Món được yêu thích ngang rượu soju ở Hàn Quốc

Nếu rượu soju không thể vắng mặt trên bàn nhậu ở Hàn Quốc, thì cà phê đóng gói luôn có sẵn trên quầy đồ uống ở công ty và được ví như nước tăng lực cho mọi tầng lớp lao động.

Hôm 4/11, 2 thợ mỏ mắc kẹt hơn 9 ngày dưới một khu mỏ kẽm bị sập ở Đông Nam Hàn Quốc đã sống sót "thần kỳ" và ra được bên ngoài. Điều khiến dư luận ngạc nhiên nhất nằm ở chỗ nguồn thức ăn duy nhất của họ là 30 gói cà phê hòa tan.

Theo Korea JoongAng Daily, những gói cà phê hòa tan màu vàng dễ dàng xuất hiện trong bất kỳ môi trường làm việc nào, từ căn bếp nhỏ tại văn phòng cho đến công trường xây dựng hoặc trong túi của những người chạy bộ, leo núi.

Bên cạnh món rượu soju truyền thống, loại thức uống này là món đồ không thể thiếu với người dân Hàn Quốc, quen thuộc đến mức trở thành nét văn hóa phổ biến của xứ kim chi.

 Park Jung-ha, một trong hai thợ mỏ bị mắc kẹt trong mỏ kẽm trong 9 ngày, đã uống cà phê hòa tan, thứ giúp anh sống sót trong khi chờ đợi được giải cứu. Ảnh: Yonhap.

Park Jung-ha, một trong hai thợ mỏ bị mắc kẹt trong mỏ kẽm trong 9 ngày, đã uống cà phê hòa tan, thứ giúp anh sống sót trong khi chờ đợi được giải cứu. Ảnh: Yonhap.

Có mặt ở mọi nơi

Năm 1976, công ty Dong Suh Foods lần đầu cho ra mắt những gói cà phê được đóng sẵn. Kể từ đó, chúng được ưa chuộng bởi không chỉ giúp người uống giữ tỉnh táo, mà còn hiệu quả trong việc tiếp thêm năng lượng.

Nói cách khác, cà phê hòa tan được coi là thứ bắt buộc đối với bất kỳ hoạt động ngoài trời hoặc lao động chân tay đòi hỏi sự chăm chỉ.

Mặc dù có nhiều lựa chọn khác như cà phê đen hay nước tăng lực, người Hàn Quốc vẫn ưu ái tìm đến loại đồ uống này vào giờ nghỉ ngơi bởi sự tiện lợi và lượng đường bổ sung.

Một gói cà phê có sẵn hỗn hợp đường, cà phê và kem. Người dùng chỉ cần xé bao bì và đổ vào một cốc nước nóng, phù hợp với những người thích tính nhanh chóng thay vì mất thời gian tự pha một tách cà phê.

"Khách hàng thích sản phẩm bởi đây là cách tuyệt vời để kết thúc bữa ăn và nó giúp họ sẵn sàng cho những việc còn lại phải làm. Ở thập niên 1980, nông dân Hàn Quốc luôn uống một cốc cà phê hòa tan sau bữa trưa", Lee Joo Soon, đại diện nhà sản xuất, cho biết.

Còn hiện giờ, cà phê hòa tan thường xuyên có mặt trong canteen, bếp ở văn phòng, phục vụ những nhân viên mệt mỏi.

“Tại nơi làm việc, tôi phụ trách mua thêm đồ ăn nhẹ cho cả phòng. Cà phê hòa tan là thứ không thể thiếu. Ngoài giờ nghỉ trưa, đồng nghiệp tôi thường xuyên pha thức uống truyền thống này mỗi khi giải lao nhanh", Kim Hye-na (27 tuổi), nhân viên văn phòng ở Seoul, cho biết.

 Không chỉ giúp tỉnh táo, loại đồ uống này còn có tác dụng như một thứ nước tăng lực với dân lao động chân tay và trí thức ở xứ củ sâm.

Không chỉ giúp tỉnh táo, loại đồ uống này còn có tác dụng như một thứ nước tăng lực với dân lao động chân tay và trí thức ở xứ củ sâm.

Loại thức uống này từng xuất hiện trong nhiều bộ phim truyền hình ở Hàn Quốc như Misaeng (2014), My Mister (2018).

Trong Vincenzo (2021), nam diễn viên Song Joong-ki có phân cảnh uống cà phê hòa tan và ngay lập tức bị cuốn hút bởi hương vị sau khi thử lần đầu tiên.

Thứ nước bình dân của mọi tầng lớp

Trong các khu chợ truyền thống, các chủ sạp, tiểu thương cũng coi cà phê đóng gói sẵn là một phần của cuộc sống hàng ngày. Trong khu chợ trời Dongmyo, các quầy đồ ăn có thể bán nhiều món khác nhau, nhưng đều có một điểm chung trong thực đơn: cà phê nóng và đá, pha từ cà phê hòa tan.

Một cốc nóng được bán với giá khoảng 500 won một cốc, trong khi một ly cà phê đá được bán với giá 1.000 won.

Cheon Yeong-eun, chủ của một quán ăn trong chợ, cho biết: “Có rất nhiều chủ kinh doanh thời trang ở đây thường xuyên đến quán để mua cà phê nhanh chóng rồi quay về với công việc bận rộn".

 Các gói cà phê đóng gói sẵn có mặt hàng ngày trong các văn phòng ở Hàn Quốc.

Các gói cà phê đóng gói sẵn có mặt hàng ngày trong các văn phòng ở Hàn Quốc.

Mặc dù cà phê hòa tan là mặt hàng chủ lực của Hàn Quốc, nhưng thị trường đang dần thu hẹp do các thương hiệu cà phê mới và hợp thị hiếu, sở thích uống cà phê nguyên chất của số đông dần phát triển.

Thị trường cà phê hòa tan của Hàn Quốc đạt giá trị 787,9 tỷ won vào năm 2020, giảm 11,8% so với một năm trước đó.

Ngoài ra, đây có xu hướng là món đồ uống được tiêu thụ chủ yếu trong nước, không phải mặt hàng chủ lực để xuất khẩu, quảng bá văn hóa như rượu soju.

Park Yoo-min (28 tuổi), sống ở Trung Quốc cùng gia đình vào những năm 2010, cho biết: “Mẹ tôi rất thích những gói cà phê đóng sẵn. Bà luôn mang về một hộp lớn mỗi khi từ Hàn Quốc trở về. Ở Trung Quốc, bạn chỉ có thể tìm thấy chúng ở các siêu thị Hàn Quốc, với mức giá đắt đỏ hơn".

Một số nhóm khách hàng nước ngoài cũng dành sự yêu thích đối với món cà phê đặc trưng mà người Hàn Quốc thưởng thức mỗi ngày. Bột sữa có trong gói cà phê hòa tan trở thành mặt hàng xuất khẩu.

“Sản phẩm được đặc biệt yêu thích ở Trung và Đông Nam Á. Ở Nga và Kazakhstan, nhiều khách hàng cá nhân mua bột sữa từ cà phê để sử dụng khi nướng bánh mì, còn ở Đông Nam Á, nó được sử dụng như một thành phần cần thiết để pha cà phê và trà sữa".

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mon-duoc-yeu-thich-ngang-ruou-soju-o-han-quoc-post1375058.html