Một đời cống hiến cho võ thuật
Gần 50 năm theo nghiệp võ, với nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng võ sư Võ Dũng Đức (sinh năm 1955, ngụ khóm Bình Khánh 2, phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) giữ được niềm đam mê và tâm huyết đối với võ thuật, nhất là môn võ taekwondo. Ở cái tuổi lục tuần, ngoài việc mong muốn có đủ sức khỏe để tiếp tục truyền đạt võ thuật, ông vẫn luôn ước mơ có được căn nhà lành lặn, kiên cố để con, cháu có chỗ che mưa, che nắng…
Võ sư Võ Dũng Đức luôn tận tình chỉ dạy các vận động viên
Bắt đầu học võ từ năm 15 tuổi, với niềm đam mê và chịu khó học hỏi, chăm chỉ tập luyện, cậu võ sinh Võ Dũng Đức lúc bấy giờ nhanh chóng thể hiện được năng khiếu với môn võ taekwondo. Sau 3 năm miệt mài rèn luyện, ông Đức đã đeo đai đen nhất đẳng và bắt đầu công việc dạy võ taekwondo vào năm 1974, ở Châu Đốc. Năm 1979, khi gia đình dời nhà xuống Long Xuyên sinh sống, ông tiếp tục mở lớp dạy võ tại trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi hay ở các trường học nội ô thành phố. Phần vì muốn truyền đạt kiến thức võ thuật, niềm đam mê, ý chí rèn luyện sức khỏe cho thanh, thiếu niên, phần vì kiếm thêm ít tiền để trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình. “Khi đó, cuộc sống gia đình khó khăn lắm nên ngoài 2 vợ chồng đi làm, tôi tranh thủ dạy võ để kiếm thêm thu nhập. Nếu không dạy võ thêm chắc không thể lo cho tụi nhỏ học hành được”- võ sư Võ Dũng Đức tâm sự. Là người tâm huyết với nghề nên lúc nào lớp võ của võ sư Võ Dũng Đức cũng đông võ sinh theo học. Bởi, không chỉ học võ, rèn luyện sức khỏe, các võ sinh còn được dạy đạo đức, cách ứng xử trong cuộc sống, bởi theo ông, các em ở tuổi mới lớn rất háo thắng, dễ sa ngã...
Phong trào tập luyện võ taekwondo ngày càng phát triển nên ngành thể thao tỉnh đã quyết định thành lập bộ môn võ thuật teakwodo vào năm 1996. Khi đó, võ sư Võ Dũng Đức được mời về làm huấn luyện viên. Thế là, ngoài dạy lớp võ phong trào, ông gắn bó với công tác đào tạo võ thuật taekwondo cho đến nay. Ông Đức nhớ lại: “Lúc bộ môn taekwondo tỉnh mới thành lập chỉ có 4 vận động viên (VĐV), do tôi cùng anh Huỳnh Công Vũ làm huấn luyện viên. điều kiện tập luyện khó khăn nhưng với sự quyết tâm của thầy trò chúng tôi, chỉ trong thời gian ngắn, bộ môn đã xây dựng lực lượng VĐV có chất lượng chuyên môn khá tốt và bắt đầu đạt thành tích cao tại giải toàn quốc”.
Do tuổi cao, sức khỏe không cho phép nên ông Đức đã nghỉ dạy các lớp võ phong trào gần 5 năm nay, chỉ chuyên tâm đào tạo các mầm non taekwondo ở nội dung quyền. Với lòng nhiệt huyết và yêu nghề, võ sư Võ Dũng Đức đã đào tạo nên nhiều võ sĩ tài năng đã làm rạng danh võ thuật tỉnh nhà bằng các huy chương vàng trong nước, khu vực và thế giới, như: Ngô Thị Thùy Dung, Hứa Văn Huy, Lê Trần Kim Quyên, Ngô Văn Thông… VĐV Ngô Thị Thùy Dung chia sẻ: “Ngoài truyền đạt về võ thuật, thầy còn dạy tôi về đạo đức và nhân cách. Tôi đã học được ở thầy rất nhiều điều…”. Còn VĐV Lư Gia Cát Tường (15 tuổi) theo học võ taekwondo được hơn 4 năm, dưới sự chỉ dạy của võ sư Võ Dũng Đức cho biết: “Trong tập luyện, thầy rất nghiêm khắc, nhằm rèn luyện cho tụi em sự tập trung cao nhất, vì đối với nội dung quyền chỉ cần mất tập trung 1 giây thôi là có thể khiến VĐV chấn thương. Sự chỉ dẫn nhiệt tình của thầy giúp chúng em không ngừng tiến bộ về chuyên môn”.
Với những đóng góp cho phong trào võ thuật nói riêng, thể thao An Giang nói chung, võ sư Võ Dũng Đức xứng đáng trở thành tấm gương cho những VĐV và những huấn luyện viên thế hệ sau noi theo. Hiện tại, dù 3 người con đã yên bề gia thất nhưng cuộc sống cũng gặp nhiều khó khăn nên ông Đức vẫn là trụ cột của gia đình, với tiền lương hơn 3 triệu đồng. Cả gia đình 3 thế hệ, gần 10 nhân khẩu phải cùng sinh hoạt chung trong căn nhà nhỏ đã xuống cấp vẫn là nỗi trăn trở lớn đối với người võ sư đã gần 70 tuổi này. Có lẽ, đối với ông, ngoài việc có đủ sức khỏe để tiếp tục truyền đạt võ thuật, ông luôn mong mỏi có một ít tiền sửa lại căn nhà lành lặn, kiên cố để con, cháu có chỗ che mưa, che nắng…
Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/mot-doi-cong-hien-cho-vo-thuat-a242659.html