Một vài nét về Phật giáo ở Bắc Triều Tiên

Tu sĩ Phật giáo ở Bắc Triều Tiên họ mặc một bộ đồ, giống như những nhân viên văn phòng và đi đến chùa làm việc vào mỗi buổi sáng. Tại các cơ sở tự viện Phật giáo, họ thay trang phục dành cho các nhà sư Phật giáo.

Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: https://world.kbs.co.kr

Quốc lễ Phật đản ở Hàn Quốc tiếng Hàn “부처님 날 - Ngày Phật Giáng trần” hay “석가탄신일 - Ngày Phật Thích Ca Đản sinh”. Quốc lễ Phật đản thường niên rơi vào từ ngày 8-15 tháng 4 Âm lịch.

Lễ Phật Đản từ lâu đã được tổ chức ở Hàn Quốc vì Phật giáo trong lịch sử là một tôn giáo lớn ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, tôn giáo nhà nước chính thức trong triều đại Joseon là Nho giáo, vì vậy, nó không phải là một ngày lễ quốc gia. Mãi đến năm 1975, Hàn Quốc mới công nhận đây là một ngày lễ quốc gia.

Trong khi chuẩn bị trước với thời gian cả tháng trời, cho Quốc lễ Phật đản thường được tổ chức tại các cơ sở tự viện Phật giáo trên khắp đất nước Hàn Quốc, nhiều người tự thắc mắc rằng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, một quốc gia xã hội chủ nghĩa có tổ chức ngày Lễ Phật đan hay không?

Ở Bắc Triều Tiên, các nghi lễ và sự kiện Phật giáo, bao gồm cả ngày Lễ Phật đản, được tổ chức tại các cơ sở tự viện Phật giáo ở nhiều nơi khác nhau.

Giáo sư Chung Eun-chan (정운찬, 鄭雲燦) tại Viện Giáo dục Thống nhất Quốc gia trực thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc sẽ cung cấp một số thông tin để tìm hiểu về Phật giáo ở Bắc Triều Tiên.

Ảnh: St

Ảnh: St

Bắc Triều Tiên tổ chức các nghi lễ Phật đản lần đầu tiên vào tháng 5 năm 1988 tại ngôi Phổ Hiền cổ tự (보현사) tọa lạc tại Hyangsan, tỉnh Pyongan Bắc, kể từ đó, Triều Tiên đã tổ chức thường niên sự kiện này.

Ngày lễ Phật đản không phải là ngày lễ chính ở miền Bắc Triều Tiên, nên chỉ một số lượng hạn chế phật tử mới có thể tham gia các nghi lễ Phật giáo. Triều Tiên cũng có một số giao lưu Phật giáo quốc tế, nhưng không nhiều.

Trên thực tế, Phật giáo có hiện diện ở Bắc Triều Tiên và quốc gia này ủng hộ Thiền phái Tào Khê, một trong những tông phái Phật giáo lớn của Hàn Quốc.

Năm 2018, Trung tâm Cơ sở Dữ liệu về Nhân quyền Bắc Triều Tiên có trụ sở ở Seoul đã tiến hành một cuộc khảo sát đối với 13.349 người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên sang định cư sinh sống tại Hàn Quốc.

Khi được hỏi liệu người dân ở Bắc Triều Tiên có được tự do tham gia các hoạt động tôn giáo hay không, 99,6% số người được trả lời là không. Thậm chí họ cho biết một số người Bắc Triều Tiên bị trừng phạt vì những hoạt động tôn giáo.

Ảnh: St

Ảnh: St

Trong Điều 68 của Hiến pháp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên quy định rằng công dân có quyền tự do tôn giáo. Nhà nước có thể cho phép phê duyệt việc và xây dựng các công trình tôn giáo và tổ chức các nghi lễ tôn giáo. Hiến pháp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cũng lưu ý rằng không ai được sử dụng tôn giáo như một phương tiện để thu hút thế lực nước ngoài hoặc lực lượng phản động, chống phá Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên hoặc gây rối trật tự xã hội.

Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên chấp thuận hoạt động của các tổ chức tôn giáo như Liên đoàn Phật giáo Hàn Quốc và Liên đoàn Thiên chúa giáo Hàn Quốc. Điều này nhằm chứng minh rằng quốc gia này công nhận quyền tự do tôn giáo.

