Một số đề xuất của đại biểu HĐND tỉnh Quảng Trị tại kì họp thứ 13
Chiều nay 4.12.2019, kì họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa VII đã tiến hành thảo luận tại 5 tổ với nhiều ý kiến của đại biểu đề cập đến những vấn đề quan trọng mà cử tri quan tâm.
> Ngày làm việc thứ nhất, kì họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa VII: ĐÁNH GIÁ TOÀN DIỆN TÌNH HÌNH KT-XH, QP-AN NĂM 2019; TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ 2020
Hình ảnh một số đại biểu thảo luận tại tổ
Có 38 lượt ý kiến tham gia về các báo cáo, đề án trình kì họp HĐND tỉnh. Về cơ bản đa số đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị các văn bản trình kì họp. Đại biểu thống nhất cao với nội dung các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết của Thường trực HĐND, UBND tỉnh và của cơ quan tư pháp; báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh trình tại kì họp.
Tuy nhiên, để năm 2020 đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 8,5%, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo, các đại biểu đề nghị cần có giải pháp cụ thể và quyết liệt hơn, đặc biệt là nêu cao trách nhiệm của các ngành, địa phương và lãnh đạo của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư khởi công đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, tạo cơ chế thuận lợi hơn để thu hút đầu tư.
Về thu nhập bình quân đầu người, nhiều ý kiến cho rằng khó đạt mức 68- 72 triệu đồng/người trong những năm tiếp theo nên cần định hướng đầu tư về các lĩnh vực kinh tế. Cần đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng, ngành dịch vụ du lịch và bố trí ngân sách đầu tư các dự án vùng và theo ngành, lĩnh vực.
Đề nghị cần điều chỉnh một số chỉ tiêu về kế hoạch phát triển năm 2020 trên các lĩnh vực như chỉ tiêu trồng mới rừng tập trung 6.000 ha còn thiếu thực tế, chỉ tiêu công nghiệp, xây dựng 10-11% là thấp (đề nghị tăng lên từ 13 - 14%), dịch vụ 7,5-8% là quá cao (đề nghị giảm xuống còn 6,5%). Đề nghị lãnh đạo tỉnh xác định các dự án đầu tư công trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 để bố trí nguồn vốn chuẩn bị đầu tư trong năm 2020.
Cần thực hiện quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thực hiện các dự án trọng điểm đã khởi công. Trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, thiếu sự phối hợp giữa các ngành liên quan nên có nhiều dự án sẽ bị chậm tiến độ, đề nghị tỉnh quan tâm.
Đại biểu HĐND thành phố Đông Hà cho rằng, để phấn đấu đến năm 2020 đưa thành phố Đông Hà lên đô thị loại 2, hiện nay Đông Hà còn nợ nhiều tiêu chí chưa đạt, trong đó có chỉ tiêu quan trọng là thu ngân sách. Vì vậy, đề nghị tỉnh phân cấp đặc thù cho Chi cục thuế Đông Hà thu đối với một số doanh nghiệp có số thu lớn riêng lẽ cho Đông Hà quản lí thu để phấn đấu đạt tiêu chí đề ra; đề nghị nên giao tăng thu từ các sắc thuế, không giao tăng thu từ quỹ đất. Ngoài ra, tỉnh cần có nghị quyết chuyên đề tập trung ưu tiên đầu tư cho Đông Hà trong năm 2020, ưu tiên vốn đầu tư hoàn thành các tuyến đường đô thị đang dở dang, giải quyết dứt các điểm đen gây tai nạn giao thông… để Đông Hà phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại 2 vào năm 2020.
Đề nghị tỉnh cần đánh giá lại kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, chính sách thu hút đầu tư, chính sách khuyến công, chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ... vì hiện nay nhiều nội dung theo các nghị quyết này không triển khai quyết liệt để thực hiện hoặc đề xuất ban hành chính sách mới thay thế.
Đề nghị tập trung nguồn lực để thực hiện việc phát triển ngành nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, chuyển đổi kế hoạch chăn nuôi; ban hành đề án kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ kiểm lâm, quản lí rừng để giải quyết tình trạng xâm hại rừng hiện nay; sớm triển khai việc chi trả tiền hỗ trợ cho nhân dân bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi, dịch lở mồm long móng để nhân dân sớm ổn định sản xuất bảo đảm cuộc sống.
Đề nghị tỉnh cần có chính sách hỗ trợ, rà soát các dự án không đầu tư như khu FLC, Hoàng Khang… để thu hồi đất dứt điểm kêu gọi nhà đầu tư khác. Tình trạng ô nhiễm môi trường sống, vấn đề an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng kém chất lượng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá liều lượng… chưa được quan tâm xử lí đúng mức, đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát.
Về lĩnh vực văn hóa xã hội, đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT, hiện nay tỉ lệ đạt 5,38% là còn thấp, đề nghị HĐND tỉnh nghiên cứu bổ sung thêm giải pháp để đạt tỉ lệ phân luồng học sinh là 15% vào những năm tiếp theo. Tỉnh cần quan tâm hơn việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học nhằm đảm bảo việc học sinh được học 2 buổi/1 ngày.
Hiện nay, tệ nạn ma túy đang xâm nhập mạnh vào môi trường học đường, vì vậy đề nghị tỉnh quan tâm, có giải pháp mạnh ngăn chặn tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy học đường. Cần quan tâm giám sát các cơ sở y tế công lập về công tác khám chữa bệnh cho các đối tượng có BHYT để khắc phục tình trạng thanh quyết toán giữa BHXH và các đơn vị khám chữa bệnh. Lĩnh vực y tế nhiều xã có một số tiêu chí chưa đạt nhưng vẫn được công bố là xã đạt chuẩn về y tế, đề nghị cần xem xét lại. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị cần bố trí ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất của các trạm y tế để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.
