Một số nội dung trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo trong lĩnh vực chứng khoán và thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán với mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Nhiều quy định đã được bổ sung nhằm gia tăng quyền và lợi ích cho nhà đầu tư.

Nhiều quy định đã được bổ sung nhằm gia tăng quyền và lợi ích cho nhà đầu tư.

Tăng tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành

Tại khoản 1, Điều 1, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 9a vào sau Điều 9 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo. Cụ thể, bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ hoặc tham gia vào quá trình lập hồ sơ, tài liệu báo cáo phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác, trung thực và đầy đủ của hồ sơ, tài liệu báo cáo.

Đồng thời, cụ thể quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận hồ sơ, tổ chức tư vấn hồ sơ, tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên được chấp thuận, doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá, tổ chức bảo lãnh phát hành, các tổ chức, cá nhân ký xác nhận… liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Dự thảo cũng bổ sung thêm quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp gồm nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài; bổ sung thêm quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là tổ chức.

Thêm một nhóm quy định mới cũng được dự thảo sửa đổi, bổ sung về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Theo đó, luật hóa quy định về hành vi thao túng thị trường chứng khoán từ Nghị định số 156/2020/NĐ-CP của Chính phủ bao gồm: Cụ thể các hành vi như: mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường, nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường; đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự...

Dự thảo cũng bổ sung hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến giao dịch của người nội bộ công ty đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan trong việc không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đại chúng.

Thêm nhiều quy định rõ ràng hơn

Theo dự thảo, các quy định đối với chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng được bổ sung quy định rõ ràng hơn. Đối với chào bán trái phiếu ra công chúng, dự thảo Luật đã bổ sung điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh ngân hàng theo quy định của pháp luật, ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 và có đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định của Chính phủ.

Dự thảo còn bổ sung quy định về một số trường hợp hủy bỏ đợt chào bán như phát hiện đợt chào bán trái phiếu, chứng quyền có bảo đảm ra công chúng vi phạm quy định, và ngoại trừ đối với cổ phiếu đã đưa vào niêm yết, đăng ký giao dịch thì không bị hủy bỏ...

Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng khác như: quy định về đình chỉ, hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ tương ứng với chào bán chứng khoán ra công chúng; sửa đổi, bổ sung quy định về công ty đại chúng…

Bên cạnh các quy định về quỹ đại chúng, tại dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo cũng sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng về quyền và nghĩa vụ của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC). Những sửa đổi, bổ sung sẽ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thành lập công ty con của VSDC để triển khai chức năng đối tác bù trừ trung tâm (CCP), đảm bảo hoạt động này hiệu quả, an toàn và đúng thông lệ quốc tế.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, những nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán đã bám sát theo các nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án một luật sửa nhiều luật theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 01/9/2024, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, Hiến pháp năm 2013 và không có quy định trái các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán cũng giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán với mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi, hướng đến hiện thực hóa các mục tiêu trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/mot-so-noi-dung-trong-du-thao-sua-doi-bo-sung-luat-chung-khoan.html?source=cat-76