Mùa đông này, vùng Lìa ấm áp hơn bởi những yêu thương!

Những tấm áo, đôi dép, vở tập hay nhu yếu phẩm của nhà hảo tâm và hơn cả là sự quan tâm, chia sẻ của các thầy cô giáo, người lính Biên phòng chính là điểm tựa để các em học sinh vùng Lìa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) vượt qua khó khăn cuộc sống thường ngày, tiếp thêm động lực chinh phục giấc mơ con chữ.

Gặp ở biên giới

Tháng 10, nhiều nơi vẫn còn nắng nóng, thế nhưng, ở vùng Lìa (là tên gọi vùng đất nằm về phía Tây Nam tỉnh Quảng Trị, thuộc huyện Hướng Hóa, bao gồm các xã Thanh, Thuận, Hướng Lộc, A Xing, A Túc, Xy, A Dơi và Ba Tầng) đã bước vào đầu mùa đông với những cơn gió lạnh thổi ràn rạt từ sông biên giới Sê Pôn. “Vùng Lìa”, cái tên thôi nghe đã thấy thương, cảm giác xa xôi, heo hút và có cái gì đó như ngoài cuộc. Đây là nơi sinh sống lâu đời của cộng đồng người Vân Kiều, Pa Cô. Xuất phát điểm thấp bởi vậy mà cuộc sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Đó là trăn trở của chính quyền địa phương, người lính Biên phòng và cả những thầy cô giáo có nhiều năm gắn với vùng Lìa.

Trung tá Ngô Trường Khôi giúp các em học sinh thử áo ấm mới.

Trung tá Ngô Trường Khôi giúp các em học sinh thử áo ấm mới.

Gần 30 năm làm nghề gieo chữ của thầy Nguyễn Mai Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học-Trung học cơ sở A Xing (xã Lìa, huyện Hướng Hóa) cũng là ngần ấy thời gian gắn bó với học sinh Pa Cô, Vân Kiều ở các xã biên giới Thanh, A Xing và Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa). Thầy Nguyễn Mai Trọng, một cái tên vô cùng đáng kính đối với nhiều thế hệ học trò của huyện vùng cao Hướng Hóa. Thầy Trọng đến với bà con Vân Kiều, Pa Cô từ cái thời còn phải đi bộ dọc theo sông tới con đường chỉ đi được vào mùa khô và nay đã được trải nhựa. Thầy Trọng không nhớ hết được mình đã dạy bao nhiêu học trò, chỉ biết rằng, ngày xưa dạy chữ cho cha mẹ nay lại dạy con. Những câu chuyện “tận tâm với biên giới” của thầy Nguyễn Mai Trọng nhiều lắm.

Trong câu chuyện của thầy Nguyễn Mai Trọng luôn nhắc đến sự đồng hành của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, đặc biệt là Trung tá Ngô Trường Khôi, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh. Gắn bó với vùng Lìa từ năm 2020, Trung tá Ngô Trường Khôi luôn dành sự tâm huyết cho sự nghiệp bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền, an ninh biên giới. Thời gian công tác ở vùng Lìa là những tháng ngày đong đầy thêm tình yêu với biên giới, với đồng bào Vân Kiều, Pa Cô nơi đây bởi cũng như bất cứ người lính Biên phòng nào khác, đối với anh “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Những việc làm của người lính luôn hướng đến bà con, với mong muốn bà con sẽ có cuộc sống ổn định và phát triển.

Niềm vui của học sinh Trường Tiểu học-Trung học cơ sở A Xing khi nhận áo ấm.

Niềm vui của học sinh Trường Tiểu học-Trung học cơ sở A Xing khi nhận áo ấm.

Người dân vẫn nhắc đến Đồn trưởng Khôi - người khởi xướng dự án 1 triệu cây xanh trồng dọc bờ sông biên giới Sê Pôn để người dân vừa có thu nhập lại chống được sạt lở mỗi khi mưa lũ về. Đặc biệt, anh luôn dành sự ưu ái, quan tâm tới lớp trẻ - những công dân biên giới, người làm chủ biên giới. Điều đó được thể hiện qua việc tích cực kết nối khi đã vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm tặng bàn ghế, quần áo, nhu yếu phẩm, công trình ánh sáng vùng biên, bữa ăn cho học sinh trên địa bàn, trị giá cả tỷ đồng. Những việc làm “Tất cả vì học sinh thân yêu” giúp gắn kết giữa hai người đứng đầu của hai đơn vị để sẵn sàng chung tay dành những điều tốt đẹp nhất cho các em học sinh.

