Mộng NATO gập ghềnh với Phần Lan, Thụy Điển

Giấc mộng NATO của Phần Lan và Thụy Điển đang vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary.

Cả hai nước Phần Lan và Thụy Điển đều nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ giai đoạn đầu chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ, song con đường gia nhập có vẻ khá gập ghềnh khi tới hiện tại hai nước này vẫn chưa thể là thành viên của khối.

Rào cản Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary

Tháng 5-2022, Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO. Để được trở thành thành viên chính thức của khối, hai quốc gia Bắc Âu này cần phải nhận được sự phê duyệt của toàn bộ 30 nước thành viên NATO, bất kỳ nước nào phủ quyết cũng sẽ không thể thông qua đơn gia nhập. Tính tới hiện tại, chỉ còn Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chưa phê chuẩn các đơn gia nhập NATO trên.

Các nhà phân tích cho rằng quá trình gia nhập sẽ vẫn bị đình trệ cho đến khi ít nhất là cuộc bầu cử của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra suôn sẻ. Thậm chí sau đó tiến độ có thể chậm. Việc thực hiện đầy đủ thỏa thuận Madrid có thể mất nhiều năm và Thụy Điển cho biết một số yêu cầu khác của Thổ Nhĩ Kỳ là không thể đáp ứng, theo Reuters.

Ngày 2-3 vừa qua, Hungary tiếp tục trì hoãn bỏ phiếu phê chuẩn các đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, theo hãng tin AP. Theo đó, cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Hungary về việc phê duyệt các đơn gia nhập trên bị dời thêm hai tuần, dự kiến bắt đầu ngày 20-3 tới. Theo đài RTE, không giống như tám thành viên khác ở sườn đông NATO, Budapest không ủng hộ việc trang bị vũ khí cho Ukraine, cũng như không cho phép vận chuyển vũ khí đến Ukraine qua lãnh thổ của họ. Trong Liên minh châu Âu, Hungary cũng là một ngoại lệ. Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, chính phủ của ông Orban đã lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, đặc biệt là các biện pháp trừng phạt liên quan đến năng lượng.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban từng nói cá nhân ông ủng hộ hai nước Bắc Âu gia nhập NATO nhưng cáo buộc Stockholm và Helsinki “tuyên truyền những lời dối trá trắng trợn” về Hungary, điều này đã đặt ra câu hỏi cho các nhà lập pháp Hungary về việc có nên phê duyệt đơn hay không. Trước đó, theo tờ EU Observer, chính giới Hungary phàn nàn Thụy Điển và Phần Lan đã công khai chỉ trích việc Budapest “lạm dụng pháp quyền”.

Về Thổ Nhĩ Kỳ, hãng Reuters đưa tin nước này cùng với Phần Lan và Thụy Điển đã đạt được thỏa thuận về cách thức gia nhập tại TP Madrid vào tháng 6 năm ngoái nhưng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã nói rằng Thụy Điển không đứng về phía mình trong thỏa thuận. Hồi tháng 1, nhà lãnh đạo Ankara đã tuyên bố hoãn các cuộc đàm phán gia nhập vô thời hạn, do căng thẳng liên quan vụ biểu tình ở thủ đô Stockholm chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và phản đối Thụy Điển gia nhập NATO.

Tuy nhiên, cuối tháng 2, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thông báo cuộc đàm phán với Thụy Điển và Phần Lan về đơn xin gia nhập NATO sẽ được nối lại vào ngày 9-3 tới. Theo hãng thông tấn TASS, ông Cavusoglu khẳng định cuộc gặp sắp tới không phải để “đàm phán” mà là “để các bên nhìn nhận những việc đã và còn phải làm”, cũng như biết được quá trình gia nhập NATO của hai nước Bắc Âu đang ở giai đoạn nào.

Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO là do nước này cho rằng Thụy Điển chứa chấp các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) - nhóm vũ trang từng chống lại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1984. PKK bị liệt vào danh sách các nhóm khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Mỹ và châu Âu.

