Tại huyện Tuy An đến 17h chiều nay (31/3) vẫn còn 2 người mất tích. Cả hai trường hợp này đều bị cuốn trôi khi ở trên thuyền để ra khu vực nuôi tôm hùm. Đối với nuôi trồng thủy sản, hơn 2.400 lồng/ươm tôm hùm giống bị cuốn trôi.
Người dân địa phương vẫn đang nỗ lực trục vớt tàu thuyền bị đánh chìm vào bờ để sửa chữa và vớt những con tôm hùm giống còn sót lại để tiếp tục ươm nuôi.
Nhiều người không ngờ tới việc sóng to, gió lớn lại xảy ra vào thời điểm này và gây thiệt hại nặng nề.
Bà Phạm Thị Mỹ và bà Phạm Thị Thiền, ngư dân xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cho biết: “Dàn dưới còn mà dàn trên thì mất hết. Gia đình mình cũng thiệt hại hết mấy trăm triệu; Mấy lần là chuẩn bị kỹ lắm nhưng lần này đâu có ngờ. Nếu chuẩn bị kỹ thì đâu có vậy”.
Kiểm tra tại hiện trường khu vực có người mất tích và vùng ươm nuôi tôm hùm giống bị thiệt hại nặng ở xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu chính quyền địa phương phải phối hợp với người dân địa phương tập trung tìm kiếm người mất tích. Đối với số tàu thuyền bị đánh chìm, lồng bè bị cuốn trôi cần tập trung lực lượng cứu vớt vào bờ. Ông yêu cầu lực lượng cứu nạn phải chú ý đảm bảo an toàn về người khi tham gia cứu hộ cứu nạn.
Ngoài thiệt hại về người và nuôi trồng thủy sản, thống kê chưa đầy đủ toàn tỉnh Phú Yên còn 91 tàu, thuyền bị chìm do những diễn biến bất thường của thời tiết. UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24, liên tục theo dõi chặt chẽ các bản tin về áp thấp trên biển, mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất để chủ động ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.
Một con tàu bị gãy làm đôi.
Một tàu cá bị hư hỏng nghiêm trọng.
Ngư dân hỗ trợ nhau khắc phục thiệt hại do lốc xoáy.
Ngư dân cố gắng khắc phục hư hỏng tàu cá.
Một con tàu bị sóng đánh dạt vào bờ.
Con tàu bị sóng đánh hư hỏng nặng.
Mưa lớn khiến lúa đông xuân bị ngã đổ.
CTV Lê Biết - Xuân Triệu/VOV-Miền Trung