Ở Bắc Triều Tiên, các nhà sư Phật giáo đã trở thành nhân viên của Đảng Lao động Triều Tiên (조선로동당) để có thể trao đổi và giao lưu với thế giới bên ngoài, Khoa Tôn giáo tại Đại học Kim Nhật Thành giáo dục đào tạo những người muốn trở thành quan chức tôn giáo.

Các nhà sư Phật giáo ở Bắc Triều Tiên vẫn để tóc như người thế tục. Họ không cư trú tại các cơ sở tự viện Phật giáo, họ không giống như những vị tu sĩ Phật giáo ở Hàn Quốc. Tu sĩ Phật giáo Triều Tiên mặc đồ, giống như những nhân viên văn phòng, đến chùa làm việc vào mỗi buổi sáng. Tại các cơ sở tự viện Phật giáo, họ thay trang phục dành cho các nhà sư Phật giáo. Hầu hết họ đều đã kết hôn, lấy vợ sinh con. Gần như không có ai chọn sống độc thân vì mục đích tu tâm dưỡng tính theo giới luật người xuất gia theo Phật giáo truyền thống.

Người dân Hàn Quốc không gọi các nhà sư ở Bắc Triều Tiên là nhà sư Phật giáo. Có thể họ được coi như một dạng người quản lý cơ sở tự viện Phật giáo do chính quyền Bắc Triều Tiên tuyển dụng. Khi có khách thập phương các nước đến chùa, những người quản lý ở chùa sẽ mặc pháp phục trông giống như nhà sư. Nghĩa là, họ khoác màu sắc pháp phục của nhà sư khi có sự kiện lớn. Hầu như họ không bao giờ tổ chức các buổi lễ thường kỳ, càng không chuyên trì giới luật, tu hành theo truyền thống Phật giáo. Bề ngoài họ có vẻ như những nhà sư Phật giáo, nhưng thực chất chắc chắn họ khác với những nhà sư Phật giáo Hàn Quôc về mặt vai trò và trách nhiệm của một tăng sĩ Phật giáo.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Thế Chiến II kết thúc cũng là lúc chấm dứt sự cai trị của Đế quốc Nhật Bản. Bán đảo Triều Tiên bị chia cắt thành hai vùng chiếm đóng bởi quân đội Liên Xô và Hoa Kỳ. Năm 1948, hai quốc gia có chủ quyền được hình thành ở hai vùng này là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (còn gọi là Triều Tiên, Bắc Triều Tiên hoặc Bắc Hàn) và Đại Hàn Dân Quốc (còn gọi là Hàn Quốc, Đại Hàn, Nam Hàn hoặc Nam Triều Tiên).

Trước khi Triều Tiên bị chia cắt, có hơn 700 nhà sư Phật giáo ở phía bắc Bán đảo Triều Tiên. Nhưng tính đến năm 2014, con số này đã giảm xuống còn 300 nhà sư Phật giáo. Chiến tranh Triều Tiên và thể chế là lý do khiến số lượng nhà sư Phật giáo giảm sút.

Trước khi Hàn Quốc thoát khỏi ách thống trị của thực dân Đế quốc Nhật Bản vào năm 1945, hơn 400 cơ sở tự viện Phật giáo ở rải rác khắp miền bắc bán đảo Triều Tiên. Nhưng hiện nay, Bắc Triều Tiên chỉ còn tồn tại 60 cơ sở tự viện Phật giáo.

Trong một cuốn sách có tựa đề “Temples in North Korea - Những ngôi chùa ở Bắc Triều Tiên” do Quỹ Xúc tiến Phật giáo Hàn Quốc tại Hàn Quốc xuất bản năm 2009, số lượng các cơ sở tự viện Phật giáo ở Bắc Triều Tiên đạt các tiêu chuẩn nhất định là 64 ngôi chùa. Theo khu vực, có 5 ngôi chùa Phật giáo ở thủ đô Bình Nhưỡng (평양), bốn ngôi chùa ở Gaeseong (개성), một thành phố ở tỉnh Bắc Hwanghae, phía nam Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, 19 cơ sở tự viện Phật giáo ở P'yŏngan Bắc (평안 북도), một tỉnh Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, ba ngôi chùa ở tỉnh P'yŏngan Nam (평안남도), hai ngôi chùa ở tỉnh Jagang, bốn ngôi chùa ở tỉnh Bắc Hwanghae, sáu ngôi chùa ở tỉnh Nam Hwanghae, bốn ngôi chùa ở tỉnh Bắc Hamgyong, bảy ngôi chùa ở tỉnh Nam Hamgyong và chín ngôi chùa ở tỉnh Gangwon.

