Mưa đá, lốc sét gây thiệt hại 461 tỷ đồng

* Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục hạn hán, nhiễm mặnNgày 24-4, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) đã có báo cáo nhanh về thiệt hại từ bảy đợt mưa dông, lốc sét và mưa đá từ đầu năm 2020 đến nay.

Sông Krông Pắk đoạn qua huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cạn kiệt nguồn nước. Ảnh: NGUYỄN CÔNG LÝ

Sông Krông Pắk đoạn qua huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cạn kiệt nguồn nước. Ảnh: NGUYỄN CÔNG LÝ

Theo đó, trên cả nước có chín người chết, 37.630 nhà hư hỏng, 21.635 ha lúa đổ, ngã; 7.455 ha hoa màu dập nát, hỏng. Tổng thiệt hại 461 tỷ đồng. Riêng từ ngày 22 đến 24-4 đã có năm người chết; 6.403 nhà hư hỏng; 321 ha lúa bị đổ, ngã; 1.470 ha hoa màu dập nát, hỏng. Thiệt hại 71,5 tỷ đồng.

Trận mưa đá, gió lốc xảy ra vào đêm 23 rạng sáng 24-4 tại xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu làm hai người chết, một người mất tích, một người bị thương và thiệt hại lớn về nhà cửa, tài sản của người dân. Hai người chết là Hảng Thị Mái, trú bản Sin Chải và Phàn Thị Vy, trú bản Lùng Than; một người mất tích là Ma A Sinh, trú bản Sin Chải; một người bị thương là Giàng Thị Dấu, trú bản Lảng Than.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do chịu ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp vùng hội tụ gió lên đến 5.000 m cho nên ngày 24 và 25-4, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông; khu vực đồng bằng và đông bắc Bắc Bộ, các tỉnh Trung Bộ đêm và sáng có mưa, mưa rào và rải rác có dông, riêng các tỉnh Trung Trung Bộ cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT vừa yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT các tỉnh khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ cần khẩn trương thực hiện Công văn số 120 ngày 22-4-2020 về việc chủ động ứng phó mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời đến người dân và cộng đồng để chủ động các biện pháp ứng phó mưa lớn kèm theo dông, lốc, sét, mưa đá, lũ, lũ quét, sạt lở đất và gió mạnh trên biển; tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai. Các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần tận dụng tối đa nguồn nước ngọt từ đợt mưa vừa qua để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Theo thông tin từ Ðài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Lào Cai, hiện không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống địa phương này, mưa dông trên diện rộng vẫn tiếp diễn, rải rác mưa vừa đến mưa to dẫn tới nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá ở vùng núi. Nhiều nơi có mưa vừa đến mưa to như: Xã Nàn Sán (Si Ma Cai) 47 mm, xã Mường Hum (Bát Xát) 47,2 mm... Mưa khiến các sông suối trên địa bàn tỉnh đồng loạt xuất hiện đợt lũ sớm.

Tại Hà Giang, từ ngày 22 đến 24-4, mưa to kèm theo gió lốc đã gây thiệt hại về người và tài sản ở nhiều nơi, làm một người chết, một người bị thương; hơn 2.000 nhà dân và 32 công trình phúc lợi xã hội bị hư hỏng; hơn 1.500 ha ngô, lúa và các loại cây trồng khác bị thiệt hại; gần 2.100 con gia súc, gia cầm bị chết. Ngày 24-4, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Hà Giang đến các huyện bị thiệt hại nặng là Xín Mần, Bắc Mê chỉ đạo khắc phục hậu quả.

Ðến thời điểm này, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã gặt được 3.000 trong số 6.800 ha lúa đông xuân với các giống lúa chất lượng cao như HT1, Thiên ưu 8, Ðài Thơm... Vụ lúa này được mùa, năng suất trung bình của huyện đạt 63 tạ/ha.

Vụ dưa đông xuân năm nay, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) trồng hơn 800 ha dưa hấu trên vùng gò đồi tại thị trấn Nông trường Việt Trung, các xã Tây Trạch, Hòa Trạch, Lý Trạch, Nam Trạch, Phú Ðịnh... Một số địa phương khác cũng chuyển đổi các diện tích đất kém hiệu quả sang trồng dưa. Hiện dưa đang thu hoạch và được mua hết, nhiều chủ ruộng dưa lãi gần 100 triệu đồng/ha.

Do nắng nóng kéo dài cho nên đến thời điểm hiện nay, tỉnh Ðắk Lắk có 98 hồ, đập chứa nước cạn trơ đáy, một số hồ lớn còn dưới 30% lượng nước như: Hồ Ea Súp thượng, huyện Ea Súp 13%; Hồ Buôn Triết, huyện Lắk 22%; hồ Buôn Hằng 1B, huyện Krông Pắk 22%. Nhiều đập dâng, trạm bơm không bảo đảm năng lực thiết kế do lượng dòng chảy các sông, suối giảm mạnh, trong đó hai sông lớn Krông Năng và Krông Pắk đã khô cạn nhiều tháng nay. Khô hạn kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Tính đến 24-4, toàn tỉnh có 10.471 ha cây trồng bị hạn, trong đó có 3.869 ha lúa, 2.011 ha cây hoa màu, 4.591 ha cây lâu năm.

Tại thị xã An Khê (Gia Lai) có 77,06 ha cây trồng vụ đông xuân bị ảnh hưởng do nắng hạn, ước thiệt hại hơn 798 triệu đồng. Thị xã An Khê hiện có 165 công trình thủy lợi phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp nhưng nắng hạn kéo dài đã khiến các hồ nhỏ gần như cạn nước, không bảo đảm lượng nước tưới cho cây trồng.

Nhiều đợt nắng nóng ở Tiền Phong, xã Thuận An, huyện Ðắk Mil (Ðắk Nông) làm khu ruộng lúa nước rộng gần 37 ha sắp chết cháy. Ngay trước khi bước vào vụ sản xuất, do lượng nước ở hồ thủy lợi Núi Lửa chỉ đạt hơn 40% dung tích thiết kế, không thể đủ tưới, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân không gieo cấy lúa đông xuân nhưng hầu hết người dân phớt lờ khuyến cáo.

T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ khẩn cấp các tỉnh bị ảnh hưởng mưa đá, dông lốc

T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vừa quyết định hỗ trợ khẩn cấp bước đầu tiền và hàng trị giá hơn 270 triệu đồng giúp người dân bị ảnh hưởng bởi mưa đá kèm dông lốc tại các tỉnh Điện Biên, Lào Cai và Lai Châu. Cụ thể hỗ trợ tỉnh Lào Cai 30 triệu đồng, 50 thùng hàng gia đình, 50 bộ dụng cụ sửa nhà; tỉnh Lai Châu 50 thùng hàng gia đình, 50 bộ dụng cụ sửa nhà; tỉnh Điện Biên 50 triệu đồng.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44228702-mua-da-loc-set-gay-thiet-hai-461-ty-dong.html