Thơm thảo những tấm lòng

Tấm lòng của người thầy giáo miền xuôi Nguyễn Mai Trọng với học sinh nơi biên giới không chỉ là truyền giảng kiến thức mà còn là trăn trở trước những khó khăn của học sinh. Thương học trò nghèo, thầy Nguyễn Mai Trọng đã vận động, kêu gọi sự chung tay của các tổ chức, nhà hảo tâm chung tay, ủng hộ vật chất cho học sinh, trị giá hàng trăm triệu đồng.

Mới đây nhất, ngày 1-10, thầy Nguyễn Mai Trọng đã kết nối với chị Nguyễn Thị Hương (trú tại Bình Dương) để trao 1.000 chiếc áo ấm, 1.000 đôi dép, 5.000 cuốn vở, 10 xe đạp để tặng cho học sinh Trường Tiểu học-Trung học cơ sở A Xing và gần 5 triệu đồng để cắt kính cho những học sinh bị tật khúc xạ. Chị Nguyễn Thị Hương cũng gửi lại 50 triệu đồng tiền mặt để thông qua Đồn Biên phòng Thanh, nhà trường trao tặng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Chứng kiến và tiếp nhận việc làm thiện nguyện của chị Nguyễn Thị Hương, Trung tá Ngô Trường Khôi chia sẻ: “Sự chung tay của các nhà hảo tâm như chị Nguyễn Thị Hương thật trân quý. Đây là sự đồng hành, chia sẻ với người dân biên giới để vươn lên thoát nghèo. Chúng tôi rất cảm ơn tấm lòng của chị Nguyễn Thị Hương cũng như nhiều nhà hảo tâm khác bởi người dân có cuộc sống ấm no thì biên giới mới vững mạnh”.

 Nhờ có sự giúp đỡ của chị Nguyễn Thị Hương, nhiều người dân bị tật khúc xạ mắt ở vùng Lìa được khám và cắt kính.

Nhờ có sự giúp đỡ của chị Nguyễn Thị Hương, nhiều người dân bị tật khúc xạ mắt ở vùng Lìa được khám và cắt kính.

Đối với chị Nguyễn Thị Hương, đây không phải lần đầu làm thiện nguyện ở Quảng Trị. 4 năm trước, chị đã vượt mưa lũ, sạt lở để đến với bà con nhân dân xã Hướng Phùng sau đợt mưa lũ lịch sử. Ở đó, chị đã gặp thầy Nguyễn Mai Trọng (thời điểm này, thầy Nguyễn Mai Trọng là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng). Cảm kích tấm lòng của thầy Nguyễn Mai Trọng với học sinh đồng bào các dân tộc Pa Cô, Vân Kiều nơi biên giới, chị Hương tự nhủ sẽ quay lại vì qua những câu chuyện của thầy Trọng, chị biết rằng còn rất nhiều người vất vả, khó khăn cần được giúp đỡ. Lần này, chị cẩn thận đến tận nơi để tìm hiểu những học sinh của thầy Nguyễn Mai Trọng thật sự cần gì, số lượng bao nhiêu rồi sau đó mới kêu gọi bạn bè của mình cùng chung tay.

Là Phật tử, chị Nguyễn Thị Hương không bao giờ tính thiệt hơn, cho đi không mong nhận lại điều gì ngoài sự an yên cho tâm hồn. Theo chị Nguyễn Thị Hương, những phần quà này là của các nhà hảo tâm đóng góp, chị chỉ là người đến trao giúp mọi người. Chị và bạn bè ai cũng vui khi chứng kiến niềm hạnh phúc của những em học sinh khi nhận áo, dép và vở tập mới.

Chị Nguyễn Thị Hương bất ngờ khi được bà con tặng quà là nông sản do bà con tự trồng.

Chị Nguyễn Thị Hương bất ngờ khi được bà con tặng quà là nông sản do bà con tự trồng.

Ngày chia tay học sinh, bà con vùng Lìa, những mẹ già Pa Cô, Vân Kiều cứ nắm tay chị thật chặt, các em nhỏ nhìn chị với đôi mắt trong veo, nụ cười hồn nhiên nhưng hàm chứa đầy sự biết ơn. Nhiều người tự chuẩn bị những trái bưởi, mớ rau, củ măng, rồi có khi là đùm gạo chừng nửa ký để làm quà cho chị Hương mang về Bình Dương. Chao ơi! Xúc động và thương thật là thương. Sự cho đi và nhận lại một cách chân thành, không tính toán càng khiến con người dễ xích lại gần nhau hơn. Với những tấm lòng hảo tâm như chị Hương, mùa Đông này, người Pa Cô, Vân Kiều ở vùng Lìa ấm áp hơn bởi những yêu thương.

Bài, ảnh: THANH TRÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/mua-dong-nay-vung-lia-am-ap-hon-boi-nhung-yeu-thuong-797481