Một dấu hiệu của tình yêu
Victor Hugo nói thế này: biểu hiện đầu tiên của một tình yêu chân thật ở người con trai là sự rụt rè, còn ở người con gái là sự táo bạo. Có thể chúng ta cho rằng đây là một quan niệm đã cũ, không còn đúng với thời đại ngày nay. Nhưng có thật thế không?
Tình yêu chân thật thì thời nào và ở đâu cũng có (ơn giời), chỉ là biểu hiện của nó thì không có công thức chung nào cả, mà rất đa dạng. Tuy thế, tôi vẫn thấy cái biểu hiện như Victor Hugo chỉ ra là thú vị, và đáng yêu. Bởi vì, nó bày ra một cách rõ nhất một khía cạnh kín đáo trong đặc tính giới của đàn ông và đàn bà, cái khía cạnh mà trong cách nhìn nhận thông thường, chúng ta không thấy.
Để rõ hơn về quan điểm này, hãy cùng xem xét một minh họa, bức Tình anh họa sĩ của họa sĩ Nguyễn Văn Hưng.
Về không gian. Người nữ đứng trong ánh sáng, có thể là ánh điện phòng tắm, cũng có thể là ánh nắng ban mai, hoặc hoàng hôn; ngược lại, người nam lại đứng trong bóng tối, cũng không hẳn tối mà là một vùng thiếu sáng, không được chú trọng làm sáng. Ở không gian thực tế thì đó có thể là một hành lang hoặc một căn phòng khác, không có cửa sổ để ánh sáng tự nhiên chiếu vào, hoặc vì tiết kiệm điện mà đèn chỗ đó không được bật. Dẫu là gì, thì nó cũng tương phản với vùng sáng trong phòng tắm.
Có hai cánh cửa, cả hai đều mở vào. Đủ rộng để biết kẻ đứng ngoài được chào đón. Cánh cửa trắng mở vào vùng nôn nao thấp thỏm chờ đợi; cánh màu đen mở vào cái ngưỡng đầu tiên của những giới hạn, mà nếu kẻ ở ngoài dám bước qua cái giới hạn đó, anh ta sẽ nhận được một món quà, một phần thưởng xứng đáng cho sự táo bạo quả quyết của mình...
Tác phẩm Tình anh họa sĩ. Chất liệu sơn dầu trên toan, kích thước 60x65cm, sáng tác năm 2023.
Về tư thế, người nữ đứng quay lưng ra, e thẹn và ý tứ, như lớp xống áo cuối cùng của sự mời gọi (mà lớp trước là cánh cửa phòng tắm để mở), một tín hiệu đèn xanh mạch lạc phát ra hướng đến đối tác. Thế nhưng hai cánh tay chống hông lại cho thấy một sự gì như bực bội, như hờn dỗi. Những đường cong nổi bật gợi liên tưởng tới lớp lụa mỏng mà phía dưới là những tế bào những mạch máu đang trong trạng thái nôn nóng căng cứng đỉnh điểm.
Trái ngược lại, thì người nam, rất là đáng tức cười, lại đứng nghiêm ngắn, đúng kiểu mẫu con nhà lành được giáo dục không được phép đi quá giới hạn, phải giữ sự đúng mực bằng mọi giá. Anh ta không đứng dựa lưng vào tường, không vặn vẹo thân hình… mà tư thế như đang đứng tấn. Là vì anh ta nghiêm ngắn bình thản thật, hay phải đứng tấn thế để giữ (vững chính) mình? Khó đoán định tới nỗi trong tôi khởi lên cái ý nghĩ rằng, tôi phải tìm gặp anh ta để hỏi cho ra nhẽ.
Bông hồng đỏ duy nhất anh ta cầm ở tay cho thấy có lẽ anh ta nghèo, nhưng bù lại là lãng mạn và duy mỹ: thay vì mua một bó hoa to tướng toàn giấy là giấy vừa đắt tiền vừa phô trương, thì anh ta chọn một bông hồng đỏ, giản dị và nhất là, rất cổ điển. Thử hình dung anh ta không cầm bông hoa hồng thì sẽ như thế nào? Sẽ là gì thế vào chỗ bông hồng?
