Mong ước giản đơn của người cha có đứa con chọn lừa đảo làm 'nghề'

Cứ mỗi lần công an đến nhà phát thông báo khởi tố, bắt tạm giam đứa con trai, vợ chồng ông Kheng lại như chết sững. Ông bà chỉ mong, đứa con vào tù ra tội chỉ cần sống một cuộc đời bình thường, đó cũng là cách trả ơn cho bậc sinh thành.

Phiên Tòa hôm nay xét xử đứa con trai, vợ chồng ông Lê Văn Kheng cũng sắp xếp công việc để có mặt. Đã bao lần đứa con tội lỗi dính án, ông bà vẫn không bỏ, vẫn trọn tình nghĩa của bậc sinh thành. Nhìn đôi vợ chồng già lam lũ, khắc khổ ngồi ở phía sau đứa con trai là bị cáo trong vụ án, ai nấy đều lắc đầu xót xa.

Trong phiên tòa hôm nay, bị cáo Lê Văn Cương (sinh năm 1980, ấp Vĩnh Qưới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cái tội như vận vào đời bị cáo trong hơn 10 năm qua, khiến cha mẹ, anh em, dòng họ muối mặt.

Ông Kheng, vốn người chân thật. Lời ông thật thà từ trong chất giọng phèn phèn của vùng sâu Sóc Trăng: “Tui quanh năm làm ruộng, có gì ăn nấy, suốt đời không lấy ai một xu, không hiểu sao sinh ra đứa con tội lỗi này”. Câu nói xót đau mà bất lực ấy vẫn không nói lên được hết suy nghĩ của ông mong người khác thông cảm, tha thứ.

Ông bảo về đứa con trai, hồi còn sống với gia đình, Cương khá thật thà, chăm làm. Do hoàn cảnh khó khăn, ông bà cho đứa con đi học tới lớp 5 thì nghỉ hẳn. Cương vốn đứa thông minh, nhanh nhảu nên có xu hướng sống ra ngoài xã hội hơn. Ông bà tin tưởng, đứa con sau này ra xã hội, bản lĩnh để trưởng thành người có ích.

Tuổi thanh niên, Cương xa nhà đi làm ăn, ông bà đồng ý. Thời gian đầu Cương hay liên lạc về bảo, công việc ổn, còn gửi tiền về, có gì vui hơn khi đứa con biết báo hiếu cho cha mẹ. Nhưng rồi thời gian sau Cương ít liên lạc hơn, lâu lâu bất chợt về nhà, ông bà thấy đứa con nhuộm tóc xanh, đỏ, trên mình có những vết xăm trổ. Ông bà đâu biết, màu tóc lạ lùng ấy, những vết xăm vằn vện ấy là sự xâm lấn của thói hư tật xấu ngoài xã hội vào đứa con của ông bà.

ảnh:Minh họa

ảnh:Minh họa

Rồi đầu năm 2011, khi đang làm ruộng thì ông Trưởng ấp dẫn một người mặc sắc phục công an đến dúi vào tay ông Kheng tờ giấy và nói con ông đã bị bắt vì tội lừa đảo ở tỉnh Đồng Nai. Ông ú ớ như kẻ lạc miệng, đứa con trai của ông đi làm ăn đã không chọn nghề chân chính, mà đi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác.

Ngày 25/3/2011, Tòa án nhân dân huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai tiến hành xét xử và tuyên phạt Cương 2 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đứa con trai thụ án, ông bà nghĩ mức án như vậy cũng không phải là cao vẫn còn cơ hội chuộc lỗi. Ở quê nhà, vợ chồng ông liên tục thư từ, gọi điện thăm hỏi, động viên con cải tạo tốt, sớm hoàn lương.

Rồi ngày ra tù cũng đến, Cương bắt xe về quê gặp cha mẹ trong sự mừng tủi, hứa sẽ sống trung thực, gắng làm người tốt. Nhưng lời nói không như việc làm, Cương không muốn làm việc, chỉ muốn ăn ngủ, chơi bời. Cương ở nhà dăm bữa nửa tháng rồi chào cha mẹ bảo đi làm ăn. Ông bà chỉ biết gật đầu hy vọng đứa con trai đã lớn tự nhận thức điều gì nên hay không nên làm.

Cương về thăm nhà thất thường, thi thoảng ông Kheng có nghe đứa con bảo đang làm ăn ở vùng Thạnh Hóa, tỉnh Long An, địa bàn giáp Campuchia. Bậc cha mẹ cả đời không đi khỏi huyện, thấy con bươn chải phương xa, ông bà tự nhủ đứa con nay đã không lớn.

