'Mọi người có quyền được sống và làm việc trong môi trường không khói thuốc lá'
PTĐT - 'Mọi người có quyền được sống và làm việc trong môi trường không khói thuốc lá' đó là thông điệp được Bác sĩ (BS)chuyên khoa I Nguyễn Mạnh Khang - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh nhiều lần qua buổi trò chuyện với PV Báo Phú Thọ về tác hại của thuốc lá và việc thực hiện Luật phòng chống tác hại thuốc lá.
PTĐT - “Mọi người có quyền được sống và làm việc trong môi trường không khói thuốc lá” đó là thông điệp được Bác sĩ (BS)chuyên khoa I Nguyễn Mạnh Khang - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh nhiều lần qua buổi trò chuyện với PV Báo Phú Thọ về tác hại của thuốc lá và việc thực hiện Luật phòng chống tác hại thuốc lá.
PV: Thưa ông, theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) thống kê, Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, đứng thứ 3 tại Đông Nam Á. Dưới góc độ thầy thuốc, ông nhìn nhận thế nào về những con số trên?
BS Nguyễn Mạnh Khang: Theo thống kê, tại các nước phát triển, tỷ lệ hút thuốc lá đang giảm đi trong những thập kỷ qua, ngược lại, tại các nước đang phát triển, việc sử dụng thuốc lá có xu hướng gia tăng. Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới và tỷ lệ hút ngày càng trẻ hóa.Theo điều tra Toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS 2015) do Tổng cục Thống kê phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, so với năm 2010, tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới Việt Nam giảm khoảng 2%, tuy nhiên, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới của chúng ta vẫn rất cao. Tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc là 47,4%. Trong giới trẻ độ tuổi 15-24, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới là 26,1% và nữ giới là 0,3%. Việt Nam hiện có 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên phải hít khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc. Tỷ lệ hút thuốc thụ động tại các nhà hàng là 84,9%.Sử dụng thuốc lá gây ra chi phí khổng lồ trong chăm sóc y tế cho những người bị bệnh do hút thuốc lá, cộng thêm tổn thất do giảm hoặc mất khả năng lao động, và những tổn hại cho môi trường. Tại Việt Nam, hàng năm có hơn 40.000 người chết do các bệnh có nguyên nhân từ thuốc lá gây ra.PV: Nhiều ý kiến cho rằng “Đàn ông Việt đang vô tình đầu độc vợ con bằng thuốc lá”, ông có thể giải thích thêm về tác hại của khói thuốc đối với những người xung quanh như thế nào?
BS Nguyễn Mạnh Khang: Có 3 kiểu khói thuốc: Dòng khói chính, dòng khói phụ và khói thuốc môi trường. Dòng khói chính (MS) là dòng khói do người hút thuốc hít vào. Đó là luồng khí đi qua gốc của điếu thuốc. Dòng khói phụ (SS) là khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy tỏa ra vào không khí, nó không bao gồm phần khói thuốc do người hút thở ra. Khói thuốc môi trường (ETS) là hỗn hợp của dòng phói phụ và khói thở ra của dòng khói chính cũng như các chất tạp nhiễm khuếch tán qua giấy quấn thuốc lá và đầu điếu thuốc giữa các lần hút.Điều đáng nói là dòng khói phụ có nhiều hỗn hợp gây ung thư mạnh hơn dòng khói chính, bởi dòng khói phụ thường bị tạp nhiễm hơn dòng khói chính. Dòng khói phụ cũng khác với dòng khói chính ở chỗ các sản phẩm độc có thể tồn tại dưới dạng khác ví dụ nicotine chủ yếu ở dạng hạt rắn trong khói dòng chính, nhưng lại ở dạng khí trong khói thuốc môi trường. Vì vậy, khi người đàn ông hút và nhả khói thuốc ra môi trường ở nhà vợ con hít thở phải khói thuốc (hay nói cách khác là hút thuốc thụ động) có các hóa chất độc hại lâu ngày là nguyên nhân gây các bệnh do khói thuốc lá, đó là người đàn ông đã vô tình đầu độc vợ con bằng khói thuốc lá. Đặc biệt, các bệnh do hít khói thuốc thụ động và do người hút thuốc về cơ bản sẽ giống nhau. Nếu là người hút thuốc sẽ gây một số bệnh về đường hô hấp, tim mạch, chính vì vậy xây dựng môi trường không khói thuốc là điều tiên quyết để giúp người không hút thuốc sẽ không bị ảnh hưởng bởi khói thuốc thụ động.PV: Tôi là người hút thuốc lá, nếu từ bây giờ bỏ thuốc thì tôi sẽ nhận được điều gì về sức khỏe, thưa ông?
