Một Hà Nội hào hùng và quá đỗi lãng mạn trong đêm nhạc 'Cảm xúc tháng 10'

Liveshow 'Cảm xúc tháng 10' diễn ra tại phòng hòa nhạc lớn, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tối 4/10 đã để lại rất nhiều thương nhớ cho khán giả về một Hà Nội hào hùng, lãng mạn, một Hà Nội đẹp ở mọi chiều không gian, ký ức, một Hà Nội đủ sôi động, căng tràn sức trẻ trong cuộc sống hôm nay…

Nhiều khán giả bày tỏ, cảm thấy yêu Hà Nội hơn sau khi thưởng thức chương trình, bởi với sự chọn lựa tài hoa của Ban tổ chức, từ trong kho tàng ca khúc về Hà Nội đã chắt lọc nên những bài hát khắc họa khái quát mà tinh tế quá khứ hào hùng, vẻ đẹp của Hà Nội.

"Cảm xúc tháng 10" là chương trình quan trọng, được đầu tư lớn của Khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhân Kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), chào mừng 68 năm và hướng đến kỷ niệm 70 năm thành lập Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (1956 - 2024). Chương trình cũng là sự tiếp nối truyền thống của Khoa Thanh nhạc, thực hiện những đêm nhạc lớn phục vụ khán giả yêu nghệ thuật, với mục tiêu đưa khán giả tiếp cận với môi trường âm nhạc đỉnh cao của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Chương mở đầu Thăng Long - Hà Nội là những bản nhạc hào hùng của Hà Nội một thời hoa lửa, Hà Nội của những ngày còn kháng chiến sục sôi. Mở đầu là “Người Hà Nội” - một kiệt tác của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, qua phần thể hiện của NSƯT Lan Anh cùng ca sĩ Tuấn Anh. Ca khúc ca ngợi Hà Nội và những dấu ấn lịch sử lên con người và thành phố trong thời gian diễn ra cuộc kháng chiến chống Pháp.

Tiếp đó là “Hà Nội linh thiêng hào hoa” (Sáng tác: Lê Mây) qua phần thể hiện của ca sĩ Lê Anh Dũng; “Bài ca Hà Nội” (Sáng tác: Vũ Thanh) qua phần biểu diễn của ca sĩ Tuấn Anh; “Tình yêu Hà Nội” (Sáng tác: Hoàng Vân) biểu diễn Quang Tú; “Hà Nội niềm tin và hy vọng” (Sáng tác: Phan Nhân) biểu diễn NSND Quốc Hưng.

Ở chương này, khán giả không chỉ được thưởng thức những phần trình diễn xuất sắc của các nghệ sĩ mà còn thấy được “cái nôi” đào tạo âm nhạc hàng đầu của cả nước là Khoa thanh nhạc - Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam đang sở hữu những tài năng nghệ thuật hàng đầu ở dòng nhạc thính phòng ra sao. Những giọng ca nội lực, những tiếng hát vừa cất lên đã giúp khán giả như ngược trở về 70 năm trước, sống lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Thủ đô, của dân tộc khi đoàn quân giải phóng tiến về tiếp quản Thủ đô.

Chương 2 Hà Nội ngày tháng cũ khắc họa Hà Nội của một thời hòa bình, một Hà Nội xưa với những nét đẹp đặc trưng còn mãi trong tâm trí mỗi người dân Thủ đô. Khán giả được thưởng thức “Hà Nội ngày tháng cũ” (Sáng tác: Song Ngọc) qua phần thể hiện của NSƯT Lan Anh; “Gửi người em gái” (Sáng tác: Đoàn Chuẩn - Từ Linh) qua phần thể hiện của Phúc Tiệp; “Chiều phủ Tây Hồ” (Sáng tác: Phú Quang) qua phần thể hiện của NSƯT Tân Nhàn.

Chương 3 Hà Nội những mùa nhớ là khung cảnh của Hà Nội qua các mùa tạo nên một Hà Nội vẻ đẹp đa diện. Đó là “Nhớ mùa thu Hà Nội” (Sáng tác: Trịnh Công Sơn) biểu diễn NSƯT Phương Nga, Pianist NSƯT Minh Trang; Guitar Xuân Thịnh; Saxophone Hoàng Tùng; “Em ơi Hà Nội phố” (Sáng tác: Phú Quang) biểu diễn: NSND Quang Thọ; “Mùa xuân làng lúa làng hoa” (Sáng tác: Ngọc Khuê) biểu diễn Anh Thơ; “Hà Nội mùa lá rụng” (Sáng tác: Quốc Trụ) biểu diễn: Mạnh Hoạch; “Tìm em - Mùa thu muộn” (Sáng tác: Đoàn Bổng - Lê Vinh), biểu diễn: Đào Nguyên Vũ; “Sóng đàn Hà Nội” (Sáng tác: An Thuyên) biểu diễn: Thảo Nhi, Thùy Linh, Quỳnh Như, Huyền Trang…

Chương 4 Khúc hát người Hà Nội là những ca khúc thể hiện vẻ đẹp con người Hà Nội hào hoa và thanh lịch, ca ngợi những người giữ cốt cách người Hà Nội, hay cũng là tâm tình, hơi thở người Hà Nội đương thời. Đó là “Hà Nội nơi tìm về” (Sáng tác: Thành Chung) qua phần thể hiện của ca sĩ Lê Anh Dũng; “Xẩm Hà Nội” (Sáng tác: Nguyễn Quang Long) qua phần biểu diễn của Hương Ly kết hợp Rapper Mezzo; “Phố nghèo” (Sáng tác: Trần Tiến) qua phần biểu diễn Quang Hà; “Ngẫu hứng phố” (Sáng tác: Trần Tiến) Quang Hà hát cùng Hương Ly; “Khúc hát Người Hà Nội” (Sáng tác: Trần Hoàn)… Ở chương này, khán giả nhìn thấy rõ nét một Hà Nội hôm nay vẫn những thâm nghiêm, cổ kính nhưng đã hòa với dòng chảy hiện đại, rạng rỡ sức trẻ trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, với cách lựa chọn ca khúc, chương trình đã “ẩn ý” về một Hà Nội dù hiện đại đến đâu vẫn luôn là một Hà Nội như vậy, hào hoa, thanh lịch và lắng sâu những giá trị truyền thống không thể phai mờ.

“Cảm xúc tháng 10” cũng mang tới tinh thần tươi trẻ, mới mẻ với sự góp mặt của những giảng viên, những sinh viên xuất sắc của trường. Mỗi nghệ sĩ, ca sĩ là một mảnh ghép hòa chung vào bữa tiệc âm nhạc “Cảm xúc tháng 10” thêm trọn vẹn. Mỗi tiết mục, khán giả đều dành cho nghệ sĩ những tràng pháo tay tán thưởng dài không ngớt, là minh chứng sức hút của chương trình âm nhạc đặc sắc, được khán giả chờ đợi mang thương hiệu Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Linh Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mot-ha-noi-hao-hung-va-qua-doi-lang-man-trong-dem-nhac-cam-xuc-thang-10.html