Bẳng đi thời gian, đầu năm 2014, Công an lại gửi thông báo, con trai ông bà đã bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và tội “Trộm cắp tài sản”. Hóa ra, thời gian đi “làm ăn”, con trai ông bà gia nhập đoàn lô tô đi tổ chức bán hàng ở vùng quê, lập các hợp đồng rồi gài dân để chiếm đoạt tiền, lợi dụng sơ hở ăn cắp tài sản.

Khi án tích chưa được xóa, thì ngày 17/02/2014, Cương bị Tòa án nhân dân huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, tuyên phạt 04 năm 06 tháng tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và tội “Trộm cắp tài sản”. Khi đang thụ án, Cương lại tiếp tục bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở TP Hồ Chí Minh. Ngày 05/9/2014, Cương bị Tòa án nhân dân Quận Bình Tân, Thành Phố Hồ Chí Minh, tuyên phạt 01 năm 06 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đến giờ, vợ chồng ông Kheng mới tỏ, con trai ông bà không có bất cứ nghề ngỗng gì ngoài nghề… lừa đảo, trộm cắp.

Vợ chồng ông Kheng khóc hết nước mắt, xấu hổ với hàng xóm, anh em, người ta xót xa cho bậc sinh thành sống tốt, chân chất bao nhiêu thì đứa con xảo trá, gian dối bấy nhiêu. Ông bà cũng chỉ biết lắc đầu đáp lại “cha mẹ sinh người, trời sinh tính”. Chỉ mong đứa con một ngày biết suy nghĩ thấu đáo để hoàn lương.

Cương thụ án gần 5 năm thì được tha ra tù. Lần này gặp lại cha mẹ, Cương khẳng định, sẽ quay đầu làm người tốt, chí thú làm ăn. Sống tại quê nhà, đứa con trai cũng không chọn một nghề nghiệp nào để làm, suốt ngày ăn chơi. Trong lần đua xe, Cương bị tông gãy chân nên phải vào viện điều trị, quá trình điều trị tại viện Cương quen biết bà Phạm Ngọc Tình, do bà Tình cũng đi chăm sóc mẹ ruột bị bệnh.

Trong quá trình quen biết bà Tình, Cường phát hiện gia đình bà có đồ dùng, dụng cụ hát nhạc nên nảy sinh ý định lấy bán để lấy tiền tiêu xài cá nhân. Để tạo lòng tin với bà Tình, Cương giới thiệu mình biết sửa chữa điện tử. Đến ngày 03/01/2020, Cương thuê xe taxi xuống nhà bà Tình chơi và có nhận sửa dùm cho bà một loa hát karaokê.

Thực chất, Cương không biết sửa nên mang thẳng ra tiệm sửa giùm rồi mang về bảo do mình sửa. Sau lần này, bà Tình tiếp tục giao cho Cương thêm cặp loa, âm ly, bộ micro trị giá hàng chục triệu đồng. Có được tài sản, Cương đem thẳng tới tiệm bán với giá rẻ lấy tiền tiêu xài.

Sau đó, Cương bị công an khởi tố vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngày 15/12/2020, Tòa án nhân dân thị xã Ngã Năm mở phiên xét xử. HĐXX nhận định, bị cáo có 4 tiền án về tội lừa đảo, trộm cắp và tất cả đều chưa được xóa án tích. Hành vi của bị cáo là liên tục, điều này cho thấy, bị cáo không chịu rèn luyện, hoàn lương, không ăn năn. Do đó cần có mức án nghiêm khắc để răn đe. Sau khi xem xét, HĐXXA tuyên phạt bị cáo 3 năm tù giam về tội danh trên.

Nghe Tòa tuyên mức án, vợ chồng ông Kheng lặng người, tiếng thở dài cùng cái lắc đầu ngán ngẩm. Người dự khán nhìn đôi vợ chồng già ái ngại. Đôi mắt đỏ hoe của ông Kheng lại nhỏ lệ. Không biết ông bà còn phải thêm lần nào hầu tòa nữa hay không? Ông bà chỉ ước mong đứa con hoàn lương, làm một người vô hại với xã hội, đó cũng là cách trả ơn cho bậc sinh thành. Nhưng xem như, với ông Kheng đó lại là điều xa xỉ.

Tên nhân vật đã thay đổi

Tư liệu từ bản án số 1/2020/HS-ST ngày 15/12/2020 của TAND TX Ngã Bảy.

Văn Kỳ

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phong-su/mong-uoc-gian-don-cua-nguoi-cha-co-dua-con-chon-lua-dao-lam-nghe-114024.html