Cờ NATO, Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan, Thụy Điển. Ảnh: REUTERS

Cờ NATO, Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan, Thụy Điển. Ảnh: REUTERS

Ngày 16-1 vừa qua, Tổng thống Erdogan đã yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan trục xuất hoặc dẫn độ khoảng 130 “tên khủng bố” tới Ankara trước khi quốc hội nước này phê chuẩn đơn gia nhập NATO của hai nước. Phía Phần Lan coi đây là phản ứng của Ankara đối với việc một hình nộm giống Tổng thống Erdogan bị treo ngược trước đó. Theo Reuters, các vụ việc liên quan tới dẫn độ khủng bố, biểu tình... đã khiến căng thẳng các bên leo thang. Ông Paul Levin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại ĐH Stockholm, cho biết: “Thụy Điển đã giải quyết nhiều mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ tiếp tục thực hiện bản ghi nhớ ba bên này nhưng rõ ràng hiện tại điều đó là chưa đủ”.

Ngoài ra, nhiều nhà bình luận nhận định việc Ankara chặn đơn xin gia nhập NATO của hai nước Bắc Âu còn phục vụ những mục đích riêng của họ. Chẳng hạn, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 5 và ông Erdogan được cho là sẽ tận dụng việc xin gia nhập NATO của hai nước Bắc Âu để đánh lạc hướng chú ý của cử tri khỏi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong nước, đồng thời tạo ra hình ảnh là một “đấu thủ quyền lực” trên trường quốc tế.

“Thỏa thuận tốt cho cả hai bên”

Theo ông Henry Van Hahan, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế Phần Lan, việc hai nước Bắc Âu gia nhập NATO sẽ là một “thỏa thuận đôi bên cùng có lợi”, dựa trên những gì Phần Lan, Thụy Điển mang lại cho NATO và cả những gì NATO mang đến cho Stockholm và Helsinki, theo đài France 24.

Theo chuyên gia, NATO được hưởng lợi từ việc có Phần Lan và Thụy Điển vì hai nước này giúp lấp đầy khoảng trống an ninh của NATO ở Bắc Âu. “Với khả năng hiện đại hóa của lực lượng không quân, hải quân, lục quân, họ (Phần Lan, Thụy Điển) sẽ hoàn thiện cơ chế phòng thủ của NATO và giúp việc thực hiện Điều 5 An ninh tập thể của NATO trở nên dễ dàng hơn” - ông nhận định.

Theo ông, đối với Phần Lan, việc trở thành thành viên NATO giúp nước này tăng cường năng lực phòng thủ, đặc biệt là có “chiếc ô hạt nhân” của NATO làm lá chắn thép.

Về câu hỏi liệu rằng có khả năng nào Phần Lan sẽ gia nhập NATO trước Thụy Điển hay không, ông nói rằng không loại trừ khả năng này. “Đơn xin gia nhập của hai nước này không phải là đơn chung của Phần Lan và Thụy Điển mà là đơn riêng của từng nước. Vì vậy, các thành viên sẽ phản ứng với những đơn này khi họ thấy phù hợp. Thông điệp mà chúng tôi nhận được từ Ankara là đơn của Phần Lan có lẽ sẽ được phê duyệt sớm hơn của Thụy Điển” - ông nói.

Theo ông, các nước Bắc Âu đang hướng tới mục tiêu đạt được sự phê duyệt từ các nước NATO tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO dự kiến được tổ chức tại thủ đô Vilnius (Lithuania) vào tháng 7 tới. “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ chứng kiến những tuần rất quyết định, đặc biệt là vào tháng 3 này. Chúng ta đang chứng kiến Phần Lan, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ quay lại hình thức thảo luận ba bên” - ông đánh giá.•

Người đứng đầu NATO: Tư cách thành viên của Phần Lan, Thụy Điển “ưu tiên hàng đầu”

Ngày 28-2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển là “ưu tiên hàng đầu”, đồng thời kêu gọi các thành viên Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary khẩn trương phê chuẩn việc gia nhập của các nước Bắc Âu.

Phát biểu tại một cuộc họp báo với Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin ở Helsinki, ông Stoltenberg cho biết đang đạt được tiến trình đảm bảo tư cách thành viên cho hai nước song không tiết lộ chi tiết. “Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng cả Phần Lan và Thụy Điển sẽ trở thành thành viên của NATO. Thông điệp của tôi đã có từ lâu rằng đã đến lúc hoàn tất quá trình phê chuẩn. Bây giờ là lúc phê chuẩn ở cả Budapest và Ankara” - ông nói thêm.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/mong-nato-gap-ghenh-voi-phan-lan-thuy-dien-post722371.html