Mối quan hệ giữa quy mô doanh nghiệp, quản trị công ty và thành quả hoạt động doanh nghiệp tại Việt Nam

Nghiên cứu này nhằm kiểm định mối quan hệ giữa quy mô doanh nghiệp (DN), quản trị công ty và hiệu quả hoạt động DN. Thông qua việc ước lượng mô hình GMM, kết quả nghiên cứu cho thấy, quản trị công ty có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động DN. Quy mô DN vừa có vai trò kiểm soát, vừa có vai trò điều tiết mối quan hệ giữa quản trị công ty và hiệu quả hoạt động DN.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giới thiệu

Mối quan hệ giữa quản trị DN và hiệu quả hoạt động DN đã được nhiều học giả trên thế giới quan tâm nghiên cứu. Theo Yusoff và Abdulsamad (2018), một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc phát triển, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả hoạt động DN đó là quản trị DN.

Nhiều nghiên cứu thực nghiệm cho rằng, quản trị DN mạnh hơn sẽ mang lại lợi nhuận cổ đông cao hơn (Chi, 2009) và hiệu quả hoạt động DN cao hơn (Arora và Sharma, 2016; Malik và Makhdoom, 2016). Đồng thời, các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, mối quan hệ giữa quản trị DN và hiệu quả hoạt động DN chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như môi trường kinh doanh, quy mô DN.

Trong các nghiên cứu trước có liên quan đến quản trị công ty và hiệu quả hoạt động công ty, quy mô DN được xem xét ở hai vai trò là biến kiểm soát hoặc biến điều tiết, do đó, kết quả nghiên cứu chưa có sự đối sánh khi xem xét cụ thể từng vai trò của quy mô DN trong các nghiên cứu riêng biệt.

Tại nghiên cứu này, các tác giả xem xét quy mô DN ở cả hai vai trò, vừa là biến kiểm soát, vừa là biến điều tiết để có cách nhìn, toàn diện hơn về vai trò, cũng như tác động của quy mô DN đến mối quan hệ giữa quản trị công ty và hiệu quả hoạt động của DN.

Tổng quan nghiên cứu và mô hình nghiên cứu

Quản trị công ty

Đưa ra định nghĩa về quản trị công ty, theo Tập đoàn Tài chính Quốc tế (2010), quản trị công ty là các cơ cấu và các quá trình để định hướng, kiểm soát DN. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (2004) cho rằng, quản trị công ty liên quan tới một tập hợp các mối quan hệ giữa Ban Giám đốc, Hội đồng Quản trị, cổ đông và các bên có quyền lợi liên quan khác.

Quyết định số 12/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính nêu rõ, quản trị công ty là hệ thống các quy tắc để đảm bảo cho DN được định hướng điều hành và được kiểm soát một cách có hiệu quả vì quyền lợi của cổ đông, cũng như những người liên quan đến DN.

Quy mô doanh nghiệp

Quy mô DN được định nghĩa là quy mô hoạt động trong một tổ chức, có thể có mối quan hệ mật thiết với hiệu quả về mặt tài chính nói riêng (Orlitzky, 2001), hiệu quả hoạt động DN nói chung (Chi, 2009). Có nhiều phương thức được sử dụng để đo lường quy mô DN trong các nghiên cứu trước, tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu đều cho thấy, vai trò và ý nghĩa của quy mô DN đối với mối quan hệ giữa quản trị công ty và hiệu quả họat động DN.

Hiệu quả hoạt động

Đo lường hiệu quả hoạt động DN đóng vai trò rất quan trọng trong việc thể hiện kết quả của một chiến lược (Pun và White, 2005). Hiện nay, việc đo lường hiệu quả hoạt động của DN được các nghiên cứu tiếp cận ở cả khía cạnh tài chính và thị trường sản phẩm, điển hình như trong nghiên cứu của Al-ahdal, Alsamhi, Tabash, và Farhan (2020), Dao và Ngo (2020), Puni và Anlesinya (2020), Mishra, Jain và Manogna (2021).

Giả thuyết và mô hình nghiên cứu

Giả thuyết nghiên cứu

Nhóm tác giả đưa ra các giả thuyết nghiên cứu như sau:

H1: Quản trị công ty có mối quan hệ tỷ lệ thuận với hiệu quả họat động DN.

H2: Quy mô DN điều tiết mối quan hệ giữa quản trị công ty và hiệu quả hoạt động (quy mô DN lớn hơn làm giảm tác động của quản trị công ty đến hiệu quả hoạt động).

