Món ăn giữ ấm sự bền chặt trong quan hệ giao tiếp của đồng bào dân tộc Mông
Trong kho tàng nghệ thuật ẩm thực của cộng đồng các dân tộc thiểu số, nhắc đến món thắng cố ngựa là nhắc đến đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Cùng với thời gian, ngay chính món ăn này cũng thay đổi, không còn nguyên gốc vì thói quen sinh hoạt, đời sống của đồng bào ở nhiều vùng cư trú khác nhau cũng thay đổi theo thời cuộc. Tôi may mắn được chứng thực bữa sáng của đồng bào dân tộc Mông và khách du lịch thưởng thức món thắng cố ngựa ở chợ huyện Si Ma Cai, Lào Cai theo cách thức 'Tây hóa' là ăn sáng kiểu buffet (tiệc các món tự chọn) trong khung cảnh bảng lảng sương mờ của một vùng núi cao hùng vĩ.
Người Mông đặc biệt yêu quý ngựa. Đó là con vật gần gũi nhất của đời sống, con vật nuôi phục dịch, đỡ đần người, đồng thời, cũng là người bạn đồng hành với người nông dân. Họ sở hữu những bí quyết để chọn được con ngựa tốt ở mỗi phiên chợ mua bán vật nuôi. Có nhiều con dốc núi ở phía Bắc có tên là dốc Thẩm Mã, chính vì xưa kia, mỗi lần mua ngựa dắt về, cả người và ngựa leo lên được những con dốc đứng đó, coi như vượt qua kì “sát hạch” sau cùng để về nhà, được là thành viên của gia đình. Chủ nhà sẽ làm lễ báo với tổ tiên, gia đình có thêm con vật nuôi, đó là phong tục mà đồng bào Mông cho rằng để cho ngựa nhập gia môn, phò chủ và làm thịnh vượng cho chủ, cũng là mong cho ngựa có thể đi cùng chủ khắp mọi nẻo đường.
Thế nhưng, món ăn mà người Mông yêu thích nhất lại là món thắng cố ngựa. Vẫn những câu chuyện truyền thuyết lý giải rằng, kể cả việc phải ăn người bạn đồng hành của mình, người Mông đã viết lên những trang sử về cuộc đấu tranh đầy cam go tìm kiếm kế sinh nhai, sự sống còn và duy trì nòi giống. Không ai ăn thắng cố một mình khi không có lý do lớn. Chỉ khi có lễ tạ, lễ phong tục dòng họ thì mới làm thắng cố để thết đãi bạn bè, họ hàng. Cũng vì thế, món thắng cố là món ăn đặc biệt. Nếu ở vùng cao, chỉ có thể thấy thắng cố trong chợ phiên, đó là món ăn có tính chất đại đồng với ý nghĩa, vừa ăn, vừa nấu, tất cả chung một nồi.
Việc chủ hàng nấu thắng cố bán cho người đi chợ uống rượu, mỗi người mua mỗi bát là việc thường thấy. Nhưng tiệc buffet thắng cố ở Si Ma Cai lại khác. Sáng sớm, người ta xuống chợ để ăn sáng, ai nấy quây quần xung quanh những bộ bàn ghế thô mộc, tồi tàn trong chợ. Ở giữa là một chiếc bàn lớn bày ra rất nhiều loại thịt và nội tạng của ngựa, bò, trâu, lợn, thậm chí cả gia cầm. Ai ăn thì cắt những miếng nhỏ cho vào nồi thắng cố đang sôi gần đó, rồi lại cầm cái muôi lớn múc thịt ra bàn ăn sáng không hạn chế số lượng. Mỗi buổi sáng ở chợ, người ta la cà gặp bạn, uống rượu, có khi cũng phải hết vài lượt múc.
Nhưng chưa hết, nếu mỗi bàn ăn đó giữa chừng đồ ăn bị nguội hoặc là thịt gia súc bị già, dai quá, thì có khi lại đổ vào nồi, múc bát khác. Ăn sáng mà không đi sớm, càng về sau thì càng bị ăn thừa thức ăn của bàn trước để lại. Nghe khách hàng than phiền là thắng cố gần cạn đáy nồi rồi, còn toàn miếng xương, miếng không ngon, chứ ngon người ta chọn hết rồi, thì lúc đó chủ hàng mới thủng thẳng đáp: “Thế tại sao ông không đi sớm mà chọn miếng ngon”!
Ăn hàng ngày thường chỉ cần đủ no, nhưng ở những phiên chợ đông vui, nhu cầu ăn uống cộng cảm của người Mông được đặt lên hàng đầu. Chỉ cần một bình rượu và một chảo thắng cố, lần lượt, từng người sẽ uống chung bát rượu và ăn chung một nồi. Đó là một hình thức người Mông đề cao tính cộng đồng và bình đẳng, hàm ý rằng đã ăn chung một chảo canh thịt, thì sau này đều là anh em.
Món ăn của đồng bào dân tộc Mông rất chú trọng đến gia vị và màu sắc, vì đặc điểm cư trú trên núi cao hầu hết quanh năm giá lạnh, rất cần có những món ăn ấm, nóng với màu sắc mạnh để xua bớt sương giá. Vậy nên, các món ăn nóng luôn được ưu tiên. Thắng cố cũng vậy, luôn được đun trong chảo lớn, đổ ngập nước, sôi lăn tăn làm mềm thịt và nội tạng gia súc, gia cầm, cũng là để lấy nước dùng nóng chan thêm vào các món ăn khác như canh rau cải, mèn mén, mì gạo, canh thịt... Ông Vừ Mí Sênh, người có thâm niên làm nghề mổ lợn, ngựa, trâu, bò, bán thắng cố trong chợ nói: “Không có thắng cố thì sao gọi là chợ phiên. Cũng như người dân tộc Kinh có miếng trầu là đầu câu chuyện, người Mông ta đến chợ là phải có bát thắng cố để gặp gỡ anh em, bè bạn”.
Cũng chính vì vậy, thắng cố có thể biến hóa thay đổi đi với cách nấu, cách ăn với rau, với nhiều loại thịt khác, hoặc ăn kiểu buffet, nhưng bản chất vẫn không hề thay đổi?