Một khuyết tật của thị trường bảo hiểm xe cơ giới

Nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới là mảng kinh doanh quan trọng của hầu hết các công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Qua sáu tháng đầu năm 2019, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới toàn thị trường là 8.353 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Dù vậy, cả người tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đều cảm thấy khó chịu với thực trạng cạnh tranh không lành mạnh làm méo mó thị trường.

 Sự phát triển của thị trường bảo hiểm xe cơ giới ở Việt Nam dường như vẫn ở trạng thái bị động. Ảnh Lê Anh.

Sự phát triển của thị trường bảo hiểm xe cơ giới ở Việt Nam dường như vẫn ở trạng thái bị động. Ảnh Lê Anh.

Chạy theo doanh số thay vì hiệu quả

Việt Nam hiện có khoảng 58 triệu xe máy và hơn 3,5 triệu ô tô đăng ký lưu hành. Chính vì vậy, bảo hiểm xe cơ giới là mảng kinh doanh quan trọng của rất nhiều công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Tuy vậy từ nhiều năm nay, nhiều công ty vẫn đặt mục tiêu doanh thu lên hàng đầu, tìm mọi cách để đạt được chỉ tiêu doanh số cho dù biết trước nhiều khả năng làm là lỗ, chấp nhận bán thấp hơn chi phí vốn.

Cuộc đua theo chỉ tiêu doanh số thông qua giảm phí (trực tiếp hoặc gián tiếp) có khi tưởng như không có điểm dừng đã để lại nhiều hệ lụy, không chỉ cho doanh nghiệp bảo hiểm mà cả người tham gia bảo hiểm. Với doanh nghiệp, biên lợi nhuận của nghiệp vụ không đảm bảo, thậm chí lỗ và phải được bù đắp từ hiệu quả của các nghiệp vụ khác, làm giảm hiệu quả chung của doanh nghiệp.

Thêm vào đó, doanh thu tăng nhưng chi phí bán hàng tăng và dự phòng từ phí thu được không tương ứng, thì nếu tổn thất nhiều, sẽ tác động lớn đến khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

Về phía người tham gia bảo hiểm, khi phí bảo hiểm doanh nghiệp thu được không tương ứng với dự phòng cho những rủi ro đã đảm bảo, một khi tỷ lệ bồi thường chung của doanh nghiệp tiến gần đến với điểm hòa vốn thì nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ “siết chặt” bồi thường, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người tham gia bảo hiểm khác. Biên lợi nhuận của nghiệp vụ không bảo đảm cũng hạn chế nguồn lực tài chính của doanh nghiệp trong việc thực hiện tốt các dịch vụ khách hàng, hay các giá trị gia tăng mà lẽ ra khách hàng sẽ nhận được từ doanh nghiệp.

Việc chạy theo chỉ tiêu doanh số mà xem nhẹ hiệu quả kinh doanh, dịch vụ khách hàng, bồi thường đúng, đủ, và kịp thời còn làm giảm uy tín, hình ảnh của ngành bảo hiểm nói chung. Sự phát triển của thị trường bảo hiểm xe cơ giới ở Việt Nam dường như vẫn ở trạng thái bị động, theo nghĩa doanh nghiệp bảo hiểm phải tìm đến khách hàng bằng mọi cách, mà chưa phải là khách hàng chủ động lựa chọn một trong các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường.

Lành mạnh hóa thị trường bằng cách nào?

Với những doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu của Nhà nước thấp, hiệu quả kinh doanh là mục tiêu hàng đầu nên cuộc đua giành thị phần thông qua việc giảm phí thường không là sự lựa chọn ưu tiên. Vì nếu cạnh tranh về phí, doanh nghiệp không thể giữ khách hàng được lâu dài. Thay vào đó, họ sẽ gia tăng các dịch vụ khách hàng, làm tốt hơn công tác giám định bồi thường để thu hút và giữ khách hàng.

Đặc thù ngành bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam là phần lớn các doanh nghiệp trong tốp đầu đều có tỷ lệ sở hữu của Nhà nước lớn. Và đây có lẽ là nguyên nhân chính dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường vì áp lực hiệu quả chưa là chuyện sống còn của những người đứng đầu doanh nghiệp. Thay vào đó, các con số về tăng trưởng doanh thu, hay tài sản của doanh nghiệp vẫn được dùng để báo cáo như là thành tích.

Do đó, giải pháp đầu tiên để lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm xe cơ giới là phải đặt ra mục tiêu hiệu quả là quan trọng nhất cho người đứng đầu của các doanh nghiệp bảo hiểm có phần vốn lớn của Nhà nước. Hiệu quả của nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và hiệu quả của cả doanh nghiệp nói chung phải là tiêu chí quan trọng để xem xét bổ nhiệm, tuyển dụng lãnh đạo của các doanh nghiệp này.

Việc đặt ra mục tiêu hiệu quả là trên hết không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, mà còn phòng ngừa thất thoát vốn của Nhà nước. Thực tế cho thấy, nếu không giám sát chặt chẽ, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bảo hiểm có thể trục lợi thông qua việc thông đồng tạo các hồ sơ bồi thường khống.

Khi đã đặt hiệu quả lên hàng đầu, một cách mà các thị trường bảo hiểm phát triển đều áp dụng là thực hiện thưởng - phạt (bonus-malus) đối với các hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới từ năm thứ hai trở đi. Theo đó, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm có lịch sử của từng khách hàng, và hệ số thưởng - phạt riêng cho khách hàng này. Thậm chí, doanh nghiệp bảo hiểm có thể tính luôn được giá trị vòng đời của khách hàng.

Khi người tham gia bảo hiểm muốn chuyển sang nhà bảo hiểm khác vì lý do gì đó, một trong các tài liệu bắt buộc phải cung cấp cho nhà bảo hiểm mới là hệ số thưởng - phạt hiện thời của người tham gia bảo hiểm, để nhà bảo hiểm mới biết được rằng, khách hàng đổi nhà bảo hiểm không vì lý do bị tăng phí hay từ chối từ nhà bảo hiểm trước đó. Trách nhiệm của nhà bảo hiểm trước đó là phải cung cấp tài liệu này để bảo vệ nhà bảo hiểm sau trong trường hợp hệ số thưởng - phạt cao, và bảo vệ lợi ích người tham gia bảo hiểm nếu hệ số này thấp.

Khánh Bình

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/294219/mot-khuyet-tat-cua-thi-truong-bao-hiem-xe-co-gioi-.html