Mối lo ngại về việc dời văn phòng tổng thống Hàn Quốc khỏi Nhà Xanh
Việc Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol quyết định dời văn phòng của mình khỏi Nhà Xanh làm dấy lên lo ngại về an ninh, giữa lúc căng thẳng với Triều Tiên leo thang.
Khi Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lớn nhất từ trước đến nay vào hôm 24/3, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đang bận rộn với một nhiệm vụ cấp bách khác: Lên kế hoạch di dời văn phòng.
Đầu tháng này, Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol đã thông báo kế hoạch chuyển Bộ Quốc phòng đến một tòa nhà khác ở Seoul để nhường chỗ cho văn phòng tổng thống. Qua đó, văn phòng của ông có thể chuyển đến trụ sở hiện tại của Bộ trước ngày 10/5, ngày Tổng thống đắc cử Yoon nhậm chức.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc được cho là đã bất ngờ trước quyết định của ông Yoon. Quyết định này được đưa ra vào thời điểm Bình Nhưỡng đang nhanh chóng leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
"Một quyết định vội vàng"
Bình Nhưỡng thường phô trương lực lượng trong các giai đoạn chuyển giao quyền lực của tổng thống Hàn Quốc. Giới phân tích cho biết năm nay, sự bối rối do kế hoạch di dời cả văn phòng tổng thống và Bộ Quốc phòng của ông Yoon gây ra có thể làm tăng thêm những lo ngại về an ninh của Hàn Quốc.
Văn phòng tổng thống hiện tại nằm ở Nhà Xanh, một khu biệt lập với nhiều cây cối, nép mình giữa Cung điện Gyeongbokgung cổ kính và núi Bukaksan. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Yoon cho biết sẽ biến Nhà Xanh thành một công viên và “trả lại cho người dân”.
Nhà Xanh là nơi ở của các nhà lãnh đạo nước này kể từ năm 1948. Vị trí của nó đã trở thành biểu tượng cho sự bí mật và quyền lực của tổng thống. Hầu hết tổng thống Hàn Quốc đều từng bị bỏ tù hoặc dính líu vào các vụ bê bối tham nhũng sau khi rời nhiệm sở.
Truyền thông Hàn Quốc đang xôn xao với tin đồn về việc các pháp sư đã nói với bà Kim Kun-hee, vợ của ông Yoon, rằng Nhà Xanh đã bị nguyền rủa, và vị tổng thống đắc cử Hàn Quốc không nên sống ở đây. Tuy nhiên, đội ngũ chuyển tiếp của ông Yoon đã bác bỏ những tin đồn đó.
“Tôi biết có lo ngại rằng tôi đang quá vội vàng để di dời văn phòng tổng thống”, ông Yoon nói trong một cuộc họp báo.
“Nếu chuyển đến sống trong khuôn viên Nhà Xanh, tôi nghĩ sẽ khó thoát khỏi sức mạnh đế quốc vốn là biểu tượng của Nhà Xanh”, ông cho biết thêm.
Việc chuyển cả văn phòng tổng thống và Bộ Quốc phòng - với các boongke dưới lòng đất được trang bị thiết bị nhạy cảm để đối phó với các trường hợp khẩn cấp quốc gia như hành động khiêu khích quân sự của Triều Tiên - ngay lập tức kích động sự phẫn nộ ở Hàn Quốc.
Trong một cuộc khảo sát vào tuần này, gần 54% số người được hỏi cho biết họ phản đối "động thái vội vàng" này.
Trước đó, ông Yoon cho biết văn phòng mới của ông sẽ đặt tại một khu phức hợp chính phủ, cách Nhà Xanh vài dãy nhà. Tuy nhiên, sau cuộc bầu cử, ông nhận định kế hoạch của mình là không khả thi, vì khu vực đông đúc sẽ tạo ra những rủi ro an ninh, cũng như gây ra tắc đường và những bất tiện khác cho người dân.
Cuối cùng, ông quyết định chuyển tới trụ sở hiện tại của Bộ Quốc phòng ở Yongsan, một quận ở trung tâm Seoul.
Mối lo ngại đến từ Triều Tiên
Tổng thống sắp mãn nhiệm Moon Jae-in là một trong những người chỉ trích mạnh mẽ nhất động thái này của ông Yoon. Văn phòng của ông Moon cho biết kế hoạch của tổng thống đắc cử sẽ khiến Seoul khó chuẩn bị cho các hành động khiêu khích của Triều Tiên, như vụ phóng tên lửa Hwasong-17 hôm 24/3.
Trước đó, Tổng thống Moon cũng hứa chuyển văn phòng tổng thống ra khỏi Nhà Xanh, nhưng đã từ bỏ kế hoạch này sau khi đắc cử.
Chính phủ của ông Moon đã từ chối phân bổ 49,6 tỷ won (41 triệu USD) mà ông Yoon đã yêu cầu cho việc di dời văn phòng, với lý do điều đó sẽ gây ra gián đoạn cho phần còn lại của nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, ông Yoon tuyên bố sẽ thúc đẩy kế hoạch của mình. Nếu việc di dời không hoàn thành vào ngày 10/5, ông sẽ tiếp tục làm việc trong văn phòng của đội ngũ chuyển tiếp của mình.
Trong lúc đó, nhóm của ông Yoon cho biết tổng thống đắc cử sẽ đối phó với các hành động khiêu khích của Triều Tiên từ một phòng tình huống di động. Đó là một chiếc xe buýt nhỏ được trang bị màn hình lớn và thiết bị liên lạc được mã hóa mà các tổng thống Hàn Quốc sử dụng khi di chuyển bên ngoài thủ đô Seoul.
Giới phân tích cho biết sự rối loạn trong quá trình chuyển tiếp đã tạo cơ hội cho Triều Tiên. Việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa hôm 24/3 cho phép nước này “chào đón tổng thống đắc cử của Hàn Quốc với thông điệp” liên quan đến việc ai là bên có quyền lực trên bán đảo, Daniel R.Russel, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ, cho biết.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Yoon đã kịch liệt chỉ trích chính sách tìm kiếm đối thoại với Triều Tiên của ông Moon, ngay cả khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhanh chóng mở rộng các chương trình hạt nhân và tên lửa của đất nước.
Ông Yoon đã ủng hộ một liên minh mạnh mẽ hơn với Washington và lập trường cứng rắn hơn đối với Triều Tiên.
Triều Tiên từng khẳng định những hành động “thù địch” như các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc là một phần lý do khiến nước này phát triển “biện pháp răn đe chiến tranh hạt nhân”.
Các chuyên gia tên lửa cho biết nếu Triều Tiên bắn theo quỹ đạo phẳng hơn, loại vũ khí khổng lồ này có thể đưa toàn bộ nước Mỹ vào trong tầm bắn.
Văn phòng chuyển tiếp của ông Yoon gọi vụ phóng là một "hành động khiêu khích nghiêm trọng" và thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thảo luận về cách trừng phạt Triều Tiên vì hành vi gây hấn này.