Một điểm đến kỳ thú

Những cái tên được chính giới ham mê du lịch gọi Bình Liêu - một huyện biên giới của tỉnh Quảng Ninh là 'Thiên đường cột mốc', 'Thiên đường cỏ lau', 'Sống lưng khủng long vùng Đông Bắc' đã khiến vùng biên cương này trở thành một điểm đến kỳ thú mới.

Đường lên biên giới. Ảnh: XQ

Đường lên biên giới. Ảnh: XQ

Vào mùa Đông hằng năm, cả dải biên cương Bình Liêu, trên các đoạn biên giới, thơ mộng và đẹp hơn bởi bạt ngàn bông cỏ lau nở rộ. Trên những ngọn núi cao trùng điệp tràn nắng, hoa cỏ lau từng vạt lớn rung rinh theo gió, những con đường lên cột mốc nở rộ lau trắng thu vào tầm mắt và ống kính máy ảnh như đường lên “thiên đường”. Đoạn biên giới Bình Liêu tiếp giáp với Trung Quốc dài 42,7km, trong đó có các cột mốc đã từ lâu trở thành điểm tham quan du lịch có phong cảnh đẹp như các cột mốc số 1300, 1302, 1305, 1327...

Khám phá “Thiên đường cỏ lau” trên “sống lưng khủng long vùng Đông Bắc”, du khách được đi trên con đường lên các cột mốc trên biên giới với nước bạn, được ngắm ruộng bậc thang lúa chín vàng xen kẽ bên những bản làng giáp biên. Trên cung đường có những con đèo hùng vĩ, uốn lượn quanh co, một bên vực sâu, một bên vách núi đều xanh mướt cây rừng. Vào mùa hoa sở, Bình Liêu bừng lên sắc trắng tinh khôi hoang dại của loài hoa đã trở thành biểu tượng của chiều biên giới. Cây sở là cây bản địa của Bình Liêu, giờ đây đã trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách.

Câu hát “Em ơi! Có nơi nào đẹp hơn, chiều biên giới khi mùa đào hoa nở, khi mùa sở ra cây, lúa lượn bậc thang mây, mùa tỏa ngát hương bay” trong bài hát “Chiều biên giới” của nhạc sĩ Trần Chung, phổ thơ của Lò Ngân Sủn, từ năm 1980 làm say đắm bao thế hệ và cho đến nay vẫn không ngừng khiến khách đường xa phải về Bình Liêu mùa hoa sở.

Du khách đến với bản Phạt Chỉ nằm ở độ cao 1.507m so với mực nước biển, nên vào mùa Đông, Phạt Chỉ gần như bị sương mù bao phủ, còn mùa Hè, người dân bản cũng dễ dàng giơ tay là “nắm” được mây. Khung cảnh hùng vĩ của bản Phạt Chỉ đang là điểm đến thu hút du khách, nhất là những người ưa đi bộ khám phá văn hóa bản địa.

Con đường núi đi bộ lên các cột mốc là “đặc sản” của biên giới thiêng liêng, hùng vĩ và cũng là thử thách với du khách. Trên mảnh đất biên cương hòa bình, hữu nghị, du khách được hòa mình trong cảnh sắc trời xanh mây trắng, hoa cỏ lau nở bồng bềnh đu đưa trong gió núi dọc con đường tuần tra biên giới từ các cột mốc số 1300, 1302, 1305 ở xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu đến đoạn tiếp giáp cột mốc số 1297 (4) ở xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Đặc biệt, không thể không đi bộ lên cột mốc 1305 là cột mốc cao nhất trên tuyến biên giới bộ thuộc tỉnh Quảng Ninh và là nơi du khách được đi trên sống núi hùng vĩ tương tự như trèo lên lưng con khủng long khổng lồ đang nằm thở nhẹ phập phồng trong mây, giữa cả dãy núi trùng điệp.

Đặc trưng của Bình Liêu là các món ăn ngon mang đậm chất núi rừng luôn là những món ăn chế biến từ vật nuôi, cây trồng bản địa như gà bản nướng, ngan đen 7 món, thịt chó bản, cá suối, măng rừng xào và nhiều món ăn đặc sản hấp dẫn, nổi tiếng như xôi bảy màu, bánh coóc mò, miến dong...

Để có một chuyến du lịch trọn vẹn và hoàn hảo thì việc khám phá ẩm thực Bình Liêu là một trải nghiệm không thể thiếu của du khách. Cuối năm cũng là dịp trên khắp các bản làng của huyện Bình Liêu, nhà nhà rộn ràng với mùa cơm mới, với ý nghĩa tổng kết một năm sản xuất, dâng thành quả lao động, cảm tạ trời đất mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cảm tạ ông bà tổ tiên, cầu mong cho gia đình no ấm, khỏe mạnh. Và đây cũng là dịp để các gia đình sum họp với nhau sau một vụ mùa vất vả.

Theo phong tục từ xa xưa, mùa cơm mới được các gia đình tổ chức sau khi thóc lúa phơi khô. Tùy theo dòng họ, các gia đình sẽ chọn ngày để đồ xôi, thờ cúng tổ tiên. Điều đặc biệt trong mùa cơm mới ở Bình Liêu là món xôi lá gừng. Xôi được làm bằng lúa nếp vừa mới thu hoạch, phơi khô còn thơm mùi nắng giòn. Gạo nếp sau khi được chọn kỹ lưỡng, sẽ đem ngâm nước khoảng 2 giờ đồng hồ, sau đó cho lên bếp lửa (hoặc nồi điện tùy theo gia đình nấu nhiều hay ít gạo) đồ khoảng 1 giờ.

Người Dao ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu phơi rau cải muối dưa. Ảnh: XQ

Người Dao ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu phơi rau cải muối dưa. Ảnh: XQ

Sau khi xôi chín, để xôi có màu xanh bắt mắt, phải đợi xôi gần nguội mới bôi nước lá gừng lên xôi rồi đảo đến khi xôi xanh đều. Để có nước lá gừng đủ, tạo được màu xanh bắt mắt, người dân phải chọn những lá gừng còn xanh, tốt, sau đó rửa sạch rồi giã lấy nước. Nếp mới dẻo thơm hòa quyện với vị nồng nồng, ấm áp của lá gừng đã làm nên một món ăn hài hòa, tròn vị.

Theo quan niệm của người dân, màu xanh đặc trưng của món cơm mới là tượng trưng cho mùa màng tươi tốt, bội thu, một năm sung túc, đủ đầy. Mâm cỗ cúng tổ tiên vào mùa cơm mới bao gồm: Xôi gừng, gà luộc (hoặc ngan đen), rượu... để thông báo với tổ tiên kết quả gặt hái được sau một năm sản xuất, cảm tạ tới ông bà, tổ tiên, các vị thần và cầu mong tổ tiên tiếp tục phù hộ cho những vụ mùa tiếp theo được bội thu.

Mùa cơm mới ở Bình Liêu là ngày vui của gia đình, của bà con dân bản. Đây là dịp để gia đình, anh em, bạn bè, làng xóm quây quần, sum họp, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm sản xuất.

Xuân Quảng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mot-diem-den-ky-thu/