Mùa cam ở Chiềng Ban
Về xã Chiềng Ban (Mai Sơn) những ngày này, hình ảnh những người nông dân tất bật thu hoạch cam trên những sườn đồi, nụ cười hân hoan, phấn khởi bên những vườn cam trĩu quả, vàng óng.
Đến bản Củ 2, ghé thăm vườn cam của gia đình ông Hoàng Văn Chất, Giám đốc HTX nông nghiệp Trường Tiến, người tiên phong mang cây cam về trồng trên đất Chiềng Ban. Dẫn chúng tôi thăm vườn cam được cấp giấy chứng nhận VietGAP, ông Chất nói: Năm 2012, sau khi đi học kinh nghiệm trồng cam tại Hòa Bình, Hưng Yên, Nghệ An, Yên Bái, tôi quyết định mua 540 gốc cam V1 về trồng xen cây cà phê; giống cam này phù hợp với điều kiện khí hậu và đặc biệt không bị ảnh hưởng của sương muối. Sau 3 năm, cây cam bắt đầu cho thu quả, thương lái đến tận vườn đặt mua với giá 30.000-35.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.
Vừa trồng, vừa theo dõi, đánh giá, để có hướng mở rộng, năm 2018, ông Chất lần lượt đưa các giống cam đường canh, cam cara, cam V2 vào trồng xen trên diện tích 2 ha cà phê. Ưu điểm của các giống cam mới này ngọt sắc, thơm, ít hoặc không hạt và và năng suất, giá trị cao hơn giống cam Vinh. Hiện, gia đình có 4 ha cam, năng suất trung bình 15 tấn/ha. Trong sản xuất, ông Chất chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, không chỉ làm giàu cho đất, tốt cho cây trồng, phân hữu cơ còn tạo ra sản phẩm an toàn. Các phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp, chất thải, bã thải chăn nuôi thu gom ủ mục hoặc tự sử dụng các chế phẩm sinh học, men vi sinh để ủ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng. Nhờ vậy, chi phí cho việc mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm được hàng chục triệu đồng/ha.
Từ thành công của gia đình ông Chất, nhiều hộ dân xã Chiềng Ban đã đến học tập kinh nghiệm trồng cam. Năm 2018, ông thành lập HTX nông nghiệp Trường Tiến với 12 thành viên. Đến nay, HTX đã phát triển lên 32 thành viên, trồng 30 ha cam V1, cam cara, cam đường canh, cam V2 và bưởi da xanh... Ngoài ra, HTX đang liên kết với gần 500 hộ dân tại các huyện: Quỳnh Nhai, Sông Mã, Thuận Châu, Sốp Cộp trồng 400 ha cam.
Tiếp tục tới thăm vườn cam của gia đình anh Đào Đức Năm, bản Hoa Mai, người gắn bó với cây cam nhiều năm đã thu trái ngọt. Vườn cam trĩu quả đều tăm tắp phải buộc dây đỡ cành. Nhấc chùm cam chín vàng, anh Năm, cho biết: Gia đình đã xây dựng hệ thống tưới ẩm nhỏ giọt, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, cắt tỉa cành tạo tán đúng quy trình kỹ thuật. Mùa thu hoạch cam thường bắt đầu từ tháng 9 và kéo dài đến tháng 1 năm sau. Những năm gần đây, người trồng cam ở Chiềng Ban đã áp dụng kỹ thuật rải vụ, có thể thu hoạch từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau. Mặc dù, 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng các hộ trồng cam trong xã vẫn bán được hết sản phẩm.
UBND huyện Mai Sơn đã và đang tích cực liên hệ, phối hợp với các ngành xây dựng phương án tiêu thụ nông sản cho nông dân, trong đó có quả cam. Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mai Sơn cho biết: Toàn huyện hiện có trên 200 ha cam, sản lượng hơn 3.000 tấn. Ngay từ đầu vụ, huyện đã gửi công văn đến các nhà máy chế biến giới thiệu cụ thể về diện tích, sản lượng của các HTX trồng cam trên địa bàn đạt tiêu chuẩn VietGAP trở lên. Đồng thời, kết nối tiêu thụ sản phẩm cam với hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, cửa hàng tiện ích như: Big C, Vinmart & Vinmart+... Ngoài ra, các chủ vườn còn chủ động tìm các thương lái qua các trang mạng xã hội, sau đó gửi mẫu chào hàng. Thương lái chỉ cần gọi điện đặt hàng, chủng loại và số lượng sẽ được các chủ vườn gửi xe xuống tận nơi. Hiện, giá cam dao động từ 20.000-40.000 đồng/kg tùy loại; trừ chi phí, nông dân vẫn có lãi từ 300-500 triệu đồng/ha.
Mô hình trồng cam ở xã Chiềng Ban đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế vượt trội, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Để cam Chiềng Ban phát triển và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, các cấp các ngành cần quan tâm, hỗ trợ các hộ trồng cam xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/mua-cam-o-chieng-ban-45529