Mối lo từ đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc trước cổng trường

Những gói bánh kẹo màu sắc sặc sỡ không nhãn mác, không thông tin xuất xứ được bày bán gần cổng các trường học tại Hà Tĩnh luôn là mối lo về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Khảo sát tại một cửa hàng kinh doanh nhỏ trên đường Đồng Quế (TP Hà Tĩnh) - khu vực gần Trường THCS Nam Hà, có nhiều loại bánh tráng tẩm gia vị, bánh xoài, hạt quẩy đóng theo gói nhỏ được bày bán nhưng trên bao bì không có thông tin gì về tên sản phẩm, nơi sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng.

Ngoài ra, còn có một số loại kẹo trên bao bì cũng chỉ có chữ nước ngoài, không có tem nhãn phụ (theo quy định, những sản phẩm nhập khẩu không thể hiện nội dung tiếng Việt, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt là những mặt hàng không đủ điều kiện để lưu thông trên thị trường – PV).

 Bánh kẹo không nhãn mác, không đầy đủ thông tin và nhãn mác chỉ có chữ nước ngoài được bày bán ở cửa hàng khu vực Trường THCS Nam Hà.

Bánh kẹo không nhãn mác, không đầy đủ thông tin và nhãn mác chỉ có chữ nước ngoài được bày bán ở cửa hàng khu vực Trường THCS Nam Hà.

Khi được hỏi về nguồn gốc những gói bánh bánh kẹo không có thông tin trên bao bì, chị H. – chủ cửa hàng cho biết: “Sản phẩm này tôi mua từ đầu mối trong chợ TP Hà Tĩnh về bán, mỗi gói chỉ 2.000-5.000 đồng. Lời lãi không nhiều nhưng phải bán thì học sinh mới vào quán và mua thêm những sản phẩm khác”.

Trong khi đó, cửa hàng tạp hóa trên đường La Sơn Phu Tử (TP Hà Tĩnh) - khu vực Trường Tiểu học Nguyễn Du và Trường THCS Nguyễn Du cũng bán đủ loại kẹo, bánh tráng, quẩy, xiên que bên ngoài có màu sắc sặc sỡ. Tại cửa hàng này cũng có những túi kẹo mang chữ nước ngoài và không có tem nhãn thông tin bằng tiếng Việt theo quy định.

 Các loại bánh kẹo có màu sắc sặc sỡ, mức giá khá rẻ được bày bán "bắt mắt" với các em học sinh.

Các loại bánh kẹo có màu sắc sặc sỡ, mức giá khá rẻ được bày bán "bắt mắt" với các em học sinh.

Tương tự, ghi nhận ở một tiệm tạp hóa nhỏ tại TDP Phú Nghĩa, thị trấn Lộc Hà - khu vực Trường Tiểu học thị trấn Lộc Hà cũng bán các loại bánh tráng tẩm gia vị, hạt quẩy, kẹo có màu sắc sặc sỡ, trên bao bì không ghi thông tin hoặc thiếu thông tin về sản phẩm. Những loại kẹo này chỉ được bán với giá vài nghìn đồng/gói.

Thực trạng đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc, không nhãn mác hay nhãn mác chữ nước ngoài xung quanh cổng trường học là vấn đề không mới nhưng luôn nhức nhối bởi tiềm ẩn mối nguy mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của các em học sinh. Trước đây, tại một số tỉnh, thành đã xuất hiện những thông tin về tình trạng học sinh ngộ độc do ăn bánh kẹo lạ từ những tiệm tạp hóa gần cổng trường.

 Bánh kẹo không nhãn mác, không rõ nguồn gốc luôn là mối lo ngại về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bánh kẹo không nhãn mác, không rõ nguồn gốc luôn là mối lo ngại về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ở Hà Tĩnh cũng vậy, không khó để bắt gặp những sản phẩm như bánh kẹo, quẩy, que cay, kẹo hồ lô, xúc xích, bánh tráng, nước hoa quả, nước uống tự chế… có màu sắc hấp dẫn nhưng không có nhãn mác tại các tạp hóa khu vực xung quanh trường học. Những sản phẩm này có mức giá khá rẻ và bắt mắt với các em học sinh. Đây là mối lo ngại lớn của các bậc phụ huynh và nhà trường.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh – phụ huynh tại TP Hà Tĩnh bày tỏ: “Con tôi đang học lớp 4, tôi không cho con tiền để tự mua đồ và luôn dặn con không được tự ý mua bánh kẹo để ăn, thế nhưng tôi cũng không thể kiểm soát và quản lý thời gian cháu đi học. Trong khi đó, nhiều loại bánh kẹo được bày bán không nhãn mác lại có màu sắc hấp dẫn với các con nên tôi thực sự rất lo lắng”.

 Lực lượng QLTT kiểm tra, tuyên truyền cho các hộ kinh doanh về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Lực lượng QLTT kiểm tra, tuyên truyền cho các hộ kinh doanh về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Vừa qua, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Tĩnh) phối hợp với Công an TP Hà Tĩnh đã tổ chức buổi tuyên truyền, ký cam kết với các cơ sở kinh doanh khu vực trường học về chấp hành các quy định pháp luật trong kinh doanh, không nhập các loại hàng hóa không đảm bảo, không rõ nguồn gốc, xuất xứ để bán cho học sinh. Sau khi được lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở, một số cơ sở kinh doanh đã tự nguyện tiêu hủy những mặt hàng không đạt yêu cầu kinh doanh.

Theo ông Trần Đức Thành – Phó Đội trưởng Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Tĩnh), đơn vị đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến với các hộ kinh doanh về những nội dung trọng tâm như: đảm bảo an toàn thực phẩm; kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng; hàng hóa phải có hóa đơn chứng từ; đối với hàng hóa sản xuất tại nước ngoài, phải có tem nhãn phụ; không kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, không có thông tin về sản phẩm; nhập hàng hóa từ nhà phân phối uy tín… Đồng thời, cảnh báo các nguy cơ về không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau hoạt động tuyên truyền, lực lượng QLTT sẽ ra quân kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm.

 Một chủ cửa hàng tiêu hủy bánh kẹo, thực phẩm không có nhãn mác và nhãn mác nước ngoài không có tem tiếng Việt.

Một chủ cửa hàng tiêu hủy bánh kẹo, thực phẩm không có nhãn mác và nhãn mác nước ngoài không có tem tiếng Việt.

Để xử lý dứt điểm vấn đề này nhằm bảo vệ sức khỏe cho các em học sinh cần có sự phối hợp, vào cuộc tích cực từ phía cơ quan chức năng, nhà trường, phụ huynh và cả những người kinh doanh, tránh những hệ lụy xấu về sức khỏe cho con em mình.

Cùng với việc nhắc nhở, tuyên truyền giúp học sinh nhận thức được mối nguy hại trong việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác thì công tác kiểm tra, xử lý cũng cần được tăng cường hơn nữa.

Ngọc Khánh - Minh Ngọc

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/moi-lo-tu-do-an-vat-khong-ro-nguon-goc-truoc-cong-truong-o-ha-tinh-post275666.html