Một thời cuốc đất
Lang thang miền ký ức, bỗng nhớ ngày xưa một thời 'nghề' cuốc đất. Gọi 'nghề' cho nó chuyên nghiệp tí, chứ hồi ấy với khẩu hiệu 'tất cả cho sản xuất', 'lao động là vinh quang', 16 tuổi được xếp diện lao động, mà lao động là phải biết cuốc đất, dọn rẫy gieo trồng để tự túc lương thực. Cái 'nghề' này chẳng phải trường lớp gì, cứ thấy người ta cuốc, mình cuốc, cuốc riết rồi quen, rồi giỏi, rồi lên bậc lao động chính, lao động tiên tiến.
Một thời cuốc đất
Đời cuốc đất vất vả cũng lắm mà kỷ niệm cũng nhiều, nhất là thời gian đi cuốc đất tập thể. Sau giải phóng, thống nhất đất nước xã, làng nào cũng thực hiện chủ trương “hợp tác hóa”, mới đầu tổ vần đổi công, rồi đội sản xuất, tập đoàn sản xuất cuối cùng là hợp tác xã nông nghiệp. Hình thức lao động tập thể này hút lớp trẻ tham gia rất nhiệt tình. Chẳng cần biết mùa màng thu hoạch ra sao, tất cả đã có ban đội, ban chủ nhiệm lo. Bọn trẻ chúng tôi chỉ việc biết cuốc và cuốc. Đứa nào cuốc giỏi ngày được chấm 10 điểm, dở hơn 9 điểm, 8 điểm, được cái mỗi ngày là một niềm vui.
Làng tôi có 2 đội sản xuất (làng Phước Bình nay là khu phố 8, phường Tân An, thị xã La Gi). Đội 1 đầu làng, đội 2 cuối làng. Lực lượng lao động nòng cốt là đám nam, nữ choai choai tụi tôi. Ở cái tuổi này mà ngày nào cũng được “bên nhau” là nhất trên đời, mệt nhọc, vất vả nào sá chi. Sáng ra, nghe kẻng đội bon bon, đứa nào, đứa nấy mặt mày tươi rói, cuốc vác vai, cơm nước cột đèo đầu cán, họp nhau ở nhà đội trưởng, rồi cả đoàn cùng xuất quân.
Đất sản xuất nông nghiệp của tập thể nằm bên bắc sông Dinh, lại không có cầu, muốn đi đường cầu qua vùng sản xuất phải vòng xuống Phước An (khu phố 7, phường Tân An, thị xã La Gi hiện nay) xa đến 4 - 5 cây số, nên bơi qua sông là cách tốt nhất để rút ngắn quãng đường. Bơi sông với đám con trai thì chẳng có gì vất vả, áo quần cởi hết gói vào áo mưa, qua bên kia sông chỉ cần tìm cái lùm kín vắt khô chiếc tà lỏn là tươm tất, khô ran. Nhưng với phái nữ, khổ lắm, cứ nguyên bộ phập phồng dưới nước nhờ đám con trai dìu qua sông. Khi chị em lên bờ, áo quần ướt dính sát da, che chỗ này lộ chỗ kia. Mấy ngày đầu em nào cũng đỏ mặt, nhưng riết rồi quen, rồi cười, cười rộn cả dòng sông.
Qua rẫy sản xuất, từng tổ chia nhau giăng hàng ngang cuốc đất tranh. Vừa cuốc đất vừa chuyện trò rất vui vẻ. Anh nào có “đối tượng”, thì lợi dụng cơ hội này đến sát bên em vừa cuốc, vừa tán, vừa ga lăng. Em sổ cuốc - anh nêm. Em mẻ cuốc - anh đập lại. Tôi cũng thuộc diện một thời đi nêm cuốc, đập cuốc mẻ. Em tôi hồi ấy đang là nữ sinh lớp 10, quen viết chứ không quen cuốc. Đi cuốc đất mấy ngày đầu hai bàn tay phồng rộp, giờ giải lao em cứ ngồi một mình thút thít. Tôi cũng học sinh, nên hai đứa dễ gần nhau, dễ tâm sự với nhau. Tình cảnh ấy hỏi sao không ham đi cuốc đất. Cuốc vài mùa - “vậy mà nên nghe!”.
Cuốc đất tập thể vừa vui, vừa không phải bán sức, cứ tèn tèn 45 phút kẻng gõ, giải lao ngồi tán dóc. 2 tiếng nghỉ ăn nửa buổi, ăn nửa buổi thời bao cấp chủ yếu khoai lang, khoai mì chấm muối đậu. Ăn xong uống bụng nước no đến chiều. Giờ nghỉ trưa, ai mệt lót lá nằm dưới mấy tán cây nói chuyện tiếu lâm hoặc đánh giấc. Bọn loai choai tụi tôi, không đi bắt chim, bắt cút thì dắt chó đi săn thỏ, săn chồn... Thỏ, chồn hồi ấy bên bắc sông nhiều lắm, chỉ cần có cặp chó hay hay, đi chặp trưa là có thịt rừng. Chiều, tầm 4 giờ, nghỉ sớm để họp bình công chấm điểm. Nói bình, nói chấm vậy, chứ anh em, bạn bè nhau cả, sàn sàn đứa nào cũng chín, mười điểm
Cuốc đất cả ngày, nhưng tối về vẫn không thấy mệt. Tắm rửa cơm nước xong là hú hí nhau đi ngồi “chực” trước cổng nhà mấy em, bữa nào có sinh hoạt thì đi. Ngày tháng cứ đều đều như thế, chẳng mơ cao, nghĩ xa gì. Ngược lại, chuyện trai gái sống tập thể lại có kết quả ngoài mong đợi. Nhiều cặp trẻ thành đôi từ chỗ đất này.
Lại nói về cuốc đất tranh. Đất rẫy vùng Tân An, La Gi hồi ấy là đất rừng khai hoang, lâu ngày tranh mọc thành bãi, thành lán. Muốn có đất để trồng bắp, trồng đậu... phải phát đốt rồi cuốc giũ sạch rễ tranh, bấm sạch chồi cây. Rễ tranh ăn sâu, nên cuốc phải kỹ, cuốc dối vài bữa tranh mọc lại như chông. Cuốc sử dụng phải loại cuốc tốt, cán cuốc cũng vậy, ba cái cuốc mua chợ, cuốc vài lối đất là bung đai, mẻ lưỡi, gãy cán. Để có cái cuốc ưng ý, nông dân tụi tôi phải tự tìm sắt thép đi rèn. Ri sắt, cản xe bằng inox là hai loại vật tư tốt nhất. Loại lưỡi này, chấn vào cái chồi cây đi ngọt xớt, không sứt mẻ gì. Cán cuốc thì dùng cây song mây, cây này rất dẻo ít bị gãy.
Hồi ấy, trâu bò hiếm lắm, 2 đội sản xuất chỉ có 1 con bò kéo tập thể. Danh sách xã viên đăng ký đi kéo gỗ, kéo củi dài thậm thượt. Bò già , lao động nhiều lại ăn toàn rơm khô, nên chỉ thời gian ngắn, bò xuống sức không kéo cày chi được. Máy cày do trạm máy kéo huyện quản lý, rước được ông này về không phải dễ, nên dân gian mới có câu “trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà”. Thành ra đến thời vụ sản xuất, sử dụng sức người đi cuốc đất là chính.
Lang thang miền ký ức chỉ để nhớ lại cái thời đi cuốc tập thể - “vậy mà vui nghe!”.
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/mot-thoi-cuoc-dat-139976.html