Mùa dịch, trân quý biết bao những điều bình dị

Đại dịch COVID-19 lan rộng và kéo dài làm thay đổi nhiều mặt của đời sống xã hội. Biết bao điều vốn trước dịch quá đỗi bình thường, nhưng nay trở nên khó khăn, thậm chí không thể thực hiện, khiến nhiều người phải suy nghĩ lại và nhận ra giá trị từ những điều bình dị ấy. Từ đó thêm yêu quý, trân trọng và ước mong một cuộc sống bình yên, an toàn biết bao nhiêu.

Những món quà cộng thêm bó hoa tươi được Hội Chữ thập đỏ gửi tặng các y bác sĩ làm nhiệm vụ tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh là nguồn động viên tinh thần "xa xỉ' với họ.

Những món quà cộng thêm bó hoa tươi được Hội Chữ thập đỏ gửi tặng các y bác sĩ làm nhiệm vụ tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh là nguồn động viên tinh thần "xa xỉ' với họ.

Anh Trần Văn Tuyên, phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) là lái xe đường dài. Công việc của anh thường xuyên xa nhà và rất bận rộn. Chạy xe tuyến Bắc-Nam nên luôn "cơm hàng, cháo chợ", lịch trình đi và về liên tục nên thời gian ở nhà là không đáng kể. Mọi công việc, đối nội đối ngoại trong gia đình, anh giao hết cho vợ, kể cả việc dạy dỗ, chăm sóc con cái, thành ra các con chẳng mấy quan tâm khi bố có về nhà hay không.

Những ngày nghỉ tránh dịch, anh Tuyên nhận ra một điều, nếu cứ mãi thế này, sẽ trở thành lạc lõng trong gia đình và khó nhận được sự quan tâm, tình cảm yêu thương của các con. Từ đó, anh chủ động gần gũi, cùng các con học hành, vui chơi, cùng vợ làm các công việc nhà, chia sẻ với nhau những câu chuyện về ông bà nội ngoại, họ hàng, làng xóm xung quanh... dần hình thành cuộc sống gia đình đầm ấm, yên vui, khiến các con rất vui và quý bố.

Thú vui đến phòng tập thể thao mỗi buổi sáng của chị Trần Thị Thanh Nga, phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) cũng bị gián đoạn nhiều lần và lần này thì kéo dài đến vài tháng nay. Không có được không khí vui vẻ, động viên nhau cùng rèn luyện sức khỏe, việc tự tập luyện ở nhà của chị cũng chỉ được bữa đực, bữa cái rồi đứt đoạn.

Chị Nga bảo, có những chuyện trước đây tưởng rất bình thường, như là điều đương nhiên trong cuộc sống, nhưng giờ đây, do dịch bệnh lại trở nên khó khăn, không dễ thực hiện được. Đơn giản như việc chị em tập trung cùng nhau tập thể dục, tổ chức bữa ăn liên hoan mấy gia đình, đi với nhau mua bộ quần áo mới... do từng thời điểm dịch bệnh có thể bị cấm, hoặc không thì ai cũng cảm thấy ngại ngần, không thoải mái.

Ở các làng quê, vốn bình yên, nhịp sống chậm, tình làng nghĩa xóm luôn bền chặt, thân thiết. Nhà nhà chạy sang nhau xin tí rau thơm, củ hành; người người qua hàng rào, lùm cây, nói với sang với nhau dăm ba câu chuyện phiếm... Nhưng những ngày COVID-19 về, người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, đường làng vắng bóng, gây nên cảnh buồn bã, hiu hắt.

Bà Nguyễn Thị Thảo, thôn Mỹ Hóa, xã Kim Mỹ (huyện Kim Sơn) bảo, bà bần thần cả người trong những ngày thôn thực hiện phong tỏa do dịch bệnh COVID-19. Một cuộc sống chỉ có thể ở tại nhà chưa bao giờ xảy ra, khiến tất cả các thành viên trong gia đình đều chán chường, mệt mỏi. Những công việc thường ngày của nhà nông, như ra đồng xem cây trồng phát triển như thế nào; đến bữa chạy ù ra đầu xóm mua miếng đậu, quả trứng cũng không thể thực hiện được...

Niềm vui sinh hoạt tâm linh trực tiếp của người Công giáo cũng không được tổ chức. Nhớ vô cùng những hồi chuông vang vọng trong những buổi dự thánh lễ ở nhà thờ, giờ chỉ có thể dự qua màn hình trực tuyến...

Đối với những cô cậu học trò hay các em học sinh tiểu học khi đến trường, trước đây là bao trò vui chơi, đùa nghịch, chạy nhảy, nói chuyện gần gũi với nhau. Thế mà giờ đây, nếu không phải học trực tuyến, thì đến trường cũng khẩu trang kín mít, ngồi khoảng cách và nhìn nhau qua ánh mắt. Những giờ học, cả cô và trò có rất ít sự sôi nổi, hào hứng, bởi những khuôn mặt đeo khẩu trang, không thể bày tỏ hết được niềm vui, sự hứng khởi trong mỗi bài học. Cô và trò hết giờ là nhanh chóng ra về, tránh tập trung đông người...

Đối với nhiều người, những thói quen thường ngày dường như trở nên "xa lạ" trong mùa dịch. Đó chỉ là đơn giản như được miệng "mộc" nói cười, trò chuyện với nhau; không có cảm giác ngại ngần khi ta chưa đeo khẩu trang mà gặp người lạ; để thích là "nhích" a lô nhau đến các quán ăn, khu vui chơi, nghỉ dưỡng, cuối tuần cùng nhau "tám" chuyện trên trời dưới đất...

Yêu thương và chia sẻ với những gia đình có người thân làm nhiệm vụ chống dịch, hàng tháng trời, nhà ở rất gần, mà cha mẹ, bố con, vợ chồng... không thể gặp mặt trực tiếp. Nhiều người thèm da diết một bữa cơm với gia đình, được sum họp đủ các thành viên, mà sao quá khó. Lại có những người, khi cha mẹ ốm đau không thể chăm sóc, người thân ra đi không thể về chịu tang...

Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa biết đến khi nào kết thúc. Cuộc sống của những người dân vùng dịch không chỉ gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, mà còn nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng. Ở nơi tạm bình yên này, khi Ninh Bình đang cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, mỗi người dân hãy trân quý những gì đang có, bởi ta vẫn có thể được sinh hoạt, học tập, công tác trong điều kiện cho phép.

Do vậy, mỗi người cần và nên chấp hành nghiêm các khuyến cáo về phòng, chống dịch; hạn chế ra ngoài khi không có việc thật cần thiết; bớt đi những thú vui, sở thích cá nhân... Tất cả cùng chung tay, góp sức đẩy lùi dịch bệnh, nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại bình thường, để những điều bình dị, nhỏ bé như trước đây không trở nên khó khăn và xa xỉ.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/mua-dich-tran-quy-biet-bao-nhung-dieu-binh-di/d2021091116082264.htm