BS Nguyễn Mạnh Khang: Nếu bạn bỏ thuốc lá, cơ thể bạn sẽ không còn tích lũy chất độc và có thể loại trừ được nguyên nhân và điều kiện gây các bệnh do thuốc lá gây nên. Nếu bỏ thuốc trước tuổi 50 sẽ giảm 50% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch sau khi bỏ thuốc được 1 năm và giảm 50% nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi. Bên cạnh đó bạn bỏ thuốc sẽ góp phần làm cho bầu không khí trong lành, giảm ô nhiễm, góp phần giảm mắc các bệnh do khói thuốc lá cho người thân trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, đồng thời thực hiện nghiêm Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Nếu ngay từ bây giờ, bạn ngừng hút thuốc thì nguy cơ ung thư sẽ giảm và cơ thể sẽ khỏe khoắn hơn. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành sẽ giảm ngay lập tức.PV: Có nhiều người tự cai nghiện thuốc lá song không thành công. Theo bác sĩ có nguyên nhân nào khiến người cai nghiện khó bỏ thuốc lá?
BS Nguyễn Mạnh Khang: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, công thức để cai nghiện thuốc lá thành công gồm 3 yếu tố: Thứ nhất là kiến thức của người bệnh về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe bản thân và những người xung quanh (những người hút thuốc lá thụ động). Khi có kiến thức đầy đủ như vậy người bệnh mới có đủ quyết tâm để cai nghiện. Và yếu tố quyết tâm của người cai chính là mấu chốt trong việc cai nghiện thuốc lá thành công. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ nhân viên y tế và những người thân cũng là yếu tố quan trọng để người bệnh vượt qua những rào cản, tránh né những cạm bẫy trong quá trình cai nghiện.Thực tế cho thấy, mặc dù nhiều người có đầy đủ kiến thức cũng như hiểu biết về tác hại của thuốc lá nhưng sự quyết tâm từ bỏ thuốc lá chưa cao nên đã không thể thành công trong quá trình cai nghiện. Hoặc cũng có rất nhiều trường hợp người cai có kiến thức về tác hại; của thuốc lá, có lòng quyết tâm nhưng không nhận được sự hỗ trợ từ nhân viên y tế và những người xung quanh thì tỷ lệ thành công cũng sẽ rất thấp. Do vậy để việc cai nghiện thuốc lá đạt được kết quả như mong muốn buộc phải có đầy đủ cả 3 yếu tố trên.PV: Để xây dựng môi trường không có khói thuốc lá, theo ông thời gian tới chúng ta nên tiếp tục những giải pháp nào?
BS Nguyễn Mạnh Khang: Theo tôi, thông điệp “Mọi người có quyền được sống và làm việc trong môi trường không khói thuốc lá” cần tiếp tục được tuyên truyền và nhân rộng những mô hình, đơn vị làm tốt, phấn đấu hàng năm giảm tỷ lệ người hút thuốc lá một cách bền vững, góp phần xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc, xây dựng tổ ấm không khói thuốc, vì tương lai, sức khỏe của bản thân và chính con, em mỗi người. Vì một cộng đồng không khói thuốc! Vì sức khỏe của mỗi người. Vì tương lai con em chúng ta, người hút thuốc hãy bỏ thuốc lá ngay từ bây giờ và: - Đừng hút thuốc lá trong nhà, phòng làm việc; - Đừng hút thuốc lá nơi công cộng; - Đừng hút thuốc lá trước mặt trẻ em; - Đừng mời hoặc nhận thuốc lá từ bạn bè, đồng nghiệp. Đồng thời hãy: - Hãy giảm hút thuốc lá; - Hãy cai nghiện thuốc lá; - Hãy kiên quyết nói không với thuốc lá khi chưa từng hút; - Hãy để môi trường xung quanh không khói thuốc lá.PV: Cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi!