Mosul - khởi thủy và kết thúc giấc mơ của IS

Phải mất tới 2 năm cho việc huấn luyện và chuẩn bị, ngày 17-10, quân đội Iraq đã phát động chiến dịch tổng tấn công để giành lại Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, từ tay tổ chức 'Nhà nước Hồi giáo' (IS). Mosul được xem như cái nôi của 'vương quốc Hồi giáo' (caliphate) tự xưng của IS. Việc tái chiếm Mosul sẽ giúp giải phóng hơn một triệu người đang sống dưới sự cai trị hà khắc của IS, đồng thời phá tan giấc mơ của lực lượng thánh chiến.

Lực lượng đặc nhiệm Iraq trên đường tiến vào Bartila, phía Đông Mosul ngày 19-10. Ảnh: Reuters

Lực lượng đặc nhiệm Iraq trên đường tiến vào Bartila, phía Đông Mosul ngày 19-10. Ảnh: Reuters

Mosul - thành trì chủ chốt của IS ở Iraq

Tháng 6-2014, tại ngôi đền Nouri ở thành phố Mosul, thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đã tuyên bố xây dựng một “vương quốc Hồi giáo” trên các vùng lãnh thổ mà lực lượng này chiếm được ở Syria và Iraq. Với khẩu hiệu “duy trì và mở rộng”, IS kêu gọi các tín đồ Hồi giáo tham gia chiến đấu dưới lá cờ của “quốc gia” mới.

Ngoài việc là nơi mà IS tuyên bố thành lập “vương quốc Hồi giáo”, Mosul còn góp phần nâng cao uy thế của lực lượng thánh chiến và trở thành thành trì chủ chốt của IS ở Iraq. Khi quân đội Iraq để mất Mosul vào tay IS hồi tháng 6-2014 đã gây ra phản ứng dây chuyền, giúp lực lượng phiến quân IS giành được một vùng đất rộng lớn, gồm tới 1/3 diện tích của Iraq và một phần lãnh thổ Syria.

Nhưng sau hai năm bị mất nhiều thành phố chiến lược ở Iraq và Syria, giấc mơ xây dựng một “vương quốc Hồi giáo” của IS càng khó thành hiện thực. Nếu để mất Mosul, tương lai của IS chỉ còn là đống đổ nát. IS sẽ không còn kiểm soát bất kỳ vùng lãnh thổ quan trọng nào ở Iraq, trong khi chỉ còn giữ thành phố Raqqa và một vài thị trấn nhỏ ở miền Đông Syria.

Vài tuần hay nhiều tháng?

Hiện cuộc chiến giành lại Mosul huy động một liên minh lớn gồm 30.000 quân nhân chính quy của Iraq với sự yểm trợ của lực lượng đặc nhiệm và không quân Mỹ, cùng lực lượng Peshmerga của người Kurd và các chiến binh dòng Shi’ite để chống lại các phần tử thánh chiến IS đang lợi dụng cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni vốn cảm thấy bị gạt ra ngoài lề ở Iraq và Syria. Nhiều binh sĩ Iraq tham gia chiến dịch này cho rằng cuộc chiến nhằm giải phóng Mosul sẽ kéo dài và khó khăn.

Tuy nhiên, họ đã xác định được điểm yếu của các phần tử thánh chiến, theo đó nếu có thể thuyết phục các tay súng địa phương từ bỏ lòng trung thành với IS, có khả năng cuộc chiến này sẽ sớm kết thúc. Trong bối cảnh xuất hiện những rạn nứt và đấu đá trong hàng ngũ IS, việc thuyết phục thành công các tay súng địa phương có thể đồng nghĩa với việc cuộc chiến sẽ chỉ kéo dài vài tuần thay vì vài tháng.

 Người dân chạy khỏi các cuộc giao tranh dữ dội nhằm vào IS đi bộ tới Qayyarah. Ảnh: Reuters

Người dân chạy khỏi các cuộc giao tranh dữ dội nhằm vào IS đi bộ tới Qayyarah. Ảnh: Reuters

Theo ông Karim Sinjari, Bộ trưởng Nội vụ của chính quyền khu tự trị người Kurd (KRG) ở miền Bắc Iraq, IS sẽ tăng cường phản công dữ dội bởi Mosul mang ý nghĩa biểu tượng là thủ phủ của “vương quốc Hồi giáo” tự xưng của chúng. Cuộc tấn công rạng sáng 22/10 của IS ở thành phố Kirkuk không chỉ là nỗ lực nhằm đánh lạc hướng quân đội Iraq và lực lượng người Kurd cũng như giảm bớt sức ép ở mặt trận chính, mà còn nhằm kích động những người Arab dòng Sunni chống lại người Kurd trong bối cảnh lực lượng Peshmerga người Kurd ở Iraq và các tay súng người Kurd ở Syria đang là các lực lượng hiệu quả nhất chống lại IS trên chiến trường.

Tương lai sau ngày giải phóng

Chiến dịch giải phóng Mosul là trận chiến quan trọng nhất ở Iraq kể từ sau cuộc chiến tranh Vùng Vịnh do Mỹ phát động hồi năm 2003. Gần như chắc chắn Mosul sẽ thất thủ, nhưng các lực lượng liên quân sẽ quyết định liệu trận chiến này sẽ đánh dấu thắng lợi lâu dài trước những phần tử Hồi giáo cực đoan hay chỉ là chương khác trong sự thống khổ bất tận của thế giới Hồi giáo. Để đạt được sự ổn định lâu dài cho Iraq, giới lãnh đạo nước này phải tìm cách xoa dịu sự bất mãn của người thiểu số dòng Sunni cũng như trao cho họ tiếng nói về mặt chính trị.

Theo một cựu quan chức cấp cao trong Chính phủ Iraq, ngày càng có nhiều quan ngại về việc lập lại hòa bình sau ngày giải phóng Mosul. Thành phố đa sắc tộc và đa giáo phái này sẽ được điều hành như thế nào để không còn xung đột sắc tộc, các cuộc trả thù chết chóc và cuộc di tản của người dân? Tuy nhiên, cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan sẽ không chỉ dừng lại ở việc giải phóng Mosul. Mosul chưa phải là cái kết của IS hay chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong khu vực.

Mặc dù có vẻ hơi ngược đời, song điều “khôn ngoan” nhất mà liên minh chống IS nên làm là để cho IS một con đường thoát khỏi Mosul, về phía Tây tới Syria, nhằm tránh một cuộc chiến dai dẳng. Phần thưởng cho việc giành lại Mosul trong thời gian ngắn nhất có thể và hạn chế tối đa thương vong có thể “bù đắp” cho việc một “tiểu vương quốc Hồi giáo” bị cô lập tồn tại lâu hơn một chút ở miền Đông Syria, bởi Raqqa là một mục tiêu dễ giải phóng hơn. Không chỉ vậy, có thể sẽ dễ dàng thuyết phục các tay súng IS đầu hàng hơn nếu chính quyền Iraq có những biện pháp hiệu quả để giành lại thiện cảm của cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni. Có thể nói những bước đi tiếp theo sau cuộc chiến giải phóng Mosul sẽ quyết định tương lai của IS.

Trung Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mosul-khoi-thuy-va-ket-thuc-giac-mo-cua-is/