H3: Quy mô DN có mối quan hệ tỷ lệ thuận với hiệu quả hoạt động.

Mô hình nghiên cứu

Qua các cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm liên quan đến quản trị công ty và hiệu quả hoạt động, nhóm tác giả đưa ra mô hình nghiên cứu về vai trò của quy mô DN đối với mối quan hệ giữa quản trị công ty và hiệu quả hoạt động DN tại Việt Nam như sau:

PERit = α + β1PERit-1 + β2CGit + β4FSit + β6FSit*CGit + εit

Trong đó:

PER: Là hiệu quả hoạt động, được đo bằng ROE và tăng trưởng doanh thu (SG)

CG: Là quản trị công ty, được đo bằng điểm quản trị công ty

FS: Là quy mô DN, được đo bằng logarit tự nhiên của tổng tài sản

ε: Là sai số trong mô hình

i, t: là đại diện cho DN i tại thời điểm t, với khoảng thời gian t trong giai đoạn 2012-2021.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp nghiên cứu định lượng. Nguồn dữ liệu nghiên cứu sử dụng là dữ liệu thứ cấp, thu thập từ bản cáo bạch, báo cáo tài chính năm và báo cáo quản trị công ty của các DN niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Dữ liệu được thu thập từ 700 quan sát của 70 DN đại chúng trong giai đoạn 2012 - 2021. Phương pháp GMM được sử dụng để phân tích dữ liệu.

Kết quả nghiên cứu

Kết quả kiểm định mối quan hệ giữa quản trị công ty và hiệu quả hoạt động DN được ước lượng thông qua mô hình GMM. Trong mô hình nghiên cứu, hiệu quả hoạt động được đo lường bằng ROE và SG. Do đó, mô hình ước lượng (mô hình GMM) trong nghiên cứu này tương ứng với mô hình 1 (hiệu quả đo lường bằng ROE) và mô hình 2 (hiệu quả đo lường bằng SG). Kết quả chi tiết thể hiện như Bảng 1.

Trước khi tiến hành kiểm tra các giả thuyết nghiên cứu thông qua hai mô hình, cần kiểm tra các điều kiện cần thiết khi ước lượng mô hình GMM. Cụ thể:

Điều kiện thứ nhất, mô hình có số lượng biến công cụ hợp lý. Kết quả trong Bảng 1 cho thấy, cả hai mô hình đều đạt yêu cầu với lượng biến công cụ là 52 nhỏ hơn số nhóm trong dữ liệu bảng phân tích là 70.

Điều kiện thứ hai, việc ước lượng mô hình GMM không có hiện tượng tương quan chuỗi bậc hai. Theo kết quả trong Bảng 1, cả hai mô hình đều đạt yêu cầu của kiểm định này khi AR(2) của hai mô hình có P > 0,05 (mô hình 1 là 0,127; mô hình 2 là 0,410).

Điều kiện thứ ba, kiểm định sự phù hợp của việc chọn mô hình GMM để ước lượng, đó là sự phù hợp của các biến công cụ trong mô hình. Kết quả kiểm định Hansen trong Bảng 1 của mô hình 1 và mô hình 2 đều có P > 0,05 (0,358 và 0,407), điều này cho thấy sự phù hợp của các biến công cụ trong mô hình 1 và mô hình 2.

Theo kết quả ước lượng mô hình 1, tất cả các biến trong mô hình đều có ý nghĩa thống kê ở mức nhỏ hơn 1%. Kết quả này giúp đưa ra kết luận là các giả thuyết H1 và H3 được chấp nhận. Bên cạnh đó, cấu trúc tương tác FSit*CGit có ý nghĩa thống kê ở mức nhỏ hơn 1%, kết quả này cho thấy giả thuyết H2 được chấp nhận. Kết quả ước lượng mô hình 2 tương đồng với mô hình 1, tất cả các giả thuyết H1, H2 và H3 đều được chấp nhận.

Thảo luận

Kết quả của mô hình 1

Kết quả trong Bảng 1 cho thấy, yếu tố quản trị công ty (điểm quản trị công ty) có ý nghĩa thống kê và tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động DN. Kết quả này khẳng định, tầm quan trọng của các thông lệ quản trị công ty tốt, việc DN thực hiện các thông lệ tốt sẽ trực tiếp cải thiện hiệu quả hoạt động DN.