Đề nghị ngành văn hóa hướng dẫn cụ thể việc xây dựng và duy trì các mô hình văn hóa sau khi sáp nhập thôn, bản, khu phố, các đơn vị hành chính cấp xã. Đề nghị tỉnh đánh giá lại kết quả thực hiện nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư nhà sinh hoạt cộng đồng để ban hành chính sách mới phù hợp với mô hình khu dân cư sau khi sáp nhập các thôn, bản, khu phố và các đơn vị hành chính cấp xã. Để đảm bảo công tác giảm nghèo nhanh và bền vững tại các vùng miền núi khó khăn, đề nghị tỉnh có các giải pháp, ban hành các chính sách thiết thực hơn. Tỉnh cần tập trung triển khai mạnh chính sách hỗ trợ đất ở và kinh phí cấp Giấy CNQSD đất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo.
Có nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện chính sách hỗ trợ trồng rừng, bảo vệ rừng chưa trực tiếp đúng đối tượng là đồng bào thiểu số nghèo để nhằm mục tiêu giải quyết việc làm cho người dân. Nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay tình hình an ninh chính trị đáng báo động, tội phạm tăng cao, phức tạp và tiềm ẩn, mua bán và sử dụng ma túy tăng đột biến, trộm cắp, tín dụng đen. Do đó, cần nghiên cứu các giải pháp để giải quyết dứt điểm, đồng thời cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để hạn chế tình hình gia tăng về số lượng người sử dụng ma túy. Hiện nay Trung tâm Bảo trợ tổng hợp 1 của tỉnh đã đưa người vào cai nghiện, đề nghị xem xét, xây dựng chính sách hỗ trợ người sau cai nghiện để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, chống tái nghiện như hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Về tình hình thu, chi ngân sách nhà nước trên địa bàn, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường kiểm tra, rà soát chống thất thu thuế, thực hiện tốt dự toán thu để góp phần thực hiện đạt mục tiêu thu ngân sách năm 2020 từ 3.300 - 3.400 tỉ. Đề nghị HĐND tỉnh nên nâng mức thu ngân sách từ 3.400- 3.500 tỉ đồng để tương ứng với tăng tốc độ tăng trưởng GRDP từ trên 8,5%. Hiện nay, thu từ khai thác khoáng sản còn bất cập chưa quản lí được, đề nghị tỉnh cần quan tâm quản lí chặt chẽ để tăng nguồn thu; đề nghị bố trí kinh phí năm 2020 cho công tác phòng chống cháy rừng trên địa bàn huyện Đảo Cồn Cỏ.
Về tình hình thực hiện kế hoạch vốn xây dựng cơ bản, đề nghị tỉnh rà soát các tuyến đường cần tăng cường bố trí vốn, đẩy nhanh tiến độ thi công một số tuyến đường quan trọng ở thành phố Đông Hà. Đề nghị tỉnh ban hành nghị quyết về đầu tư xây dựng trụ sở làm việc cho UBND cấp xã vì hiện nay trụ sở UBND nhiều xã đã xuống cấp nghiêm trọng trong khi đó tỉnh đang triển khai đưa lực lượng Công an chính quy về xã nên thiếu chỗ làm việc.
Về giá các loại đất trên địa bàn tỉnh, đề nghị phân ra các loại đất, đất đô thị, đất khu công nghiệp, đất nông thôn cho phù hợp. Nhiều chủ đầu tư hiện nay lợi dụng chủ trương thu hút đầu tư nhân kỉ niệm 30 năm lập lại tỉnh để xin thu hồi đất để giao đất cho nhà đầu tư; tuy nhiên hiện còn nhiều dự án không thực hiện mà chờ chuyển nhượng, đề nghị UBND tỉnh kiểm tra kĩ trước khi giao đất cho nhà đầu tư trong quá trình thu hút đầu tư. Đề nghị đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất cấp huyện các dự án đã có chủ trương thu hồi đất nhưng quá 3 năm không triển khai đúng kế hoạch.
Đề nghị quan tâm đầu tư xây dựng nhà vệ sinh và hệ thống nước sạch tại các trường học, tuy nhiên, làm rõ nguồn vốn đầu tư thực hiện đề án nhằm đảm bảo căn cứ thực hiện và hiệu quả đầu tư. Việc trích nguồn ngân sách từ huyện 25% để thực hiện xây dựng nhà vệ sinh và hệ thống nước sạch cho các trường sẽ gặp nhiều khó khăn, nên có giải pháp ưu tiên trước các xã vùng khó chứ không đồng đều các khu vực như đề án đề xuất.
Về quy định mức chi hỗ trợ đối với UBMTTQVN cấp xã và Ban công tác mặt trận ở khu dân cư thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đề nghị quy định cụ thể việc sử dụng khoản chi khoán hỗ trợ cho UBMTTQ xã và khu dân cư nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách.
Về kế hoạch biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2020, đề nghị bố trí biên chế và thành lập Phòng Pháp chế theo quy định của Chính phủ tại các sở, ngành cấp tỉnh đảm bảo công tác pháp chế; kiểm tra, xây dựng văn bản; tiếp công dân, xử lí đơn thư tránh áp lực và sai sót phát sinh.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=144382