Mù Cang Chải: Cuộc 'cách mạng' di dân vùng nguy cơ sạt lở

Việc di dời khẩn cấp người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, không chỉ là giải pháp cấp bách phòng chống thiên tai mà còn thể hiện sự chủ động, kịp thời, tinh thần trách nhiệm và sự đoàn kết, tương thân tương ái của cộng đồng trong việc bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

Cán bộ, đảng viên xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải giúp đỡ người dân dựng lại nhà cửa bị ảnh hưởng sau mưa lũ ở bản Lùng Cúng.

Cán bộ, đảng viên xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải giúp đỡ người dân dựng lại nhà cửa bị ảnh hưởng sau mưa lũ ở bản Lùng Cúng.

Thấp thỏm nỗi lo sạt lở

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trời liên tục mưa khiến tâm lý của 31 hộ dân với gần 200 nhân khẩu ở xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải trở nên bất an hơn bao giờ hết. Sau lưng họ, những ngọn đồi dựng đứng, cao sừng sững đã xuất hiện những vết nứt, nguy cơ sạt lở cao.

Sau khi bão số 3 đi qua, đầu tháng 10, chúng tôi cùng cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tới theo dõi tiến độ khắc phục nhà ở tại bản Lùng Cúng, xã Nậm Có. Con đường từ UBND xã vào bản Lùng Cúng nhìn từ xa như dải lụa nhỏ, trên mình loang lổ những vệt sạt lở chạy quanh, ôm lấy sườn núi. Tiết trời vào thu mát dịu, những thửa ruộng bậc thang lúa vàng đang uốn câu, trĩu hạt như báo hiệu sự hồi phục mãnh liệt của cuộc sống người dân nơi đây...

Theo ông Chang A Lềnh ở bản Lùng Cúng - một trong 31 hộ dân vừa rồi phải di dời nhà khẩn cấp thì từ những năm trước ngọn núi phía sau nhà đã xuất hiện một vết nứt, đường kính khoảng 50 cm và kéo dài hàng trăm mét, gây nguy hiểm cho các hộ gia đình dưới chân núi. Vì thế, mỗi mùa mưa bão đến, gia đình ông cùng với các hộ dân trong khu vực luôn luôn theo dõi bản tin dự báo thời tiết để nắm bắt tình hình và chủ động di dời khi thấy có nguy cơ cao. Đến đợt mưa đầu tháng 9 vừa qua, vết nứt lại tăng thêm, nguy cơ có thể sạt lở bất cứ lúc nào, bà con có nguyện vọng được hỗ trợ di chuyển đến nơi ở mới để không còn phải lo lắng, sợ hãi mỗi khi mùa mưa đến.

Ông Tô Văn Học - Chủ tịch UBND xã Nậm Có chia sẻ: "Hoàn lưu của cơn bão số 3 gây mưa lớn, kéo dài khiến địa bàn xã Nậm Có xảy ra ngập úng, sạt lở đất, thiệt hại nặng nề về hạ tầng, sản xuất và đời sống nhân dân. Mưa lũ làm thiệt hại 27 nhà ở, trong đó có 13 nhà phải di dời khẩn cấp, 18 nhà bị sạt lở ta luy phải di dời. Đối với 13 nhà phải di dời khẩn cấp, xã đã huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ các hộ di dời tài sản, tháo dỡ nhà đến nơi an toàn”.

Trước đây, ngôi nhà của gia đình anh Hờ Dua Của, bản Háng Chua Xay, xã Chế Cu Nha được dựng ngay dưới chân núi Trông Đờ Lúa Nình (núi Yên Ngựa), sau mỗi trận mưa lớn, khoảng núi sau nhà bị sạt lở, đẩy đất đá vào sát nhà khiến gia đình anh Của luôn phải sống trong cảnh thấp thỏm lo âu.

Từ ngày 7 đến ngày 10/9/2024, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn có mưa rất to, vết sạt lở lại tăng thêm, bùn đất "phá vách” đẩy hết vào trong nhà. Ngay khi được xã thông báo hiểm họa và vận động di dời, được sự động viên của cán bộ thôn bản cùng sự ủng hộ 30 triệu đồng của Nhà nước, sự giúp sức của người thân và dân bản, gia đình anh Của đã dỡ nhà chuyển sang nơi ở mới an toàn hơn.

"Được Đảng và Nhà nước quan tâm, cuộc sống của gia đình tôi giờ đã được ổn định, không còn nỗi lo lắng thường trực mỗi khi có mưa lũ như trước nữa. Gia đình tôi giờ mới thực sự là "ăn ngon ngủ kỹ” và an tâm lao động sản xuất - anh Hờ Dua Của chia sẻ với nụ cười tươi.

Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha - Giàng A Ly cho biết: "Các khu dân cư trên địa bàn xã nằm rải rác trên đồi cao có nguy cơ sạt lở. Hằng năm, chính quyền xã đã tích cực tổ chức tuyên truyền đến người dân trong khu dân cư. Nhất là khi có mưa lớn kéo dài, chính quyền xã đều có chỉ dẫn, cảnh báo, nhắc nhở để người dân phòng tránh tốt nhất và cũng sẵn sàng di dời người dân tới vị trí an toàn. Xã đã thành lập Tổ công tác với các thành viên thuộc các ban, ngành, hội, đoàn thể và đặc biệt phối hợp việc phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để tiến hành rà soát những hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở và trực tiếp xuống tại các hộ dân để tuyên truyền, vận động các hộ di dời về nơi ở mới an toàn hơn.

Anh Hờ Dua Của, bản Háng Chua Xay, xã Chế Cu Nha (đững giữa) chuyển nhà đến nơi an toàn.

Anh Hờ Dua Của, bản Háng Chua Xay, xã Chế Cu Nha (đững giữa) chuyển nhà đến nơi an toàn.

An cư cho người dân

Sau đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3, huyện Mù Cang Chải là một trong những địa phương bị thiệt hại tương đối lớn. Nhiều cánh rừng xanh thắm trước đây, nay loang lổ những vệt trống do sạt lở đất. Theo thống kê, toàn huyện có 64 nhà phải di dời khẩn cấp do sạt lở đất đá.

Trước thực trạng trên, UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn lập danh sách các hộ gia đình phải di dời nhà theo Quyết định số 1747 ngày 13/9/2024 của UBND huyện Mù Cang Chải gửi về Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai để làm căn cứ đo đạc địa chính thửa đất, lập hồ sơ đăng ký đất đai theo quy định; phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện để đo đạc, lập hồ sơ đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.

Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện bố trí nhân lực, phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ thực hiện đo đạc địa chính thửa đất của các hộ di dời, ký duyệt ảnh trích đo địa chính thửa đất phục vụ công tác lập hồ sơ đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định. Phòng Tài nguyên và Môi trường thường xuyên theo dõi nắm bắt tiến độ thực hiện các thủ tục về đất đai cho các hộ dân bị ảnh hưởng, tham mưu cho UBND huyện đôn đốc kịp thời.

Ông Tạ Anh Tuấn - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: "Mặc dù đã rất nỗ lực trong giải quyết các thủ tục đất đai cho các hộ phải di dời nhưng Mù Cang Chải vẫn chưa có bản đồ địa chính, do vậy không xác định được hiện trạng cho phù hợp quy hoạch nên sau khi có kết quả đo đạc của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, Phòng mới phối hợp với xã tiến hành lập hồ sơ với những hộ đủ điều kiện…".

Ông Lê Trọng Khang - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Xác định việc hỗ trợ nhân dân di dời, sửa chữa và dựng lại nhà ở, ổn định cuộc sống là nhiệm vụ cấp thiết, cần được ưu tiên thực hiện ngay, huyện đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, tuyên truyền, vận động các hộ dân đang trong vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, tìm kiếm quỹ đất để nhân dân di dời, dựng lại nhà ở. Trực tiếp các đồng chí lãnh đạo huyện cùng đến các gia đình chia sẻ, động viên và cùng dân sắp xếp lại dồ đạc, di chuyển nhà ở đến nơi an toàn và dựng lại nhà".

Ngày 11/9 vừa qua, tức chỉ 3 ngày sau cơn bão số 3, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã chủ động tham mưu, xây dựng tờ trình về việc tạm ứng kinh phí từ quỹ dự trữ của huyện với số tiền 620 triệu đồng để khẩn trương hỗ trợ 16 hộ gia đình phải di dời nhà ở khẩn cấp do nguy cơ sạt lở với định mức 30 triệu đồng/hộ và 7 hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhà bị hư hỏng nặng là 20 triệu đồng/hộ.

Trong 64 nhà ở phải di dời khẩn cấp do ảnh hưởng của cơn bão số 3, với tinh thần và nỗ lực cao từ huyện tới xã và thôn bản, đến ngày 4/10, đã có 24 hộ hoàn thành dựng nhà ở nơi an toàn, 12 hộ đang dựng và 21 hộ đang san nền; các hộ còn lại phấn đấu xong trước ngày 30/10. Kinh phí hỗ trợ thực hiện là 60 triệu đồng/nhà, trong đó có 30 triệu đồng là kinh phí hỗ trợ của huyện và 30 triệu đồng là kinh phí hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.

Việc di dời khẩn cấp người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở không chỉ là giải pháp cấp bách phòng chống thiên tai mà còn thể hiện sự chủ động, kịp thời, tinh thần trách nhiệm và sự đoàn kết, tương thân tương ái của cộng đồng trong việc bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Đồng thời, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Quang Thiều

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/22/330757/mu-cang-chai-cuoc-cach-mang-di-dan-vung-nguy-co-sat-lo.aspx