Mùa hè khắc nghiệt bất thường ở Trung Quốc

Trung Quốc đang phải đối mặt một mùa hè khắc nghiệt với các đợt nắng nóng và mưa lớn thay nhau tàn phá khắp đất nước.

Kể từ khi mùa hè đến, Trung Quốc - quốc gia đông dân nhất thế giới - đã phải vật lộn để ứng phó với một loạt trường hợp khẩn cấp do thời tiết khắc nghiệt.

Các thị trấn và đất nông nghiệp ngập trong nước lũ, nhà cửa và đường sá bị vùi lấp bởi sạt lở đất, trong khi mùa màng khô héo dưới cái nóng như thiêu đốt và nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ gục ngã vì say nắng.

Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ khiến hiện tượng thời tiết khắc nghiệt diễn ra thường xuyên hơn. Và quả thật hiện nay, giống như nhiều nơi khác trên thế giới, Trung Quốc đang quay cuồng với tác động của nó.

Nắng nóng ảnh hưởng hơn 900 triệu dân

Kể từ khi mùa mưa của nước này bắt đầu vào tháng 5, các trận mưa lớn đã gây lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng tại vùng đất rộng lớn ở miền Nam Trung Quốc, khiến hàng chục người thiệt mạng, hàng triệu người phải di tản, đồng thời gây thiệt hại kinh tế lên tới hàng tỷ nhân dân tệ.

Mới đây, vào tháng 6, lượng mưa cực lớn đã phá vỡ "kỷ lục lịch sử" ở ven biển tỉnh Phúc Kiến và một số tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây. Cùng lúc đó, một đợt nắng nóng bao trùm miền Bắc Trung Quốc, đẩy nhiệt độ lên ngưỡng hơn 40 độ C.

 Người dân ở trong hầm tránh nắng nóng mùa hè tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô ngày 12/7. Ảnh: Reuters.

Người dân ở trong hầm tránh nắng nóng mùa hè tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô ngày 12/7. Ảnh: Reuters.

Cho tới nay, đợt nắng nóng đã càn quét một nửa đất nước, ảnh hưởng đến hơn 900 triệu người - tức khoảng 64% dân số. Nhiều khu vực trừ hai tỉnh đông bắc Trung Quốc đã ban bố cảnh báo nhiệt độ cao, với 84 thành phố phát cảnh báo đỏ - mức cảnh báo cao nhất - vào ngày 13/7.

Trong những tuần gần đây, có tới 71 trạm khí tượng quốc gia trên khắp Trung Quốc đã ghi nhận nhiệt độ phá vỡ kỷ lục. Theo Trung tâm Khí hậu Quốc gia, 4 thành phố, bao gồm ba thành phố ở tỉnh Hà Bắc và một thành phố ở Vân Nam, đã chứng kiến nhiệt độ lên tới 44 độ C.

Cái nóng oi bức xảy ra đồng thời khi số ca mắc Covid-19 gia tăng trở lại khiến yêu cầu xét nghiệm hàng loạt của chính phủ trở nên khó khăn hơn với người dân.

Hàng dài người, trong đó có cả người già, đã phải chờ đợi dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Làn sóng nhiệt cũng khiến nhiệm vụ của nhân viên y tế trở nên nguy hiểm. Họ phải dành nhiều thời gian ngoài trời, trong bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân để lấy mẫu xét nghiệm và rất dễ bị say nắng.

Đợt nắng nóng cũng đã gây ra tình trạng thiếu điện ở một số vùng và ảnh hưởng đến sản lượng trồng trọt của Trung Quốc, đe dọa đẩy giá lương thực lên cao hơn nữa.

"Chúng tôi dự đoán rằng tháng 7-8 sẽ có nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan ở Trung Quốc, và tình trạng lũ lụt cùng hạn hán trong khu vực sẽ xảy ra nghiêm trọng hơn bình thường", theo Yao Wenguang, một quan chức Bộ Tài nguyên nước, giám sát công tác phòng chống lũ lụt và hạn hán.

 Người dân đi bộ trên phố ở Thượng Hải, Trung Quốc vào ngày 19/7. Ảnh: Reuters.

Người dân đi bộ trên phố ở Thượng Hải, Trung Quốc vào ngày 19/7. Ảnh: Reuters.

Tác động nghiêm trọng

Trung Quốc được xem là một "khu vực nhạy cảm”, bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, với nhiệt độ tăng nhanh hơn mức trung bình toàn cầu, theo Sách Xanh về biến đổi khí hậu của Trung Quốc.

Trong giai đoạn 1951- 2020, nhiệt độ bề mặt trung bình hàng năm của Trung Quốc đã tăng với tốc độ 0,26 độ C một thập kỷ. Mực nước biển xung quanh các đường bờ biển của Trung Quốc cũng tăng nhanh hơn mức trung bình toàn cầu từ năm 1980 đến năm 2020, theo báo cáo.

Johnny Chan, giáo sư danh dự về khoa học khí quyển tại Đại học Thành phố Hong Kong, cho biết khí hậu thay đổi có thể làm cho các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt mà Trung Quốc đã phải vật lộn trong nhiều thế kỷ, như lũ lụt vào mùa hè, diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

"Chúng ta thực sự cần phải lo lắng bởi hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này ảnh hưởng đến nhóm dân số thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất - những người ở nông thôn, không có điều hòa hoặc sống trong điều kiện quá đông đúc”, ông cho biết thêm.

Đối với Trung Quốc, quy mô dân số và nền kinh tế lớn đồng nghĩa quy mô thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra thường rất lớn.

Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới công bố năm 2021, các cơn bão nhiệt đới, lũ lụt và hạn hán ước tính gây thiệt hại cho Trung Quốc khoảng 238 tỷ USD - mức cao nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Con số này gần gấp 3 lần thiệt hại ước tính mà Ấn Độ hoặc Nhật Bản phải gánh chịu.

Theo nghiên cứu của Lancet được công bố vào năm 2020, tỷ lệ tử vong liên quan đến sóng nhiệt ở Trung Quốc đã tăng 4 lần từ năm 1990 đến năm 2019, đạt 26.800 trường hợp tử vong vào năm 2019 .

 Một phụ nữ trùm khăn và đeo khẩu trang trong một ngày nắng nóng ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Một phụ nữ trùm khăn và đeo khẩu trang trong một ngày nắng nóng ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Lời cảnh tỉnh

Thế nhưng, nhiều người Trung Quốc chỉ mới bắt đầu nhận ra biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến cá nhân họ.

Vào năm 2019, các nhà nghiên cứu phát hiện so với các quốc gia khác, mối quan tâm của công chúng ở Trung Quốc đối với sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu là "tương đối thấp".

Đối với nhiều người Trung Quốc, sự nguy hiểm của thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu chỉ thật sự ập đến vào mùa hè năm 2021, khi trận lũ lụt kinh hoàng khiến 380 người thiệt mạng ở thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam.

Vào tháng 7/2021, thành phố 12 triệu dân đã phải hứng chịu trận mưa như trút nước “nghìn năm có một", nhưng chính quyền địa phương không chuẩn bị kỹ và không để ý đến 5 cảnh báo đỏ được phát ra liên tiếp. Kết quả là không có bất cứ yêu cầu dừng các cuộc tụ tập và tạm ngưng các lớp học, doanh nghiệp nào.

Khi nước lũ tràn vào đường hầm của hệ thống tàu điện ngầm thành phố, hàng trăm hành khách bị mắc kẹt và 12 người thiệt mạng trong một thảm kịch chấn động cả nước.

Liu Junyan, trưởng dự án khí hậu và năng lượng của Tổ chức Hòa bình xanh Đông Á, cho biết lũ lụt ở Trịnh Châu là một lời cảnh tỉnh đối với chính phủ và người dân Trung Quốc.

“Chính quyền trung ương và các chính quyền địa phương bắt đầu nhận thức được rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa to lớn đối với xã hội và sự phát triển bền vững”, bà nói.

 Trẻ em lội qua dòng nước lũ ở Tân Hương, một thị trấn ở miền Trung Trung Quốc, vào năm 2021. Ảnh: Reuters.

Trẻ em lội qua dòng nước lũ ở Tân Hương, một thị trấn ở miền Trung Trung Quốc, vào năm 2021. Ảnh: Reuters.

Kể từ mùa hè năm 2021, nhiều thành phố của Trung Quốc đã cải thiện hệ thống ứng phó khẩn cấp với lượng mưa cực lớn. Vào tháng 5, chính quyền ở thủ phủ phía nam Quảng Châu đã khuyến cáo người dân làm việc tại nhà, đóng cửa công trường xây dựng và đình chỉ giao thông công cộng ở các khu vực của thành phố sau khi có cảnh báo về mưa xối xả.

Vào tháng 6 này, chính phủ Trung Quốc đã công bố văn bản chính sách mới nhằm cải thiện khả năng ứng phó biến đổi khí hậu.

"Biến đổi khí hậu đã mang lại những tác động tiêu cực, nghiêm trọng đến hệ thống sinh thái tự nhiên của Trung Quốc, và tiếp tục lan rộng, thâm nhập vào nền kinh tế - xã hội", Bắc Kinh cho biết.

Trong bối cảnh đó, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ đưa nước này trở thành một "xã hội thích ứng với khí hậu" vào năm 2035, bằng cách xây dựng hệ thống toàn quốc nhằm giám sát và đánh giá các rủi ro khí hậu, cũng như tăng cường khả năng cảnh báo sớm.

Bà Liu nhận định văn bản này là một hướng dẫn "rất lớn và đầy tham vọng" cho các chính quyền địa phương, nhưng thiếu chi tiết về việc hành động.

“Tác động của biến đổi khí hậu có thể rất cục bộ và mối đe dọa của nó đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương khác nhau”, bà nói. "Chính quyền địa phương vẫn cần phát triển các kế hoạch cụ thể và chi tiết hơn để thực hiện chiến lược lớn này".

Minh An

Theo CNN

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mua-he-khac-nghiet-bat-thuong-o-trung-quoc-post1337820.html