Một số nội dung cơ bản của Luật Phòng thủ dân sự

Ngày 20/6/2023, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng thủ dân sự (PTDS) và luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024.

Luật PTDS thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, nâng cao năng lực ứng phó với các thảm họa, sự cố, giảm thiểu thiệt hại, góp phần củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận QPTD gắn với nền an ninh nhân dân (ANND), thế trận ANND trong tình hình mới; bảo đảm phù hợp với quy định Hiến pháp năm 2013, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; khắc phục những bất cập trong thực tiễn công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh...

Luật PTDS gồm 7 chương, 55 điều, quy định những nội dung cơ bản như sau:

Thứ nhất, về nguyên tắc hoạt động PTDS

Luật quy định 7 nguyên tắc PTDS (Điều 3), trong đó nguyên tắc quan trọng là: “PTDS phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính; thực hiện phương châm bốn tại chỗ kết hợp với chi viện, hỗ trợ của Trung ương, địa phương khác và cộng đồng quốc tế; chủ động đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa, xác định cấp độ PTDS và áp dụng các biện pháp PTDS phù hợp để ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống nhân dân”.

Thứ hai, về áp dụng Luật PTDS và pháp luật có liên quan

Luật quy định 3 nguyên tắc trong áp dụng luật và pháp luật có liên quan (Điều 4) gồm:

Hoạt động PTDS trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo quy định của luật và quy định của pháp luật có liên quan.

Trường hợp luật khác ban hành trước ngày Luật PTDS có hiệu lực thi hành có quy định khác về hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa mà không trái với nguyên tắc luật này thì thực hiện theo quy định của luật đó.

Diễn tập phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động phòng thủ dân sự.

Diễn tập phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động phòng thủ dân sự.

Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật PTDS có hiệu lực thi hành, cần quy định đặc thù về PTDS khác với quy định của Luật PTDS thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật PTDS, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó.

Thứ ba, về chính sách của Nhà nước về PTDS

Đối với hoạt động PTDS, Nhà nước có các chính sách như sau: Ưu tiên đầu tư xây dựng công trình PTDS chuyên dụng theo quy hoạch, kế hoạch; mua sắm trang thiết bị PTDS; nâng cao năng lực cho lực lượng PTDS, xây dựng lực lượng chuyên trách về tổ chức và trang bị hiện đại, chuyên nghiệp; tăng cường trang bị, phương tiện lưỡng dụng cho lực lượng vũ trang; huy động các nguồn lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân để thực hiện PTDS; phát triển, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến và hiện đại vào hoạt động PTDS; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, ưu tiên thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để bảo đảm cho hoạt động PTDS; khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất, tài chính, tinh thần cho hoạt động PTDS trên nguyên tắc tự nguyện, không trái với pháp luật Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế; bảo đảm dự trữ quốc gia cho hoạt động PTDS.

Thứ tư, về cấp độ PTDS

Điều 7 của Luật PTDS quy định: Cấp độ PTDS là sự phân định mức độ áp dụng các biện pháp của các cấp chính quyền trong phạm vi quản lý để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, làm cơ sở xác định trách nhiệm, biện pháp, nguồn lực của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong PTDS. Cấp độ PTDS, gồm: PTDS cấp độ 1, PTDS cấp độ 2 và PTDS cấp độ 3.

Các căn cứ xác định cấp độ PTDS, gồm: Phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng và hậu quả có thể xảy ra của sự cố, thảm họa; vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội, dân cư, đặc điểm tình hình quốc phòng, an ninh của địa bàn chịu ảnh hưởng của sự cố, thảm họa; diễn biến, mức độ gây thiệt hại và thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra; khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa của chính quyền địa phương và lực lượng PTDS.

Thứ năm, về các hành vi bị nghiêm cấm trong PTDS

Để bảo đảm các hoạt động PTDS được thực hiện có kiểm soát và có trách nhiệm, Điều 10 của luật quy định 9 hành vi bị cấm trong hoạt động PTDS:

Chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy PTDS của cơ quan hoặc người có thẩm quyền; từ chối tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp điều kiện thực tế cho phép. Làm hư hỏng, phá hủy, chiếm đoạt trang thiết bị, công trình PTDS. Gây ra sự cố, thảm họa làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người; thiệt hại tài sản của Nhà nước, nhân dân, cơ quan, tổ chức, môi trường và nền kinh tế quốc dân. Đưa tin sai sự thật về sự cố, thảm họa. Cố ý tạo chướng ngại vật cản trở hoạt động PTDS. Xây dựng công trình làm giảm hoặc làm mất công năng của công trình PTDS; xây dựng trái phép công trình trong phạm vi quy hoạch công trình PTDS, công trình PTDS hiện có. Sử dụng trang thiết bị PTDS chuyên dụng không đúng mục đích; khai thác, sử dụng không đúng công năng của công trình PTDS chuyên dụng. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của pháp luật PTDS; bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật về PTDS; lợi dụng sự cố, thảm họa để huy động, sử dụng nguồn lực cho PTDS không đúng mục đích. Lợi dụng hoạt động PTDS hoặc sự cố, thảm họa để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Thứ sáu, về hoạt động PTDS

Luật quy định hoạt động phòng ngừa sự cố, thảm họa phải chuẩn bị đầy đủ các nội dung, như: Xây dựng Chiến lược quốc gia PTDS; kế hoạch PTDS các cấp từ cấp quốc gia đến kế hoạch PTDS các cấp địa phương; công trình PTDS; trang thiết bị PTDS; hoạt động theo dõi, giám sát nguy cơ về sự cố, thảm họa; hoạt động tuyên truyền, giáo dục về PTDS; hoạt động đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng, diễn tập PTDS.

Bên cạnh các nội dung nêu trên, Luật PTDS còn quy định về chỉ đạo, chỉ huy lực lượng PTDS; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động PTDS; về nguồn lực cho PTDS; chế độ, chính sách đối với lực lượng PTDS và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về PTDS.

Sở Tư pháp

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/phap-luat/202310/mot-so-noi-dung-co-ban-cua-luat-phong-thu-dan-su-2212918/