Ảnh: St

Ảnh: St

Những ngôi danh lam cổ tự Phật giáo nổi tiếng như ngôi già lam cổ tự Pohyon (보현사, Phổ Hiền Tự) ở huyện Hyangsan, tỉnh North Pyongan là trung tâm Phật giáo lớn bậc nhất Triều Tiên, ngôi già lam cổ tự Kwangbop (광법사, Quảng Pháp Tự) ở núi Taesong (대성), thủ đô Bình Nhưỡng, Chùa Pyohunsa (표훈사, Biểu Huấn Tự) trên núi Geumgang, (금강산), tỉnh Kangwon, Chùa Jahye (자혜사, Từ Tuệ Tự ), tỉnh Hwanghae và Chùa Songbul (성불사, Thành Phật Tự) nằm trên núi Jongbang ở thành phố Sariwon, tỉnh Hwanghaebuk, Bắc Triều Tiên.

Trong khi số lượng cơ sở tự viện Phật giáo giảm mạnh. Bắc Triều Tiên đang nỗ lực khôi phục và cải tạo các cơ sở tự viện Phật giáo địa phương.

Ví dụ, vào năm 1956, họ đã trùng tu ngôi già lam cổ tự Pohyon (보현사, Phổ Hiền) ở huyện Hyangsan, tỉnh North Pyongan và Chùa Songbul (성불사, Thành Phật Tự) nằm trên núi Jongbang ở thành phố Sariwon, tỉnh Hwanghaebuk. Năm 1961, quốc gia cộng sản này cũng đã khôi phục Chùa Jahye (자혜사, Từ Tuệ Tự ) do bị thiên tại ở tỉnh Hwanghae. Kể từ những thập niên 1980, chính quyền Triều Tiên đã có những nỗ lực để bảo tồn các cơ sở tự viện đạo Phật.

Ở nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, các cơ sở tự viện Phật giáo được coi là di tích văn hóa từ thời quá khứ, chứ không phải là nơi thờ cúng tín ngưỡng. Vì thế, việc bảo vệ các cơ sở tự viện Phật giáo là hành động bảo tồn tài sản văn hóa. Các viên chức tôn giáo được giáo dục đào tạo tại Khoa Tôn giáo của Đại học Kim Il-sung. Khoa này thuộc khoa lịch sử, không phải khoa triết học, nghĩa là khoa này nghiên cứu tôn giáo để phục vụ cho mục đích nghiên cứu lịch sử.

Bắc Triều Tiên sử dụng lịch sử quá khứ như một công cụ tuyên truyền, thông qua các cơ sở tự viện Phật giáo, Bắc Triều Tiên cũng tìm cách cho thế giới bên ngoài thấy rằng Bắc Triều Tiên là một quốc gia bình thường, nơi các tôn giáo không bị đàn áp. Họ sử dụng các cơ sở tự viện Phật giáo như một kênh. Thông qua đó họ nhận được viện trợ quốc tế.

Giáo sư Chung Eun-chan chia sẻ, theo quan điểm tôn giáo, Bắc Triều Tiên không nhìn nhận cơ sở tự viện Phật giáo, họ coi chúng như một nguồn lực để tuyên truyền chính sách. Do đó, việc khôi phục cơ sở tự viện Phật giáo chỉ là hành động tu sửa các di sản văn hóa và phát triển các điểm tham quan du lịch. Vì thế, Phật giáo ở Bắc Triều Tiên chỉ có xác mà không có hồn, vẫn là một cái vỏ rỗng, không có thực chất.

Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: https://world.kbs.co.kr

Tạp chí NCPH: Nội dung, góc nhìn và đánh giá trong bài viết là quan điểm riêng của Gs Chung Eun-chan và ấn phẩm báo chí Hàn Quốc đăng tải.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/mot-vai-net-ve-phat-giao-o-bac-trieu-tien.html