Mùa hoa Bông trăng

Chẳng biết tự bao giờ, loài hoa với cái tên rất đẹp - hoa Bông trăng, còn gọi là sử quân tử - biểu tượng của câu chuyện tình nổi tiếng nơi đất Mường, đã trở nên gần gũi, thân thuộc trong cuộc sống thường ngày của người miền xuôi. Hoa neo mình nơi ban công căn nhà phố. Sắc hoa hiện diện trước cổng nhà, nơi ngõ ngách thôn quê… như gợi nhắc chúng ta nhớ về đất Mường, về thiên tình sử nổi tiếng của xứ Thanh.

Hoa Bông trăng thu hút, hấp dẫn ánh nhìn bởi sắc hoa đan cài đặc biệt và hương thơm ngát

Bông trăng là cây thân leo với những cành non mềm. Không kiêu kì, đài các, cũng chẳng khó tính, thích yêu chiều như các loại cây hoa khác, thoạt nhìn cành lá mỏng manh nhưng cây Bông trăng ẩn chứa một sức sống mãnh liệt, xanh tốt quanh năm.

Cây Bông trăng đặc biệt quyến rũ, hấp dẫn mỗi độ hè sang, khi mùa hoa nở. Từ trong kẽ lá, hoa Bông trăng nở thành từng chùm khoe sắc rực rỡ, tỏa hương thơm ngát. Bên cạnh mùi hương, điểm thu hút nhất của loài hoa Bông trăng chính là sự đan xen hài hòa giữa hai màu trắng - đỏ. Hoa bung xòe năm cánh, tận hiến cho đời hương sắc khó phai.

Nhìn những cánh hoa Bông trăng mỏng manh, run rẩy trước gió với hai màu trắng - đỏ đan cài, ít ai biết được rằng, loài hoa ấy là biểu tượng thiêng liêng của tình yêu đôi lứa, gắn với thiên tình sử vừa chân thành, ngọt ngào, mà cũng không kém phần bi ai giữa nàng Ờm - chàng Bông Hương ở vùng Ký - Ống, Mường Ai, xứ Thanh.

Truyện “Nàng Ờm - Chàng Bông Hương” kể lại rằng: Xưa có chàng Bông Hương và nàng Ờm yêu thương nhau nhưng bị mẹ cha cấm cản. Nhưng cái bụng đã ưng nhau thì lấy gì cấm cản nổi. Hai người vẫn giấu cha, giấu mẹ hẹn hò với nhau trên núi Làn Ai.

Chẳng biết tự bao giờ, Bông trăng được ưa thích trồng làm cây cảnh nơi ban công, góc sân, trước cổng nhà...

Chuyện vỡ lở, nàng bị cha mẹ đánh, những giọt máu từ kẽ sàn chảy xuống. Chàng Bông Hương nấp dưới sàn tay hứng lấy từng giọt máu của nàng Ờm mà xót thương. Khi nàng Ờm bị cha mẹ ném ra ngoài cửa vóng, chàng Bông Hương lao tới, vội vã cõng nàng chạy ra khỏi nhà, chạy lên ngọn núi Làn Ai.

Vừa chạy chàng Bông Hương vừa lấy khăn lau máu cho nàng Ờm. Trên ngọn núi này, mặc cho chàng Bông Hương hết lòng khuyên ngăn, trong cơn tuyệt vọng, nàng Ờm đã ăn lá ngón tự kết liễu đời mình. Thương mình, thương người, luyến tiếc mối tình đẹp chưa nên duyên, nàng Ờm dặn dò người yêu: “Thương lắm anh ơi!/ Bây giờ anh thương em/ Thương lắm sẽ đắm con nốc/ Thương lắm sẽ chúc con thuyền/ Lỡ tình, thương duyên/ Đã nên lồ lộ”.

Thương xót người yêu, chàng Bông Hương theo nàng Ờm ăn lá ngón, nguyện được chết cùng đôi.

Tương truyền, nàng Ờm chết, máu nàng, thịt da nàng hóa thành đóa hoa bông trăng hai màu đỏ - trắng, tóc nàng biến thành lá muýnh (lá yêu) tháng ngày xanh mượt trên núi Làn Ai để muôn đời sau nhớ mãi: “Con chết chẳng biến nên chim/ Để cho con nhà người ta bắn […] Xống áo biến nên sợi mí, sợi móc/ Đầu tóc/ Biến nên dây lá muýnh/ Trên làn đá Mường Ai thăm thẳm/ Để ngàn đời trăm năm/ Chuyện tình của con, đời còn nhắc nhở/ Con chết quay mặt quay mày/ Về mường Khô, Ai, Ký, Ống/ Để xem con nhà người/ Chống nốc chèo bè trên sông/ Ngước nhìn xanh xanh cành lá muýnh”.

Câu chuyện tình cảm động ấy đã góp phần điểm tô cho sắc hoa Bông trăng thêm phần ý nghĩa. Nơi phố thị hay thôn quê, mải mê ngắm nhìn những chùm hoa Bông trăng treo mình trước gió, lòng người lại ngóng trông về vùng mường Khô, Ai, Ký, Ống, nơi ngọn núi Làn Ai đã mọc lên “cây chu đá lá chu đồng”.

Hơn tất thảy, sự hiện diện của loài hoa Bông trăng như chiếc cầu nối, dẫn lối chúng ta đắm say cùng sắc màu văn hóa đất Mường với điệu hát giao duyên, hát Xường và niềm vui khi được hát múa ăn mừng dưới cây Bông trong Lễ hội Pồn Pôông rộn rã, tưng bừng…

Hoàng Linh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-nghe/mua-hoa-bong-trang/19772.htm