Mưa lớn gây thiệt hại ở Điện Biên, Lai Châu

Tại tỉnh Điện Biên, mưa to từ ngày 1-8 đến nay khiến nhiều tuyến đường, xã, bản của các huyện Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Chà bị sạt lở và ngập nặng. Tại huyện Nậm Pồ, mưa to khiến tuyến đường Km45 và đường từ xã Chà Cang đi vào trung tâm huyện bị sạt lở, chia cắt.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm thi thể hai nạn nhân bị vùi lấp do sạt lở đất ở xã Tà Tổng, huyện Mường Tè (Lai Châu). Ảnh: TRẦN TUẤN

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm thi thể hai nạn nhân bị vùi lấp do sạt lở đất ở xã Tà Tổng, huyện Mường Tè (Lai Châu). Ảnh: TRẦN TUẤN

Ngoài ra, các xã Vàng Đán, Nà Bủng, Nậm Chua, Nậm Nhừ, Na Cô Sa, Nà Khoa bị cô lập. Đáng chú ý, ở Km16 + 900 tại tuyến đường tỉnh lộ từ Km 45 - xã Nà Hỳ xảy ra sạt lở nghiêm trọng, làm đứt hẳn 20m đường, giao thông không thể đi lại được. Trên tuyến tỉnh lộ Km 45 - Nà Hỳ (dài 32 km) còn có 11 vị trí khác bị sạt lở, với tổng khối lượng đất đá ước tính hơn 20 nghìn m3.

Tại huyện Mường Nhé, mưa lũ gây ngập nặng, sạt lở trên tuyến đường từ trung tâm huyện đi A Pa Chải khiến giao thông tắc nghẽn. Tại bản Nậm Là 2, xã Mường Nhé, mưa lũ đã cuốn trôi 16 xe máy (đã tìm được 14 chiếc); một nhà bị sạt. Trên tuyến quốc lộ 12, tại Km119 đoạn qua địa phận bản Huổi Toóng 2, xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà, mưa lớn khiến hàng chục khối bùn, đất từ ta-luy dương ở độ cao khoảng hơn 10 m chảy tràn xuống. Chính quyền các địa phương khẩn trương sơ tán đồ đạc giúp người dân tránh thiệt hại; Ban Quản lý Dự án các công trình giao thông trọng điểm tỉnh Điện Biên cũng đang huy động mọi lực lượng, phương tiện khắc phục các đoạn đường sạt lở.

* Đêm 1-8 và rạng sáng 2-8, trên địa bàn tỉnh Lai Châu xảy ra mưa lớn, gây sạt lở ở nhiều nơi. Đáng chú ý, đã có hai người dân ở xã Tà Tổng, huyện Mường Tè bị chết do đất đá sạt lở vùi lấp khi đang trên đường đi làm. Hơn 50 hộ dân thuộc hai huyện Mường Tè, Nậm Nhùn phải di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Mưa cũng làm thiệt hại một số diện tích cây nông nghiệp, làm hư hỏng một số công trình giao thông, làm tắc đường cục bộ trên toàn tuyến của huyện Mường Tè. Nhất là các tuyến đường đi các xã Tà Tổng, Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Pạ, Pa Ủ, Vàng San, Nậm Khao, với khối lượng đất, đá lên đến gần 10 nghìn m3.

Chính quyền huyện Mường Tè đã chỉ đạo lực lượng tại chỗ tìm kiếm các nạn nhân. Tuy nhiên, do trên địa bàn tiếp tục có mưa, cộng với khối lượng đất đá sạt lở lớn, giao thông bị chia cắt, việc tìm kiếm các nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn. Đến cuối giờ chiều 2-8, các lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy thi thể các nạn nhân.

Do mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về lớn cho nên sáng 2-8, Thủy điện Lai Châu đã phải mở hai cửa đáy để xả lũ. Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Đỗ Ngọc An cùng các ban, ngành liên quan đã có mặt tại thủy điện để chỉ đạo việc xả lũ và khắc phục hậu quả mưa lũ, thăm hỏi động viên gia đình bị nạn…

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ nối với vùng xoáy thấp phát triển từ mặt đất lên tới 5.000 m, khu vực Lai Châu và Điện Biên có mưa rất to, từ 19 giờ ngày 1-8 đến 7 giờ ngày 2-8 với lượng mưa phổ biến từ 70 đến 80 mm. Một số nơi có mưa lớn hơn như Tà Tổng (Lai Châu) 120 mm, Mường Chà (Điện Biên) 120 mm… Lưu lượng đến hồ Lai Châu đang tăng rất nhanh. Lúc 9 giờ ngày 2-8, lưu lượng đến hồ Lai Châu ở mức: 6.980 m3/giây. Thủy điện Lai Châu đã mở ba cửa van xả mặt.

* Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư cảnh báo, sạt lở đất và lũ quét trên các sông suối nhỏ có khả năng xảy ra tại các tỉnh ở vùng núi phía bắc. Nguy cơ đặc biệt cao ở các tỉnh: Lai Châu (huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ); Điện Biên (huyện Mường Lay, Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Mường Chà, Mường Ảng). Những tỉnh có nguy cơ cao: Sơn La (huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Yên Châu); Lào Cai (huyện Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn); Hà Giang (huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, Vị Xuyên); Bắc Cạn (huyện Pác Nặm, Ba Bể, Ngân Sơn, Bạch Thông). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2.

* Ngày 2-8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT) có Văn bản số 339 gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ về việc chủ động ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất. Theo đó, đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông báo đến các cấp chính quyền và người dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa, chủ các phương tiện giao thông thủy, chủ đầu tư các công trình đang thi công nhất là những công trình trên sông, suối và các chủ hồ chứa nước, hầm, lò khai thác khoáng sản biết diễn biến mưa, lũ để chủ động phòng, tránh. Tăng cường kiểm soát việc đi lại của người dân tại các ngầm, tràn, các đoạn đường thường xuyên bị ngập nước, bến đò ngang, đò dọc để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện…

* Tỉnh Lào Cai vừa ban hành Công điện khẩn số 05/CĐ-CT về việc chủ động phòng, chống và ứng phó với mưa, lũ. Theo đó, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, của tỉnh, trên các phương tiện thông tin đại chúng để có kế hoạch cụ thể và các biện pháp phù hợp với thực tế của địa phương nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại. Chỉ đạo quyết liệt phương án sơ tán, di chuyển ngay những hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt, lở, lũ quét đến nơi an toàn. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24 giờ mỗi ngày (kể cả thứ bảy, chủ nhật), tuyệt đối không được uống rượu, bia trong quá trình trực.

Đầu tư 400 tỷ đồng nâng cấp kênh Tây thuộc hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt dự án sửa chữa, nâng cấp kênh Tây, thuộc hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng, nhằm nâng cao năng lực tưới, tiêu; giảm ô nhiễm nguồn nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp, sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn bốn huyện phía bắc tỉnh Tây Ninh là Tân Biên, Dương Minh Châu, Châu Thành và TP Tây Ninh. Tổng mức đầu tư của dự án là 400 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/33664402-mua-lon-gay-thiet-hai-o-dien-bien-lai-chau.html