Mùa cạn ở xã Suối Hoa
'Sinh sống trên nhà bè tại khu vực ven sông Đà đến nay cũng đã được gần 20 năm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy nước sông xuống thấp và cạn lâu đến như vậy. Tình hình này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển chăn nuôi thủy sản, gây đảo lộn sinh hoạt của người dân' - bà Bùi Thị Hòa ở xóm Thăm, xã Suối Hoa (Tân Lạc) trăn trở khi ngày ngày phải đối mặt với mùa cạn trên sông Đà.
Xã Suối Hoa có 7/8 xóm tiếp giáp với vùng lòng hồ sông Đà. Tận dụng tiềm năng, lợi thế về diện tích mặt nước rộng lớn, nhiều hộ dân sinh sống tại khu vực này đã mở rộng quy mô phát triển mô hình nuôi cá lồng. Theo thống kê, toàn xã hiện có trên 600 lồng cá, trong đó chủ yếu là cá lăng, trắm đen, rô phi, trê… Ngoài ra, một số giống cá tự nhiên như măng, thiểu... cũng được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, từ tháng 12/2019, mực nước sông Đà xuống thấp và đến nay chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Nguyên nhân do thời tiết diễn biến thất thường, lượng mưa ít, lượng nước từ thượng nguồn đổ về không đáp ứng đủ. Vì vậy đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản của các hộ dân sinh sống ven sông thuộc xóm Ong và xóm Thăm, số lượng lồng cá bị ảnh hưởng khoảng 160 lồng.
Khảo sát tại khu vực ven sông xóm Thăm và xóm Ong, cán bộ phụ trách Nông nghiệp của xã Suối Hoa cho biết, trước đây, nước sông có thể dâng lên đến khu vực đang đứng, tuy nhiên, giờ phải đi bộ thoai thoải theo con dốc xuống khoảng 30 – 40 m mới có thể đến mép nước. Nước sông rút khiến những mỏm đá nằm trơ trọi, đất đai khô cằn. Ông Bùi Văn Sỉn, xóm Ong cho biết: "Nước sông xuống thấp kéo theo rất nhiều hệ lụy như nguồn lợi thủy sản tự nhiên ít hơn, các giống cá thường đánh bắt để làm thức ăn chăn nuôi rất hiếm. Hiện nay, gia đình tôi phải đẩy những lồng cá ra xa bờ tìm vị trí phù hợp, an toàn để tránh tình huống nước từ thượng nguồn đổ về khiến dòng nước thay đổi đột ngột dẫn đến tình trạng cá chết do bị sặc nước. Quá trình di chuyển hệ thống lồng cá cũng gặp nhiều khó khăn và mất thời gian. Ngoài ra, sau khi di chuyển đến khu vực khác, cá cũng cần có thời gian để thích nghi với môi trường mới”.
Bên cạnh việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế, nước sông Đà xuống thấp cũng trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của bà con. Hầu hết các nhà bè sinh sống tại khu vực ven sông chủ yếu là bè tạm. Khi nước sông cạn đồng nghĩa với việc nhà bè bị đẩy ra xa, không được che chắn bởi những vách núi, xảy ra mưa to, gió lớn sẽ làm hư hỏng nhà bè, tiềm ẩn nguy cơ đổ sập, đe dọa đến tính mạng người dân.
Đồng chí Bùi Văn Thích, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Hoa cho biết: "Thực trạng nước sông Đà xuống thấp trong thời gian qua đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình phát triển kinh tế, đảo lộn cuộc sống người dân. Nhờ thực hiện hiệu quả một số giải pháp, đến nay, toàn xã chưa để xảy ra tình trạng cá chết do sặc nước. Trong thời gian tới, xã sẽ chỉ đạo các hội, đoàn thể tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân khắc phục khó khăn, di chuyển các lồng cá đến vị trí thích hợp, an toàn, tránh thiệt hại về tài sản. Thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến thời tiết. Mong muốn cấp trên quan tâm, kịp thời có giải pháp hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn. Qua đó ổn định cuộc sống, cải thiện thu nhập, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương”.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/139184/mua-can-o-xa-suoi-hoa.htm