Về quy mô DN, đối với vai trò là biến kiểm soát, kết quả cho thấy yếu tố quy mô DN có ý nghĩa thống kê và tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động. Nghĩa là quy mô DN lớn hơn dẫn đến hiệu quả hoạt động của DN cao hơn. Bên cạnh đó, trong vai trò là biến điều tiết của quy mô DN đối với mối quan hệ giữa quản trị công ty và hiệu quả hoạt động của DN, kết quả trong Bảng 1 cho thấy cấu trúc tương tác FSit*CGit có ý nghĩa thống kê ở mức nhỏ hơn 1% và hệ số ước lượng là -0,423. Điều này dẫn đến kết luận quy mô DN điều tiết mối quan hệ giữa quản trị công ty và hiệu quả hoạt động DN, quy mô DN lớn hơn làm giảm tác động của quản trị công ty đến hiệu quả hoạt động.

Kết quả của mô hình 2

Kết quả kiểm định trong mô hình 2 có sự tương đồng với các kết quả kiểm định trong mô hình 1, cả về ý nghĩa thống kê, chiều hướng tác động và độ mạnh của các mối quan hệ giữa các biến trong mô hình nghiên cứu.

Như vậy, việc sử dụng cùng lúc cả hai thước đo về hiệu quả là hiệu quả tài chính và hiệu quả thị trường đã bộc lộ sự tương đồng của hai loại thước đo này. Đây là cơ sở vững chắc cho việc chấp nhận các giả thuyết H1, H2 và H3 cũng như tạo cơ sở vững chắc cho việc đánh giá mối quan hệ giữa quản trị công ty và hiệu quả hoạt động.

Kết luận

Nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp nghiên cứu định lượng, thông qua việc thu thập dữ liệu thứ cấp từ 70 DN đại chúng niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội trong mười năm (giai đoạn 2012 - 2021). Để kiểm định mô hình và các giả thuyết nghiên cứu, nhóm tác giả đã sử dụng mô hình GMM để ước lượng. Biến phụ thuộc trong mô hình nghiên cứu là hiệu quả hoạt động DN và được xem xét ở hai khía cạnh khác nhau, do đó, nghiên cứu tiến hành ước lượng cả hai mô hình tương ứng với hai khía cạnh của hiệu quả hoạt động.

Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu (2023)

Mô hình 1, hiệu quả hoạt động được xem xét ở khía cạnh là hiệu quả tài chính và mô hình 2, hiệu quả được xem xét ở khía cạnh hiệu quả thị trường. Kết quả kiểm định cho thấy, các giả thuyết từ H1, H2 và H3 đều được chấp nhận ở cả trong hai mô hình.

Tài liệu tham khảo:

Bộ Tài chính (2007), Quyết định 12/2007/QĐ-BTC ngày 13 tháng 03 năm 2007 về việc ban hành quy chế quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán/ trung tâm giao dịch chứng khoán;Al-ahdal, W. M., Alsamhi, M. H., Tabash, M. I., & Farhan, N. H. (2020), The impact of corporate governance on financial performance of Indian and GCC listed firms: An empirical investigation. Research in International Business and Finance, 51, 101083. doi:10.1016/j.ribaf.2019.101083;Al-Gamrh, B., Ismail, K. N. I. K., Ahsan, T., & Alquhaif, A. (2020), Investment opportunities, corporate governance quality, and firm performance in the UAE. Journal of Accounting in Emerging Economies. doi:10.1108/JAEE-12-2018-0134;Alali, F., Anandarajan, A., & Jiang, W. (2012), The effect of corporate governance on firm’s credit ratings: further evidence using governance score in the United States. Accounting & finance, 52(2), 291-312. doi:10.1111/j.1467-629X.2010.00396.x;Arora, A., & Sharma, C. (2016), Corporate governance and firm performance in developing countries: evidence from India. Corporate Governance, 16(2), 420-436. doi:10.1108/CG-01-2016-0018;Bawazir, H., Khayati, A., & AbdulMajeed, F. (2021), Corporate governance and the performance of non-financial firms: the case of Oman. Entrepreneurship and Sustainability Issues, 8(4), 595. doi:10.9770/jesi.2021.8.4(36).

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 số tháng 5/2023

Phạm Đức Chính - Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trịnh Hoàng Anh - Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/moi-quan-he-giua-quy-mo-doanh-nghiep-quan-tri-cong-ty-va-thanh-qua-hoat-dong-doanh-nghiep-tai-viet-nam.html?source=cat-84