Một cơn bão trái mùa sắp vào Biển Đông

Tháng 12 thường ít có bão. Tuy nhiên, trái với quy luật, một vùng áp thấp ngoài Thái Bình Dương đã phát triển lên thành bão vào sáng 17/12, dự kiến vào Biển Đông ngày 19/12.

Theo các chuyên gia khí tượng, vùng áp thấp ở ngoài khơi Philippines đã mạnh lên thành bão Jelawat vào sáng 17/12. Cơn bão này được nhận định sẽ đi thẳng vào Nam Biển Đông, phát triển mạnh hơn vào giữa tuần sau. Cách đây 2 ngày, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia của Việt Nam cũng đã báo cáo về sự hình thành của vùng áp thấp này.

Chiều nay, bão Jelawat đang hoạt động ở vùng biển phía Đông Nam miền Nam Philippines, có tọa độ 7,8 độ Vĩ Bắc, 128,6 độ Kinh Đông; sức gió cấp 8, giật cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với vận tốc 20km/h và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới; đến trưa ngày 19/12, có khả năng đi vào biển Đông.

Đường đi của cơn bão do Cơ quan Khí tượng Nhật Bản dự báo.

Đường đi của cơn bão do Cơ quan Khí tượng Nhật Bản dự báo.

Các chuyên gia khí tượng cũng nhận định, miền Trung sắp có mưa rất lớn do tổ hợp không khí lạnh tăng cường và hoàn lưu trước bão Jelawat. Tổng lượng mưa do không khí lạnh tại Trung Bộ có thể đạt 300mm trong 6 ngày, có nơi đạt 450mm như Bạch Mã (Thừa Thiên Huế). Còn tổng lượng mưa do không khí lạnh tương tác hoàn lưu bão có thể đạt gần 800mm trong 5 ngày tại Nam Trung Bộ.

Chiều 17/12, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai (PCTT) đã có công điện gửi các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang; Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải.

Công điện nêu rõ, để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, áp thất nhiệt đới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, TP, các bộ, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới; tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Vùng nguy hiểm trong 24-48 giờ tới được xác định từ vĩ tuyến 7,5 đến 11,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 115,5 (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).

CL

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/mot-con-bao-trai-mua-sap-vao-bien-dong-i717365/