lợi ích chính đáng trong sử dụng tài nguyên nước sông Mekong để phát triển thì các quốc gia cần có trách nhiệm chung trong việc sử dụng một cách công bằng, bền vững nguồn nước và tài nguyên nước của sông Mekong, bảo đảm lợi ích cân bằng của tất cả các nước ven sông vì sự thịnh vượng, phát triển bền vững của khu vực.
Thùy Dung