Một bước ngoặt quan trọng
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930 đánh dấu một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Giá trị bước ngoặt lịch sử được thể hiện ở chỗ, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về vai trò lãnh đạo và đường lối cứu nước, mở ra thời kỳ mới trong sự nghiệp đấu tranh của giai cấp công nhân và cả dân tộc Việt Nam, gắn liền với mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, tạo ra những tiền đề và điều kiện để đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
* Tìm đường cứu nước
Ngày 1-9-1858, thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên vào cửa biển Đà Nẵng, mở đầu quá trình xâm lược nước ta. Dưới ách độ hộ tàn bạo của thực dân Pháp, các phong trào yêu nước của nhân dân ta đã liên tiếp nổ ra theo khuynh hướng tư tưởng phong kiến và dân chủ tư sản nhưng đều lần lượt thất bại, bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Nguyên nhân chính của sự thất bại đó là do thiếu đường lối và một tổ chức lãnh đạo đúng đắn.
Trong khi đó, giai cấp công nhân Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20 do chưa được trang bị lý luận tiên phong là chủ nghĩa Mác - Lênin nên các cuộc đấu tranh vẫn còn mang tính tự phát, chưa trở thành phong trào độc lập. Vì vậy, đến đầu thế kỷ 20, nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.
Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận thấy con đường do những bậc tiền bối mở ra sẽ không giải phóng được dân tộc. Người dứt khoát không đi theo con đường cũ mà quyết tìm kiếm một con đường mới. Ngày 5-6-1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ Cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm đường giải phóng dân tộc.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một sự kiện lịch sử trọng đại, một bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam, đánh dấu con đường phát triển của dân tộc Việt Nam suốt 90 năm qua.
Với một sự mẫn cảm đặc biệt, Nguyễn Tất Thành không đi sang nước Nhật, không tìm về châu Á mà Người sang nước Pháp, đến tận nơi nước đang cai trị dân tộc mình, đến tận châu Âu, nơi đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, về văn hóa, về chính trị để xem người ta làm như thế nào rồi trở về cứu giúp đồng bào. Bác ra đi, hành trang chỉ là lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, quyết tâm tìm con đường cứu dân.
Trải qua hành trình bôn ba khắp các châu lục, Nguyễn Ái Quốc (năm 1919 khi trở lại Pháp, Bác chính thức sử dụng tên gọi Nguyễn Ái Quốc để hoạt động chính trị) đã khảo cứu các chế độ chính trị và các cuộc cách mạng nổi tiếng trên thế giới. Đặc biệt, tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Người tìm thấy ở đây con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam và đã lựa chọn con đường cách mạng vô sản. Người đúc kết: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất chính là chủ nghĩa Mác - Lênin”. Chính vì vậy, sau khi bắt gặp ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn và trở thành người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc vừa tiếp tục nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin để nâng cao, hoàn thiện tư tưởng cách mạng của mình, vừa tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, chuẩn bị những điều kiện cho việc thành lập Đảng cộng sản ở nước ta.
* Đảng cộng sản Việt Nam ra đời
Trên cơ sở nắm rõ nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu, giai cấp công nhân chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong dân cư và trong những năm đầu thế kỷ 20, các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam vẫn còn lẻ tẻ, rời rạc, đang hòa chung vào trong phong trào yêu nước của các giai cấp tầng lớp khác chứ chưa trở thành một phong trào độc lập.
Trong khi đó, chủ nghĩa yêu nước là giá trị tinh thần trường tồn trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược và cai trị nước ta thì các phong trào yêu nước của nhân dân đã diễn ra liên tiếp và sôi nổi. Theo thống kê của giới sử học đã có hơn 300 cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân nổ ra. Phong trào yêu nước là yếu tố có trước phong trào công nhân và cả sự ra đời của giai cấp công nhân. Cho nên, trong quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá trước hết đến những người yêu nước, vào phong trào yêu nước và qua phong trào yêu nước tiếp tục truyền bá vào giai cấp công nhân để giác ngộ giai cấp công nhân.
Bằng những hoạt động tích cực của mình, Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào yêu nước và phong trào công nhân, trang bị cho những người yêu nước, những người công nhân Việt Nam một cách nhìn mới về con đường cần đi tới và về vai trò, trách nhiệm của họ trước vận mệnh của dân tộc. Đồng thời, trên cơ sở thấm nhuần lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã từng bước vạch ra những quan điểm chính trị về đường lối cứu nước đúng đắn cho dân tộc và truyền bá vào trong nước, khai thông sự bế tắc về đường lối chính trị trong phong trào yêu nước ở nước ta đầu thế kỷ 20.
Chính vì vậy, vào những năm 20 của thế kỷ 20, chủ nghĩa Mác - Lênin và những tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc đã đến được với những người yêu nước Việt Nam, thâm nhập vào phong trào yêu nước và phong trào công nhân, thúc đẩy phong trào cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ theo khuynh hướng cách mạng vô sản. Vì vậy, phong trào yêu nước, những người yêu nước và các tổ chức yêu nước dần ngả hẳn theo khuynh hướng tư tưởng vô sản; phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân cũng phát triển từ tự phát lên tự giác.
Lúc này, hệ tư tưởng vô sản đã hoàn toàn chiếm ưu thế trong phong trào cách mạng Việt Nam, điều kiện để thành lập một chính Đảng của giai cấp công nhân đã hoàn toàn chín muồi. Tháng 3-1929, tại số nhà 5D phố Hàm Long (Hà Nội), Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam được thành lập. Tháng 6-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập; tháng 11-1929, An Nam Cộng sản Đảng được thành lập và tháng 1-1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập. Như vậy, từ tháng 6-1929 đến tháng 1-1930 đã thành lập 3 tổ chức cộng sản.
Sự ra đời của 3 tổ chức cộng sản chính là sự phản ánh nhu cầu phát triển tất yếu của phong trào cách mạng ở Việt Nam lúc bấy giờ. Tuy nhiên, một nước không thể cùng một lúc tồn tại nhiều tổ chức cộng sản mà mục tiêu đấu tranh cơ bản là thống nhất. Vì vậy, từ ngày 6-1 đến 7-2-1930, với tư cách là phái viên của Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập hội nghị đại biểu các tổ chức cộng sản. Hội nghị đã nhất trí thống nhất 3 tổ chức cộng sản thành một đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Như vậy, từ hiện thực lịch sử những thập niên đầu thế kỷ 20, đặc biệt là những năm 20 cho thấy, quá trình vận động của phong trào cách mạng Việt Nam để đi đến thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam đã hòa quyện các yếu tố: chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Điều đó có nghĩa là ngay từ khi thành lập với quy luật tạo dựng Đảng đã làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam thật sự là người lãnh đạo, là lãnh tụ chính trị của giai cấp và cả dân tộc. Giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc tập hợp dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng vì sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội.