Mùa gặt lúa thuê

ĐBP - Thời điểm này, nông dân vùng lòng chảo Điện Biên đang tất bật bước vào thu hoạch lúa vụ chiêm xuân. Đây cũng là dịp mưu sinh của những người làm nghề gặt lúa thuê. Nón lá, khẩu trang, khoác trên người bộ quần áo lao động bạc màu cùng chiếc liềm sắc lẹm, bà Bùi Thị Mát, thôn Đồi Cao, xã Thanh An (huyện Điện Biên) bắt đầu một ngày 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời' từ mờ sáng. Bà Mát cho biết: 'Tôi đã có thâm niên hơn 20 năm gặt lúa thuê. Đến mùa vụ, tôi cùng một số người dân trong thôn lập nhóm gặt thuê để có thêm thu nhập. Mỗi ngày gặt thuê được trả công từ 150.000 - 200.000 đồng, cũng thêm một khoản để trang trải cuộc sống'.

Những người thợ gặt thuê gặt lúa trên cánh đồng xã Thanh An.

Những người gặt thuê thường đi theo từng nhóm, đội từ 5 - 10 người. Họ là anh em, họ hàng hoặc bạn bè cùng thôn, bản. Sau khi thỏa thuận tiền công với chủ ruộng, đội gặt thuê sẽ bắt tay gặt lúa. Chị Nguyễn Thị Phượng, thành viên một đội gặt thuê đến từ xã Thanh An chia sẻ: “Nhóm chúng tôi có 8 người. Chúng tôi phải dậy từ 5 giờ sáng chuẩn bị cơm nước và dụng cụ, tư trang để ra đồng gặt lúa. Để kịp tiến độ, nhóm chúng tôi thường nấu cơm mang đi, buổi trưa tranh thủ ăn tại ruộng rồi tiếp tục cắt lúa, vận chuyển vào máy tuốt, đóng bao. Công việc tuy vất vả nhưng bù lại có thêm một khoản tiền để lo cho sinh hoạt gia đình, và để dành đóng tiền học cho con cái năm học mới”.

Những năm gần đây, khi máy gặt đập liên hợp xuất hiện ngày càng nhiều trên các cánh đồng, những người gặt lúa thuê không còn nhiều việc để làm. Điều đó đồng nghĩa với việc thu nhập của họ giảm đáng kể khi vào vụ gặt. Tuy nhiên không phải khu ruộng nào cũng sử dụng được máy gặt, nhất là những chân ruộng sâu, hoặc lúa bị đổ do mưa gió. Khi ấy, chủ ruộng lại gọi những người gặt lúa thuê. Cơ giới hóa, sử dụng máy móc hiện đại giúp giải phóng sức lao động song cũng làm giảm đi một nguồn thu nhập đối với một số nông dân vốn không có việc gì làm thêm ngoài canh tác lúa.

Ôm những bó lúa cuối cùng chất lên bờ ruộng, ngồi nghỉ bên ven đường, ánh mắt mệt mỏi trên lớp khẩu trang bám đầy bụi rơm, chị Nguyễn Thị Thủy, xã Thanh Xương cho biết: “Tranh thủ ngày mùa, chúng tôi mới có công việc để kiếm thêm thu nhập, nếu may mắn thì mỗi ngày có thể kiếm được 250.000 - 300.000 đồng. Hôm nào không có người thuê gặt thì tôi đi hái ớt thuê với tiền công 100.000 - 150.000 đồng/ngày”.

Sau một ngày còng lưng nhọc nhằn, những nhóm thợ gặt chia nhau tiền công rồi trở về nhà khi mặt trời đã xuống núi. Công việc dẫu vất vả, nhưng những người gặt lúa thuê đều phấn khởi khi có thêm một khoản tiền để chi tiêu sinh hoạt, mua sắm thêm vật dụng trong gia đình hay mua cho con bộ quần áo mới. Rồi họ lại mong vụ gặt sau những cánh đồng lúa chín vàng bội thu để có thêm nguồn thu nhập.

Ngọc Diệp

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/187205/mua-gat-lua-thue