Mùa đông lạnh nên tắm lúc nào và trong bao lâu để tránh đột quỵ tim?
Nguy cơ đột quỵ tim (nhồi máu cơ tim cấp) xảy ra trong phòng tắm cao hơn bất kỳ nơi nào khác, đặc biệt là trong mùa đông lạnh. Việc tắm đúng cách sẽ có lợi cho sức khỏe trái tim, giảm thiểu rủi ro đột quỵ tim.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội đưa ra 6 lưu ý khi tắm để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ tim (nhồi máu cơ tim cấp) trong mùa đông, lạnh.
1. Không nên tắm hàng ngày
Nhiều người không bỏ được thói quen tắm mỗi ngày, ngay cả vào mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp.
Việc tắm quá thường xuyên sẽ gây tổn thương lớp biểu bì của da, làm cho sức đề kháng da yếu đi, tạo điều kiện cho vi khuẩn và chất gây dị ứng xâm nhập, gây ra tình trạng nhiễm trùng da.
Ngoài ra, tắm nhiều trong mùa đông còn khiến cơ thể dễ bị nhiễm lạnh, mạch máu co lại cản trở quá trình lưu thông máu, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Các chuyên gia khuyến cáo vào mùa đông, 2-3 ngày mới cần tắm một lần. Tuy nhiên, con số này có thể khác nhau ở từng người. Với người da khô, 4-5 ngày tắm một lần là đủ. Những người lớn tuổi tắm thưa hơn, 1 tuần/lần.
2. Không nên tắm nước quá nóng
Dù biết tắm nước lạnh mùa đông là một điều cấm kỵ nhưng vẫn có nhiều người chọn nước lạnh để tắm vào ngày giá lạnh.
Mùa đông nhiệt độ xuống thấp, nếu tắm nước lạnh sẽ tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa cơ thể và môi trường, gây tụt huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ dẫn đến tử vong.
Ngược lại, nhiều người lại cảm thấy thực sự thư giãn khi tắm nước nóng, dù là mùa đông hay mùa hè. Họ cho rằng nước thật nóng sẽ giúp cơ thể thư thái tuyệt đối và ngủ ngon hơn.
Thực ra, nước quá nóng sẽ kích thích hệ thần kinh và gây giãn mạch dẫn đến tụt huyết áp – yếu tố nguy hiểm có thể dẫn tới đột quỵ tim.
Không chỉ vậy, tất cả các mạch máu trên da đều phải giãn nở hết cỡ, gây thiếu oxy cung cấp đến tim. Hệ quả là bạn cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, thậm chí ngất xỉu.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, nhiệt độ lý tưởng của nước khi tắm dao động từ 24-30 độ C.
Nếu bạn tắm bồn, hãy sử dụng nhiệt kế để đảm bảo mình không tắm nước quá nóng.
Trường hợp không có nhiệt kế, bạn có thể kiểm tra độ nóng của nước bằng cổ tay (chứ không phải bàn tay). Nước có độ ấm vừa phải, không quá nóng hay quá lạnh là được.
3. Tắm vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, mùa lạnh, tốt nhất nên tắm trong khoảng thời gian 9h30-10h30 và 13h-16h.
Đây là thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày, khi tắm sẽ giúp cơ thể thích ứng nhanh chóng, giảm nguy cơ hạ thân nhiệt đột ngột gây tụt huyết áp, đột quỵ tim.
Vào lúc sáng sớm và đặc biệt là ban đêm, nhiệt độ xuống thấp nhất, khiến các mạch máu trong cơ thể co lại, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu và tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu dẫn tới nhồi máu cơ tim. Do đó, cần tuyệt đối tránh tắm vào hai thời điểm này.
Bên cạnh đó, không nên tắm ngay sau khi ăn vì lúc này, các mạch máu vừa phải dồn xuống dạ dày để tiêu hóa thức ăn, vừa hoạt động hết công suất để gồng mình chống chọi với nhiệt độ lạnh. Khả năng đột quỵ tim lúc này rất cao.
Cũng không nên tắm lúc đói vì sẽ khiến lượng đường trong máu giảm, gây choáng váng, chóng mặt và ngất xỉu. Chỉ nên tắm trước khi ăn khoảng 1 giờ hoặc sau khi ăn 2 giờ để an toàn cho sức khỏe tim mạch.
Ngoài ra, không nên tắm ngay sau khi uống rượu vì thức uống có cồn sẽ gây tăng huyết áp, khiến cơ thể dễ bị cảm lạnh và tăng nguy cơ vỡ mạch máu.
