Mưa lớn, sạt lở đất gây thiệt hại tại các tỉnh miền núi

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao nên hôm nay (22-7) ở Bắc Bộ có mưa rào và dông; vùng núi và trung du có mưa vừa, mưa to, riêng các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang có mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 50 đến 100 mm/24 giờ, có nơi hơn 150 mm/24 giờ. Trong mưa dông khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao nên hôm nay (22-7) ở Bắc Bộ có mưa rào và dông; vùng núi và trung du có mưa vừa, mưa to, riêng các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang có mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 50 đến 100 mm/24 giờ, có nơi hơn 150 mm/24 giờ. Trong mưa dông khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

* Dự báo các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa nên nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tại một số khu vực ở các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu. Nhằm ứng phó với mưa, lũ quét, sạt lở đất, ngày 21-7 Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT có Công điện số 04/CĐ-TW gửi các tỉnh miền núi phía bắc và bộ, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để ứng phó kịp thời; chủ động di dời nhân dân ra khỏi những vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt; sẵn sàng lực lượng, phương tiện và kiểm tra hồ đập, nhất là các hồ xung yếu…

* Cùng ngày, Bộ Công an có công điện đề nghị lực lượng công an các tỉnh miền núi phía bắc sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa lũ; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính…

* Theo dự báo, từ nay đến ngày 23-7, mực nước thượng lưu sông Hồng - Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2 đến 4 m, riêng sông Lô từ 4 đến 6 m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ thượng lưu sông Lô có khả năng đạt mức báo động 2 đến báo động 3; thượng lưu sông Thao (sông Hồng) và sông Chảy có khả năng đạt mức báo động 1.

* Mưa lớn những ngày qua làm nhiều tuyến đường ở các huyện Nậm Nhùn, Mường Tè, Sìn Hồ, Tam Đường (Lai Châu) bị sạt lở. Trong đó, tỉnh lộ 129 bị sạt trượt ta-luy dương với khối lượng gần 100 m3 đất, đá. Hiện, lực lượng chức năng đã khắc phục tạm thời để thông xe. Còn tại tỉnh Cao Bằng cũng vừa xảy ra đá lở tại xã Sơn Lộ, huyện Bảo Lạc làm một người bị thương. Ngoài ra, mưa lớn cũng làm ngập úng hơn 15 ha lúa tại địa bàn xã.

* Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Vĩnh Long cho biết, mùa lũ năm nay vùng đầu nguồn sông Cửu Long ít có khả năng xuất hiện lũ sớm. Đỉnh lũ năm trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức báo động 1 đến báo động 2. Những tháng cuối năm, mực nước cao nhất năm trên sông Tiền tại Mỹ Thuận có khả năng lên từ 1,95 đến 2,05 m, trên báo động 3 từ 0,15 đến 0,25 m.

* Theo dự báo, do ảnh hưởng của rìa đông nam vùng áp thấp nóng phía tây kết hợp hiệu ứng phơn nên hôm nay (22-7) ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 đến 370C, có nơi hơn 370C.

* Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, dù đang trong mùa mưa nhưng mực nước và lưu lượng nước về các hồ thủy điện vẫn thấp. Trong đó, hồ thủy điện Sơn La đạt 179,7/215 m so với mực nước dâng bình thường; hồ thủy điện Hòa Bình là 99,48/117 m; hồ thủy điện Lai Châu là 273/295 m; hồ thủy điện Tuyên Quang là 93,3/120 m; hồ thủy điện Thác Bà là 48,4/58 m.

* Khoảng 10 giờ ngày 21-7, tại phường An Tây, TP Huế (Thừa Thiên Huế) xảy ra cháy rừng. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng chức năng đã dập tắt đám cháy, ước thiệt hại khoảng 2.800 m2, chủ yếu là thực bì và cây thông.

* Tổng cục Thủy lợi cho biết, mực nước hàng trăm hồ chứa tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên đang xuống thấp, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Qua thống kê, hiện có 555 hồ chứa nhỏ tại các khu vực này đang cạn nước. Trong đó, Bắc Trung Bộ 470 hồ, Nam Trung Bộ 68 hồ và Tây Nguyên 17 hồ.

* Cũng theo Tổng cục Thủy lợi, hiện nay do hạn hán kéo dài, ở nhiều địa phương số hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt khoảng 64.937 hộ. Riêng khu vực Bắc Trung Bộ có khoảng 46.601 hộ, trong đó tỉnh Thanh Hóa 2.600 hộ, Nghệ An 4.000 hộ, Hà Tĩnh 5.501 hộ, Quảng Bình 4.500 hộ, Quảng Trị 30.000 hộ.

* Theo UBND huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế), tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn. Trong đó, các xã Thượng Long, Thượng Quảng, Thượng Nhật, Hương Hữu, Hương Xuân hiện có gần 3.000 hộ dân với hơn 10.000 nhân khẩu thiếu nước sạch sinh hoạt.

* Nắng nóng kéo dài, một số công trình hồ đập chứa nước đang nạo vét, sửa chữa khiến 200 ha lúa vụ mùa ở xã Thạch Bình, huyện Nho Quan (Ninh Bình) bị khô hạn, trong đó có 30 ha lúa đã chết.

* Trong hai ngày 20 và 21-7, mưa lớn kèm theo dông, lốc xảy ra tại thị xã Tân Châu và hai huyện Châu Thành, Châu Phú (An Giang) làm 21 nhà dân bị sập và tốc mái. Sau thiên tai xảy ra, các địa phương đã đến thăm hỏi, huy động lực lượng giúp nhân dân khắc phục hậu quả.

Ngày 21-7, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 955/CĐ-TTg gửi UBND tỉnh Hà Giang; Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai; các bộ, ngành liên quan về việc khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ tại Hà Giang.

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến thân nhân các gia đình có người bị chết, biểu dương và đánh giá cao sự chủ động của các cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, cơ quan, đoàn thể và nhân dân địa phương trong ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người chết; cứu chữa người bị thương; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân. UBND tỉnh Hà Giang cần bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa; rà soát, chủ động di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức hỗ trợ lương thực, không để người dân bị đói; kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị sạt lở, ngập sâu; tập trung khôi phục công trình hạ tầng bị hư hỏng, nhất là công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước, y tế, giáo dục để phục vụ sinh hoạt cho người dân.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan chỉ đạo kiểm tra, khắc phục nhanh sự cố trên các tuyến quốc lộ; hỗ trợ địa phương khắc phục các điểm bị sạt lở, ách tắc trên trục giao thông chính nhằm bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt; kịp thời sửa chữa hồ đập thủy lợi, thủy điện, các công trình bị sự cố, sớm khôi phục sản xuất, chủ động ứng phó các đợt mưa lũ tiếp theo.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/mua-lon-sat-lo-dat-gay-thiet-hai-tai-cac-tinh-mien-nui-609541/