Tôi chưa thấy vật nào phù hợp hơn với tổng thể giao diện của anh ta như bông hồng đỏ này. Bởi vì sao, vì anh ta có cái vẻ của những gã trai si tình thuở trước: ngốc nghếch chân thành và lãng mạn, chỉ có bông hồng đỏ rõ ràng như một tuyên ngôn hướng đến đối tượng của mình: “tôi thích em”.
Còn cô gái của anh ta, nàng thơ của anh ta lại có vẻ như thuộc về thế kỷ hiện đại này: mạnh mẽ bạo dạn và chủ động. Thế thì, câu chuyện tình yêu này sẽ đi tới đâu? Cổ điển và hiện đại có thể gặp nhau không? Theo những trải nghiệm thực tế của tôi thì chúng có gặp nhau, và luôn đều tạo ra những hiệu quả thú vị.
Lần nào ngắm nghía bức tranh này, tôi cũng đều có cái ý muốn tọc mạch là được nói với chàng trai rằng, này anh, dù anh có ôm một triệu đóa hồng, hay chỉ một bông hồng, hay thậm chí chẳng có bông hồng nào thì anh vẫn cứ phải bước tới vùng sáng, đi vào vùng sáng. Chỉ có thế, anh mới thấy được thiên đường.
Một không gian khép kín, với khoảng cách rất ngắn, rất gần giữa hai đối tượng, gần đến nỗi thấy rằng, hai cánh cửa ở hai vị trí sát nhau thế chỉ là để tô đậm thêm cái cảm giác chật chội dồn nén. Màu xanh ở các bức tường thoạt tiên gợi nên cảm giác buồn bã uể oải, nhưng lại được cân bằng lại bằng màu hồng cam ấm áp của ánh sáng trong phòng tắm; cánh cửa chính màu đen và khoảng xanh sẫm dưới chân nó như một ẩn dụ về một giới hạn mà kẻ ở ngoài phải đối mặt.
Sự tương phản ở ánh sáng và tư thế của hai nhân vật chính làm nên sự chặt chẽ của bố cục. Chặt chẽ, chắc nịch, khép kín, ấy thế nhưng lại mở ra vô số tâm tư. Bức này của Hưng khiến tôi liên tưởng tới bức Portrait of an Artist (Pool with two figures) của David Hockney, dù bức của Hockey là ở một không gian mở, nhưng cả hai đều đặc tả những biểu hiện câm lặng - sự câm lặng phát ngôn cho rất nhiều những xôn xao hỗn loạn phức tạp phía bên trong.
Tất cả những rung động thuở ban đầu của một tình yêu kết ngưng tại khoảnh khắc này, làm nên một không khí sống động, vừa hóm hỉnh vừa căng thẳng. Hàm tiếu như một nụ hoa. Bức này của Hưng có tên là Tình anh họa sĩ, nhưng tôi thích gọi nó bằng cái tên có màu sắc kịch tính hơn, là Một dấu hiệu của Tình yêu. Hưng đã vẽ nên một câu chuyện yêu đương vô cùng đẹp đẽ và duyên dáng bằng một ngôn ngữ rất mực giản dị, tự nhiên. Giống như một tình yêu chân thật trong veo mà người ta sẽ mãi không thôi nói về.
Nguyễn Văn Hưng sinh năm 1990, tốt nghiệp Khoa Sư phạm của Đại học Mỹ thuật Việt Nam, hiện làm công tác giảng dạy tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, và đang hoạt động như là một họa sĩ tự do.
Đề tài mà Hưng hướng tới là những lát cắt của xã hội đương thời, về những số phận, những không gian đô thị đang bị xâm lấn bởi cơn lốc kinh tế, cùng hoài niệm dịu dàng về những vùng thôn quê…
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/mot-dau-hieu-cua-tinh-yeu-40720.html