Một lần trải nghiệm văn hóa giao thông Nhật Bản
Mỗi ngày đi bộ ít nhất 10km; nhầm lẫn loạn xạ giữa các line xanh, vàng, tím, đỏ; thư thái ngắm cảnh trên chuyến tàu cao tốc shinkasen nhanh nhất thế giới và chạy trốn siêu bão Hagibis… là những ấn tượng khó phai với chúng tôi trong suốt 10 ngày rong ruổi từ Osaka, Kyoto, Nagoya, Tokyo tới Narita trên đất nước Mặt trời mọc.
Tấp nập nhưng không lộn xộn
Chuyến bay khởi hành lúc rạng sáng từ sân bay quốc tế Nội Bài đưa chúng tôi tới Osaka khi trời chuẩn bị sang trưa. Ánh nắng chói chang của mùa thu Nhật Bản chào đón chúng tôi cùng tiết trời dịu mát.
Lếch thếch kéo theo chiếc vali to đùng, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá xứ sở mặt trời mọc bằng hệ thống giao thông công cộng. Đặc sản giao thông ở Nhật Bản cũng như hầu hết các nước phát triển chính là dòng người đông như kiến cỏ đi bộ trên các vỉa hè rồi từ đó tỏa vào các nhà ga.
Bên trong nhà ga thì như một xã hội thu nhỏ mà ở đó, các đường đi chằng chịt chen lẫn cùng các cửa hàng ăn hoặc các shop bán hàng khác. Người đi lại trong nhà ga cũng tấp nập chả kém vỉa hè trên phố. Lạ cái là đông người đến vậy, bước chân đi dường như không nghỉ của hàng ngàn người ấy lại chả gây ra một tiếng động to nào.
Ngay cả việc đi thang cuốn, thang máy lên xuống tàu điện hoặc tàu hỏa, người Nhật cũng xếp hàng dọc một người một, đứng dẹp một bên và không bao giờ nô đùa hay nói chuyện lớn. Tất cả đều trật tự, ngăn nắp đến kỳ lạ.
Thu Trang, cô sinh viên người Bắc Giang đang theo học ở Osaka mà chúng tôi có duyên gặp gỡ khi đang lớ ngớ tìm line tàu điện nói với chúng tôi rằng, ở Nhật, người ta không đo khoảng cách bằng km mà sử dụng cụm từ thời gian như bao nhiêu phút thì đến nơi. Do đó, phong cách đi bộ của người Nhật rất nhanh và họ luôn nhìn đồng hồ để sao cho bắt kịp chuyến tàu. Chuyện xếp hàng ở Nhật cũng là một thói quen hàng ngày.
Trên mỗi line tàu điện, bao giờ cũng có các chỗ xếp hàng cho từng toa và đứng xếp hàng ở toa nào sẽ lên toa đó.
"Người Nhật làm việc vất vả nên họ thường tranh thủ nghỉ ngơi lúc đi tàu. Mọi người đều hạn chế ăn uống hay trò chuyện trên tàu", Thu Trang nói. Và quả thật, trong suốt 10 ngày đi các loại tàu ở Nhật Bản, chúng tôi chưa thấy một ai nói chuyện to hay có hành vi làm ồn ảnh hưởng đến người khác. Mọi người đều lịch sự, nhẹ nhàng lên xuống tàu, sẵn sàng nhường chỗ cho người già, phụ nữ, trẻ em hay phụ nữ mang thai…
Một điểm đáng chú ý nữa là xe buýt, tàu điện và bất kỳ phương tiện giao thông nào khác ở Nhật đều có lối đi riêng dành cho người tàn tật.
Đối với xe buýt, tài xế sẽ chủ động dừng xe lại, khởi động hệ thống đường tiếp đất dành cho người tàn tật trên xe buýt, hoặc xếp đường ghép thủ công rất lịch sự cho người tàn tật xuống, tiếp theo, họ hỏi xem người tàn tật sẽ xuống ga nào và tùy cửa ngồi của khách, nhân viên của nhà ga mà khách hàng xuống sẽ được giúp đỡ y như họ lên.
Thang máy dành cho người đi bộ trong các nhà ga được bố trí ngay lối vào và luôn có biển báo kỹ càng. Dù đang rất vội và không có ai trong thang máy dành cho người tàn tật thì những người dân bình thường ở Nhật cũng không sử dụng thang máy đó.
Một sự tuân thủ khá chặt chẽ. Thêm vào đó, trên đường phố, vạch sơn vàng rực luôn có ký hiệu nổi để người khiếm thị có thể phân biệt đâu là đường dành cho mình. Vì thế, ở Nhật, người khiếm thị vẫn có thể tự đi sang đường và đi tàu điện ngầm mà không cần tới sự giúp đỡ của người khác.
Tiện nghi giao thông công cộng
Là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển bậc nhất thế giới, thu nhập đầu người của dân Nhật luôn ở mức cao. Hầu như người Nhật nào cũng sở hữu ôtô hay có thêm xe đạp nhưng phương tiện mà họ ưa nhất lại là tàu điện, tàu hỏa và xe buýt.
Chính vì thế, ngành Giao thông vận tải ở Nhật nổi bật vì hiệu quả năng lượng của nó do sử dụng ít năng lượng hơn trên mỗi đầu người so với nước khác.
Takashi, anh bạn người Nhật lý giải với chúng tôi rằng, giao thông ở Nhật Bản đắt hơn nhiều so với quốc tế, các loại thuế, phí khá cao đối với phương tiện cá nhân nên mọi người thích sử dụng phương tiện công cộng.
