Mùa lạnh, bệnh hô hấp 'tấn công' người cao tuổi

Thời tiết trở lạnh, người cao tuổi dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp. Những triệu chứng cấp tính có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời.

Không chủ quan với những triệu chứng cấp tính

Theo BS.CKII Ngô Thế Hoàng - Trưởng khoa Hô hấp, BV Thống Nhất TP.HCM, thời tiết trở lạnh như hiện nay, người dân, đặc biệt là người cao tuổi, người có các bệnh nền thường dễ bị nhiễm lạnh, giảm sức đề kháng, dẫn đến một số loại vi khuẩn thường trú ở đường hô hấp phát triển và gây bệnh. Các bệnh hô hấp thường gặp trong mùa lạnh như viêm phổi, viêm phế quản, tiểu phế quản… hoặc bệnh nhân tái phát cơn suyễn, hen do các yếu tố dị nguyên thường xuất hiện trong khi thời điểm này.

Bệnh đặc biệt nguy hiểm khi khởi phát các triệu chứng cấp, nhưng không được nhận biết và can thiệp kịp thời. Cụ thể, người bệnh bị khởi phát các cơn hen cấp, suyễn cấp, không xử trí cắt cơn kịp thời gây ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, người bệnh khó thở, thiếu oxy lên não và nuôi các cơ quan quan trọng của cơ thể.

Trước đó, các bác sĩ đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cơn hen cấp, tím tái, thở mệt. Bệnh nhân được sơ cấp cứu cắt cơn, điều trị nội trú và theo dõi các chức năng hô hấp. Cũng theo BS.CKII Ngô Thế Hoàng, thời điểm mùa lạnh hàng năm thường gia tăng lượng bệnh nhân nhập viện liên quan đến các bệnh hô hấp. Do lo lắng dịch bệnh COVID-19 nên nhiều bệnh nhân có tâm lý e ngại khi đến bệnh viện để khám và điều trị. Hiện nay, tại Khoa Hô hấp nhiều bệnh nhân chủ động xin được xuất viện điều trị ngoại trú. Tùy thuộc và tình trạng của từng người bệnh, bác sĩ đã có chỉ định và những khuyến nghị khi điều trị tại nhà. Hiện nội khoa còn điều trị cho khoảng 40-50 bệnh nhân nặng có chỉ định theo dõi thường xuyên.

BS Hoàng khuyến cáo: “Nhiều người bệnh có tâm lý lo lắng dịch bệnh COVID-19 nên e ngại đến bệnh viện trong thời điểm này, tuy nhiên người bệnh không nên lo lắng thái quá. Hiện nay BV Thống Nhất nói riêng và các bệnh viện nói chung đã và đang thực hiện rất tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong môi trường bệnh viện, như: đeo khẩu trang, khai báo y tế, sát khuẩn, đo thân nhiệt, phân luồng tiếp nhận và điều trị, cách ly lấy mẫu khi có những biểu hiện nghi ngờ bệnh, hạn chế thăm nuôi… Người bệnh có thể yên tâm đến khám và điều trị bệnh, đặc biệt là khi có các triệu chứng hô hấp cấp nên ngay lập tức nhập viện cấp cứu, không để tình trạng bệnh trở nặng hơn, nguy hiểm đến tính mạng. Đối với những người bệnh có chỉ định điều trị ngoại trú cần tuân thủ chỉ định sử dụng thuốc của y, bác sĩ, tái khám đúng lịch, tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại nhà”.

Tăng sức đề kháng để phòng bệnh

Bệnh hô hấp có thể dự phòng tốt bằng các biện pháp nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng, BS.CKII Nguyễn Thị Mỹ Linh - Trưởng Khoa Khám bệnh, BV Nhân dân Gia định nói: Trong thời tiết trở nên se lạnh, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển và gây bệnh. Khi mắc bệnh, sức đề kháng của người bệnh yếu hơn khả năng chống chọi với các bệnh khác cũng suy yếu, thời gian điều trị kéo dài, không chỉ mang lại gánh nặng về kinh tế mà giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, quan trọng nhất vẫn là các biện pháp phòng bệnh ngay từ đâu. Người dân nên biết giữ gìn sức khỏe, giữ ấm cơ thể để cơ thể không bị nhiễm lạnh, không mắc các bệnh về hô hấp.

Người bệnh đang được khám, điều trị liên quan đến các bệnh hô hấp mùa lạnh tại BV Thống Nhất TP.HCM

Người bệnh đang được khám, điều trị liên quan đến các bệnh hô hấp mùa lạnh tại BV Thống Nhất TP.HCM

Bên cạnh đó là chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng, ăn đủ và đa dạng các nhóm thực phẩm đạm, tinh bột, rau củ, trái cây, vitamin và khoáng chất. Chế độ tập luyện vận động phù hợp, lưu ý người dân không nên vận động vào thời điểm sáng sớm lạnh, hoặc thời điểm có mưa hoặc cơn mưa vừa dứt. Thời gian ngủ nghỉ hợp lý, tránh các chất kích thích như cà phê, thuốc lá. Đặc biệt, trong thời tiết lạnh, người dân thường ít khát và quên uống nước khiến cơ thể không được cung cấp đủ nước dẫn đến mệt mỏi, da khô, táo bón, ăn uống kém ngon, do vậy cần uống đủ nước mỗi ngày, nên hạn chế uống vào ban đêm để không bị ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Người dân nên biết giữ gìn sức khỏe, giữ ấm cơ thể để cơ thể không bị nhiễm lạnh, không mắc các bệnh về hô hấp

Người dân nên biết giữ gìn sức khỏe, giữ ấm cơ thể để cơ thể không bị nhiễm lạnh, không mắc các bệnh về hô hấp

Theo BS.CKII Ngô Thế Hoàng, thời điểm giao mùa hiện nay là mùa nhiều phấn hoa, hoặc người dân sử dụng nước hoa, nước xịt thơm, đây là những yếu tố dị nguyên thường gặp. Đối với những người bệnh có cơ địa dị ứng, có bệnh hen suyễn có thể gây khởi phát các triệu chứng cấp tính nguy hiểm. Do đó, khi ra bên ngoài môi trường, người dân nên chủ động đeo khẩu trang vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa chủ động phòng tránh các dị nguyên phấn hoa, mùi nước hoa, mùi nhang đèn, khói bụi… Ở môi trường sống, nên thường xuyên vệ sinh sạch sẽ tránh các mạt nhà, khói bụi, lông động vật gây khởi phát các cơn hen cấp tính. Ngoài ra, đối với những người bệnh phổi mãn tính nên chủ động phòng ngừa bằng chủng ngừa phế cầu, chủng ngừa cúm.

NGUYÊN NAM

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mua-lanh-benh-ho-hap-tan-cong-nguoi-cao-tuoi-n184530.html