MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ

Tiếp tục Phiên họp giữa 02 đợt của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 16/11 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (CTQP và KQS), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về chính sách của Nhà nước về quản lý, bảo vệ CTQP và KQS (Điều 4), có ý kiến đề nghị có cơ chế riêng cho việc đầu tư xây dựng các dự án, CTQP và KQS, trong đó có việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất rừng sang đất quốc phòng để xây dựng CTQP và KQS nhằm xử lý các vướng mắc trong thực tiễn. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật chỉ quy định về quản lý, bảo vệ CTQP và KQS; việc chuyển mục đích sử dụng đất khác sang đất quốc phòng do Luật Đất đai điều chỉnh; về đầu tư xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng CTQP thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, đất đai, lâm nghiệp. Vì vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bổ sung các nội dung trên vào dự thảo Luật.

Về công trình lưỡng dụng (Điều 7), có ý kiến đề nghị chỉnh lý khoản 6 cho phù hợp;bổ sung những quy định đặc thù trong quản lý, bảo vệ công trình lưỡng dụng khi sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng; rà soát nội dung Điều này để bảo đảm chặt chẽ, khả thi. Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, để bảo đảm khi áp dụng Luật phù hợp với các đối tượng khác nhau sở hữu công trình dân sự có tính lưỡng dụng (sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân) và tránh chồng chéo trong các quy định của pháp luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bỏ cụm từ “pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công,” bổ sung cụm từ “được lập hồ sơ quản lý, thống kê, kiểm kê công trình theo quy định tại Điều 10 và Điều 14” tại điểm a khoản 6, đồng thời chỉnh lý lại khoản 2 và khoản 4 Điều này như dự thảo Luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và điều hành nội dung phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và điều hành nội dung phiên họp.

Về chuyển đổi mục đích sử dụng CTQP và KQS (Điều 12), có ý kiến đề nghị quy định chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng thuộc CTQP và KQS phải đảm bảo đồng bộ, thống nhất với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang trình Quốc hội; đề nghị chỉ quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thẩm quyền quyết định mà không phân cấp thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng CTQP và KQS.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý khoản 3 Điều 12 dự thảo Luật. Việc quy định thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng CTQP và KQS tại điểm b khoản này (chuyển mục đích sử dụng CTQP và KQS trong phạm vi Bộ Quốc phòng, vẫn sử dụng cho nhiệm vụ quân sự quốc phòng) được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở luật hóa các quy định của pháp luật về thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong quản lý, sử dụng tài sản công đã thực hiện ổn định. Do đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Về xác định phạm vi bảo vệ của CTQP và KQS (Điều 17), Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, phạm vi khu vực cấm trong lòng đất, dưới mặt nước của CTQP và KQS được xác định theo mặt thẳng đứng từ đường ranh giới khu vực cấm từ mặt đất, mặt nước trở xuống không giới hạn về chiều sâu là phù hợp, thống nhất với quy định tại khoản 4 Điều 5 Luật Biên giới Quốc gia. Việc xác định phạm vi khu vực cấm trên không của CTQP và KQS với chiều cao không quá 5.000 mét dựa trên cơ sở thực tế quản lý các hoạt động bay nói chung và hoạt động bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ nói riêng trên vùng trời Việt Nam theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung cụm từ “hoặc khoảng không của KQS khi được thiết lập trên không” vào cuối điểm b khoản 1 Điều này để thống nhất với khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật; phù hợp với thực tiễn và tạo cơ sở pháp lý khi thiết lập, bố trí trang, thiết bị quân sự và KQS trên không. Đồng thời, qua rà soát, để bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý lại khoản 2, 3 và khoản 4 như dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo tại phiên họp.

Về chế độ bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn CTQP và KQS; vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng-ten quân sự (Điều 18), có ý kiến đề nghị nghiên cứu giảm giới hạn khoảng cách hoặc quy định cụ thể những hoạt động nào người nước ngoài không được thực hiện trong phạm vi 500m; bổ sung các hoạt động hợp tác quốc tế cấp nhà nước do Đảng, Quốc hội, Chính phủ thực hiện trong khu vực nêu trên tại khoản 9 cho đầy đủ; rà soát các điểm, khoản cho thống nhất, chặt chẽ. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, quy định như dự thảo Luật là cần thiết nhằm bảo đảm an toàn, bí mật cho kho đạn dược và hệ thống ăng-ten quân sự; thống nhất với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để bảo đảm đầy đủ hơn, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung cụm từ “ngoại giao nhà nước” vào trước từ “hợp tác” tại điểm d khoản này. Đồng thời cho tách khoản 10 thành 2 khoản (khoản 10 và khoản 11) và chỉnh lý 2 khoản này như dự thảo Luật.

Về xử lý công trình, vật kiến trúc; quản lý, sử dụng đất, mặt nước trong phạm vi bảo vệ CTQP và KQS (Điều 19), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, Pháp lệnh Bảo vệ CTQP và KQS và Nghị định 04/CP ngày 16/01/1995 của Chính phủ ban hành Quy chế bảo vệ CTQP và KQS không quy định cụ thể về phạm vi bảo vệ của CTQP và KQS, nên không đủ cơ sở cho việc xây dựng điều khoản chuyển tiếp để xử lý các công trình, vật kiến trúc vi phạm có từ trước do lịch sử để lại. Do đó, để bảo đảm tính khả thi, khoản 2 và khoản 3 dự thảo Luật đã quy định cụ thể việc xử lý các công trình, vật kiến trúc và quản lý, sử dụng đất, mặt nước trong phạm vi bảo vệ CTQP và KQS sau khi Luật có hiệu lực; đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện các quy định nêu trên tại khoản 4 và giao Chính phủ quy định về lộ trình triển khai thực hiện tại khoản 6.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, qua rà soát, để bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, thuận lợi trong tổ chức thực hiện, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung cụm từ “trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành” sau cụm từ “lắp đặt hợp pháp” tại điểm a khoản 2; cho bỏ điểm b khoản 3 (vì không cần thiết) và cho chỉnh lý lại các khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 6 như dự thảo Luật./.

Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=82217