Mua sắm công đang tồn tại số lượng gỗ có rủi ro cao
Trong mua sắm công đang tồn tại số lượng gỗ có rủi ro cao. Đây là thông tin được nêu ra tại Hội thảo 'Tính hợp pháp của sản phẩm gỗ trong mua sắm công ở Việt Nam' do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, VIFORES, FPA, HAWA và Forest Trends tổ chức ngày 20/6/2019.
Từ ngày 1/6/2019, Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu có hiệu lực.
Cam kết cốt lõi của Hiệp định là “bảo đảm gỗ hợp pháp” – theo đó tất cả các sản phẩm gỗ ở Việt Nam, bao gồm cả gỗ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đều phải là gỗ hợp pháp. có hiệu lực.
Thực hiện Hiệp định này, Nhà nước, Chính phủ có hai vai. Một bên là vai trò quản lý nhà nước, Nhà nước cần bảo đảm các sản phẩm gỗ lưu thông trên thị trường nội địa và xuất khẩu là gỗ hợp pháp, tổ chức thiết lập và vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp của Việt Nam.
Một bên Nhà nước là khách hàng lớn, thể hiện ở con số chi tiêu mua sắm công hàng năm chiếm tới 20-30% chi ngân sách nhà nước. Nhà nước là người mua đặc biệt, là nhóm khách hàng lớn chiếm thị phần đáng kể với hàng trăm ngàn đơn vị sử dụng vốn Nhà nước để mua sắm sản phẩm gỗ.
Là nhóm “khách hàng” lớn trong tiêu dùng sản phẩm gỗ trên thị trường nội địa, Chính phủ Việt Nam có trách nhiệm bảo đảm sản phẩm gỗ được mua sắm bằng vốn Nhà nước là gỗ hợp pháp, theo cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT.
Như vậy, Nhà nước không thể tiêu thụ sản phẩm bất hợp pháp. Nhưng, pháp luật đấu thầu chưa yêu cầu hàng hóa dịch vụ trong mua sắm công “phải hợp pháp”.
“Đây là một thách thức lớn, bởi hiện chưa có cơ sở đầy đủ nào để xác định liệu sản phẩm gỗ mua sắm công ở Việt Nam có phải là gỗ hợp pháp hay không”, bà Nguyễn Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập của VCCI phát biểu.
Và hiện phần lớn các hồ sơ mời thầu trong mua sắm công lại không quan tâm tới tính hợp pháp cùa sản phẩm gỗ. Chỉ rất ít hồ sơ mời thầu có yêu cầu sản phẩm gỗ phải phù hợp với pháp luật liên quan.
Nghiên cứu “Tính hợp pháp của sản phẩm gỗ trong mua sắm công ở Việt Nam” Forest Trends cho thấy hiện có một lượng đáng kể sản phẩm gỗ mua sắm công là gỗ có rủi ro về tính hợp pháp. Nhưng hiện chưa có đủ cơ chế pháp luật để kiểm soát gỗ hợp pháp trong quy trình đấu thầu mua sắm công. Cũng chưa có yêu cầu cụ thể về gỗ hợp pháp trong các hồ sơ mời thầu.
“Có thể thấy bức tranh chung về mức độ quan tâm tới gỗ hợp pháp trong các hồ sơ mời thầu là khá u ám, các đơn vị mời thầu chưa thể hiện sự quan tâm đáng kể tới yêu cầu gỗ hợp pháp”, nghiên cứu viết.
Điểm lại 100 hồ sơ mời thầu mua sắm công trong các năm 2016-2018 thì thấy chủ yếu là mua sắm bàn ghế cho trường học và đồ gỗ văn phòng. Trong mua bàn ghế trường học có 41% yêu cầu gỗ công nghiệp, có 91% hồ sơ mời thầu bàn ghế trường học đã yêu cầu gỗ tự nhiên nhưng chỉ là gỗ thông thường nhóm III, nhóm IV, nhóm V.
Nhưng 87% hồ sơ mời thầu đồ gỗ văn phòng có yêu cầu gỗ tự nhiên và 65% yêu cầu gỗ công nghiệp. Trong đó phần lớn các đơn vị mời thầu đồ gỗ văn phòng đưa ra yêu cầu “là gỗ tự nhiên”, trong đó có một số yêu cầu là gỗ quý thuộc nhóm I và nhóm II.
Phần lớn các hồ sơ mời thầu yêu cầu gõ quý, các gói thầu có giá trị cao phần lớn đều là mua sắm đồ gỗ văn phòng, đặc biệt là đề phục vụ cơ quan nhà nước cấp tỉnh.
“Điều này cho thấy các thông điệp chính sách về sử dụng gỗ hợp pháp dường như chưa được truyền tải đến các cơ quan này”, ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia của Forest Trends phát biểu.
Hội thảo thống nhất quan điểm: Cần bổ sung pháp luật với các quy định về tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua sắm trong mẫu bắt buộc của hồ sơ mời thầu. Bên mời thầu cũng cần lưu ý yêu cầu gỗ hợp pháp. Bên mua sắm cũng phải nhận thức đúng yêu cầu về tính hợp pháp của hàng hóa, sản phẩm sẽ mua.
“Việc đưa ra chính sách mua sắm công đối với sản phẩm gỗ là vô cùng cần thiết và bắt buộc phải có”, ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia của Forest Trends phát biểu.
“Chính phủ thực hiện mua sắm công có trách nhiệm sẽ lan tỏa thông điệp quan trọng tới các nhóm tiêu dùng khác trong xã hội và sẽ thúc đẩy thay đổi hành vi và thói quen tiêu dùng gỗ theo hướng chỉ sử dụng gỗ hợp pháp, thay đổi hành vi sản xuất hướng tới hợp pháp, an toàn, bảo vệ môi trưởng và bảo vệ rừng, bền vững”, theo ông Phúc.
VPA/FLEGT là một hiệp định có tác động rất rộng tới các đối tượng khách hàng, DN, hộ gia đình. Để thực hiện đầy đủ cam kết của hiệp định, một chiến dịch truyền thông về Hiệp định đã bắt đầu được triển khai.
Ông Phúc lưu ý: “Nhóm chủ thể cơ quan nhà nước cấp tỉnh là một trọng tâm ưu tiên trong truyền thông về VPA/FLEGT cũng như trong cơ chế thực thi và kiểm soát hiệu quả việc thực hiện cam kết của hiệp định trong mua sắm công”.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/mua-sam-cong-dang-ton-tai-so-luong-go-co-rui-ro-cao-89132.html