Một chính sách nhân văn và kịp thời

Bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ khi vào Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Thống kê sơ bộ đến ngày 17-9, bão và hoàn lưu sau bão đã làm 329 người chết, mất tích; khoảng 2.000 người bị thương; tổng thiệt hại về tài sản ước tính trên 50.000 tỷ đồng. Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2024 có thể giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%...

Nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh, ngày 17-9, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất - kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Theo đó, trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước... cho các đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão, lũ, lụt, sạt lở đất theo quy định pháp luật.

Theo thống kê của các hiệp hội doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng, thiệt hại đối với các doanh nghiệp đã lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Minh chứng, khi bão đổ bộ vào các tỉnh, thành phía Bắc, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là mạng xã hội liên tục chia sẻ những hình ảnh, video khiến mọi người không khỏi xót xa. Nhiều nhà máy, công xưởng bị tàn phá nặng nề; các cửa hàng kinh doanh bị sập mái, làm hư hỏng hàng hóa; hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất bị ngập sâu trong nước…

Tại Hải Phòng, địa phương có nhiều khu công nghiệp chịu thiệt hại rất nặng do bão số 3 gây ra, mặc dù cả hệ thống chính trị đã nỗ lực vào cuộc chung tay tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất, nhưng đến nay không ít doanh nghiệp, nhà xưởng vẫn đang trong giai đoạn sửa chữa chưa thể hoạt động hết công suất. Trong đó có không ít doanh nghiệp phải mất một thời gian nữa mới hoạt động bình thường trở lại. Hay tại tỉnh Quảng Ninh, địa phương có thế mạnh về du lịch cũng chịu thiệt hại rất nặng, hiện vẫn còn nhiều cơ sở du lịch, lưu trú bị hư hỏng, phải đóng cửa để sửa chữa, có thể phải bỏ lỡ mùa khách du lịch quốc tế, diễn ra từ tháng 9-2024 đến tháng 4-2025 và cũng có thể khó thu hút du khách trong nước…

Thực tế đã nêu cho thấy, những hệ lụy mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây ra là vô cùng lớn. Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện nay, rất cần sự chung tay kịp thời và trách nhiệm của các cấp, ngành. Bởi doanh nghiệp không chỉ là nhân tố chính đóng góp vào sự thành công của các mục tiêu phát triển bền vững mà còn thụ hưởng từ những thành quả của chính sách phát triển bền vững, như uy tín thương hiệu và tăng trưởng dài hạn. Do đó, việc ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP trong thời điểm này không chỉ kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp mà còn mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Đây không chỉ là hành động thiết thực giúp doanh nghiệp vượt khó phát triển sản xuất - kinh doanh mà còn thể hiện trách nhiệm của các cấp, ngành với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu tăng trưởng đã đề ra và thúc đẩy kinh tế đất nước ngày càng phát triển bền vững.

Lâm Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/162897/mot-chinh-sach-nhan-van-va-kip-thoi