Thực tế, đã có không ít người bị đột quỵ tim vì tắm sau khi uống rượu dẫn đến huyết áp tăng cao, nguy hiểm đến tính mạng.
4. Tắm nhanh trong vòng 5-10 phút
Thời tiết lạnh khiến chúng ta chỉ có thể tắm 2-3 ngày/lần. Do vậy, nhiều người cho rằng cần tắm lâu vì nếu tắm quá nhanh, cơ thể không sạch và da không được cung cấp đủ độ ẩm.
Sai lầm này dễ làm cơ thể mất nước, thiếu oxy, mệt mỏi; khiến tim thiếu máu, thiếu oxy và co mạch, gây ra cơn đau thắt ngực, thậm chí đột tử do lượng máu cung cấp cho tim và não ít đi.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, chỉ nên tắm từ 5-10 phút vào mùa lạnh. Thời gian này đủ để tẩy sạch lớp tế bào chết trên da, đồng thời không ảnh hưởng đến tuần hoàn máu, nhờ đó ngăn ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim.
5. Làm ướt cơ thể đúng cách
Nếu bạn tắm dưới vòi hoa sen và để đầu tiếp xúc với nước đầu tiên, lưu lượng máu lên não sẽ được đẩy nhanh hết mức để bù đắp cho sự chênh lệch nhiệt độ đột ngột.
Điều này làm tăng nguy cơ rách các mao mạch, động mạch cung cấp máu cho các cơ quan khác, trong đó có tim, gây nhồi máu cơ tim cấp. (3)
Cách tắm đúng là bắt đầu bằng việc làm ướt bàn chân trước, sau đó đến toàn bộ chi dưới, lên dần đến vai và cuối cùng mới là đầu.
Sau khi hoàn tất các bước này, bạn mới tiến hành tắm như bình thường. Việc làm ướt cơ thể đúng cách đặc biệt được khuyến nghị cho những người bị tăng huyết áp, có mức cholesterol cao hoặc bị chứng đau nửa đầu.
Trường hợp bạn đang tắm mà đột nhiên bị hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, tim đập nhanh…, hãy ngừng tắm, làm ấm cơ thể, mặc quần áo đủ ấm và lập tức ra khỏi phòng tắm nằm nghỉ ngơi, uống chút nước ấm hoặc nước trà đường.
6. Giữ ấm cơ thể sau khi tắm
Để đảm bảo cơ thể không bị nhiễm lạnh trong và sau khi tắm, bạn cần tắm ở phòng kín gió, sau đó lau khô người, mặc đủ ấm trước khi ra khỏi phòng tắm.
Việc làm này nhằm hạn chế sự chênh lệch nhiệt độ, đảm bảo cơ thể được giữ ấm tốt, tránh đột quỵ tim. Nếu cơn lạnh vẫn chưa được xua tan hết, hãy uống một tách trà gừng nóng.
Cuối cùng, bạn nên thoa kem dưỡng để bổ sung độ ẩm, phòng tránh tình trạng da khô ráp vào mùa đông.
Một số lưu ý cần nhớ khi tắm vào mùa đông
Uống nước trước và sau khi tắm
Trong lúc tắm, cơ thể đổ mồ hôi nên sẽ làm lượng nước trong cơ thể sụt giảm, máu cũng giảm theo để bù đắp lượng nước.
Tình trạng này khiến các mạch máu co lại, làm tăng huyết áp. Do đó, uống một ly nước trước và sau khi tắm sẽ giúp cân bằng lượng nước, đảm bảo huyết áp ổn định.
Sấy tóc ngay sau khi tắm xong
Bên cạnh việc lau khô người, sấy khô tóc cũng là điều cần thiết để tránh nhiễm lạnh. Chọn sữa tắm có hàm lượng dưỡng ẩm cao, tránh các loại sữa tắm/xà phòng có độ cồn cao vì dễ làm khô da.
Dùng khăn mềm lau khô người sau khi tắm, không sử dụng các loại máy sấy để tránh sự chênh lệch nhiệt độ đột ngột.
Báo với người thân nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ đột quỵ cao
Trước khi đi tắm, những người có tiền sử đột quỵ tim, mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp… cần báo cho người thân để họ tính toán thời gian bạn ở trong phòng tắm và đề phòng bất trắc có thể xảy ra.
Tắm đúng cách là một trong những việc cần thiết để phòng ngừa đột quỵ tim mùa lạnh. Không tắm mỗi ngày, không tắm nước lạnh hay nước quá nóng, làm ướt từ chân lên đến đầu, sấy tóc ngay sau khi gội, không tắm khuya… là những lưu ý quan trọng cho việc tắm đúng cách trong mùa đông.