Hơn nữa, Nhật Bản có hàng chục công ty đường sắt tham gia thị trường vận tải hành khách trên cả nước và từng địa phương. Sự cạnh tranh gay gắt về dịch vụ giữa các công ty này đã mang lại lợi thế cho khách hàng.
"Thường thì đi bộ 5 hoặc 10 phút là có thể tìm được nhà ga. Chưa kể trong nhà ga còn chằng chịt các tuyến đường tỏa đi khắp nơi nên chẳng tội gì mà chúng tôi sử dụng phương tiện cá nhân. Tàu điện ngầm cứ 5 phút và tàu hỏa 6 phút có một chuyến dừng tại các ga khoảng ba phút để khách lên xuống. Tại các nhà ga ở Nhật, biển báo luôn có chỉ dẫn đầy đủ bằng tiếng Nhật, tiếng Anh giúp những người mới đến lần đầu cũng có thể biết mình cần làm gì khi đi tàu. Người nhiều đồ thì có thể gửi trong các tủ đựng đồ với đủ mọi loại kích cỡ đặt ngay gần trạm kiểm soát vé của nhà ga. Những ai đói đều có thể xếp thành hàng trước cửa của hàng ăn để chờ đến lượt mình vào. Với những khách nước ngoài như các bạn, nếu chưa có vé, có thể mua vé ngay tại các trạm bán vé tự động… Có thể nói cuộc sống của chúng tôi không thể không gắn với các ga tàu", Takashi giải thích.
Cũng theo Takashi, mạng JR là hệ thống đường sắt quốc gia lớn nhất ở Nhật. JR hoạt động theo nhiều loại hình: tàu hỏa, tàu cao tốc di chuyển từ các thành phố khác nhau lẫn trong nội thành. Nhưng phí của JR cho mỗi một chặng đường đi không hề rẻ nên Takashi đã giúp chúng tôi bằng cách mua thẻ JR Pass với giá hơn 6 triệu VNĐ cho 7 ngày sử dụng. Ngày thứ 2 ở Nhật, chúng tôi đã kích hoạt thẻ này để di chuyển trên các tuyến đường của JR, tận dụng tối đa phí của thẻ.
Chỉ riêng có ngày thứ 9 khi phải di chuyển từ thủ đô Tokyo về Narita là chúng tôi buộc phải mua vé tàu điện ngầm. Hôm đó cũng là ngày di chuyển vất vả nhất khi chúng tôi phải chạy siêu bão Hagibis. Mưa như trút nước và gió rít từng cơn, chúng tôi lên được ga tàu điện nào đó, đi được một ga thì lại được nhân viên tàu mời xuống để di chuyển sang một tàu khác an toàn hơn.
Cứ thế, chặng đường đi của chúng tôi kéo dài tới 2 tiếng và thay đổi 3 lần tàu. Nhưng trong sự lo lắng vội vã chạy bão đó, những người dân Nhật di chuyển trên tàu vẫn rất bình tĩnh, tuân thủ chặt chẽ mọi hướng dẫn của nhân viên nhà ga. Không một tiếng kêu la, cằn nhằn hay mắng nhiếc. Mọi người đều vui vẻ giúp đỡ, hỗ trợ nhau.
Điểm nhấn shinkansen
Nhiều người hỏi tôi rằng, làm thế nào trong 10 ngày đó, tôi vừa làm việc, vừa chạy siêu bão lại vừa di chuyển dọc 5 tỉnh thành của Nhật Bản? Thực ra, ở Nhật Bản, đi vài trăm cây số trong mấy tiếng đồng hồ đã trở nên cực kỳ đơn giản với hệ thống tàu cao tốc shinkasen. Shinkansen đã, đang và vẫn sẽ là niềm tự hào của giao thông Nhật Bản.
Đây là một trong những hệ thống tàu cao tốc nhanh nhất thế giới, có thể chạy tốc độ tối đa lên đến 300 km/h. Chẳng hạn, thời gian di chuyển giữa Osaka tới Kyoto (khoảng 70km) có 20 phút trong khi từ Nagoya tới Tokyo (khoảng cách hơn 400km) chỉ có 2 tiếng đồng hồ. Chạy ở tốc độ cao nhưng bên trong tàu shinkansen rất êm. Hành khách có thể ngồi làm việc, thư giãn nghỉ ngơi mà không sợ bất kỳ một tiếng ồn nào làm mình thức giấc hoặc có thể tha hồ ngắm cảnh xung quanh mà không lo bị say hay chóng mặt.
Thống kê cho thấy, trong hơn nửa thế kỷ vận hành, với hàng ngàn chuyến tàu và chở hơn 7 tỷ lượt khách, tàu shinkansen chưa một lần gây tai nạn hay đến trễ. Theo các chuyên gia châu Âu, hệ thống tàu hình viên đạn này luôn được xếp hạng nhất về mức độ an toàn khi chạy trong điều kiện thiên tai, mưa bão hay động đất. Thái độ phục vụ chuyên nghiệp của nhân viên trên tàu cũng là thế mạnh của hệ thống giao thông công cộng này.
Takashi nhấn mạnh: "Tàu cao tốc shinkansen đã khắc phục được yếu tố địa hình hiểm trở nhiều đồi núi của đất nước chúng tôi. Hiện có 4 tập đoàn đường sắt Nhật điều hành hệ thống shinkasen và có khoảng 250 tàu shinkasen phục vụ trên cả nước. Kể từ khi shinkansen được đưa vào hoạt động, số lượng du khách đến các thành phố xa xôi của Nhật đã tăng đáng kể. Shinkansen đã tạo nên một nét văn hóa du lịch đặc trưng mà mọi du khách đến Nhật Bản đều muốn được trải nghiệm".