Mua sắm online 'mùa' COVID

Nhân viên một siêu thị ở TP Tuy Hòa quản trị giao dịch mua hàng của khách qua hệ thống. Ảnh: ANH KHANG

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhất là sau khi xuất hiện thêm các trường hợp bị lây nhiễm, nhiều người dân đã tăng nhu cầu mua hàng trực tuyến. Cùng với đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, tổ chức tiệc, hội nghị… cũng chú trọng các biện pháp để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Gia tăng nhu cầu mua hàng qua mạng

Chị Nguyễn Thị Mỹ Thoa (phường 9, TP Tuy Hòa) cho biết: Nghe thông tin đã có nhiều người nhiễm, nghi nhiễm COVID-19, gia đình tôi hạn chế ăn uống, mua sắm bên ngoài. Thay vì đến các quán ăn, quán cà phê..., tôi gọi điện thoại đặt hàng để họ mang đến nhà. Với thực phẩm tươi sống, hôm nào tiện, tôi đi chợ, siêu thị mua, không thì gọi điện hay đăng ký mua hàng qua các hệ thống bán hàng online. Tôi nghĩ, sử dụng các hình thức này, người dân như tôi có thể hạn chế được việc tụ tập nơi đông người để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh. Nhưng vấn đề đặt ra là các khâu bao gói hàng hóa, chế biến thực phẩm và kể cả giao dịch nhận hàng có đảm bảo an toàn hay không?

Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh tại cuộc họp mới đây, các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh phối hợp, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn; kịp thời nắm bắt thông tin, khuyến cáo người dân cách phòng ngừa dịch bệnh, trong đó có việc mua sắm, sử dụng các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống…; hướng dẫn cơ sở kinh doanh theo dõi, khai báo y tế theo đúng quy định và thực hiện các biện pháp để ngăn chặn lây nhiễm dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân.

Nhu cầu mua hàng giao tận nhà của người dân ngày càng tăng, các quán, điểm bán, thậm chí những người từ trước tới nay chưa từng kinh doanh hay chế biến thực phẩm, nay cũng “chạy đua” để phục vụ người dân. Theo chị Nguyễn Thị Tâm (xã An Mỹ, huyện Tuy An), nhận thấy người dân có nhu cầu mua hàng trực tuyến nên chị bắt đầu bán hàng qua trang facebook. Đầu tiên, chị chỉ làm một số loại bánh từ bột sắn, nếp, sau thì tìm thêm nguồn hàng hải sản, nông sản ở địa phương để giới thiệu cho khách. Khoảng gần tháng nay, ngày nào chị cũng giao hàng cho khách ở các xã lân cận, kể cả khách ở TP Tuy Hòa. Còn chị Châu Thị Kim Huệ, nhân viên quản lý dịch vụ TuyHoaship chia sẻ: “Tuy không trực tiếp bán hàng nhưng từ khi bùng phát dịch bệnh COVID-19 đến nay, mỗi ngày cơ sở kinh doanh dịch vụ TuyHoaship nhận mua hộ và giao 120-150 đơn hàng cho khách. Nước uống, đồ ăn sẵn, đồ dùng gia đình là những món hàng khách có nhu cầu đặt mua”.

Bà Lê Thị Thanh Trang, chủ quán đồ ăn nhanh ở phường 6, TP Tuy Hòa cho hay: Đồ ăn nhanh thì phải ăn tại chỗ, ăn nóng mới ngon. Tuy nhiên những ngày gần đây, khách đến quán không nhiều, đa số là đặt hàng giao tận nhà. Bình quân mỗi ngày, chúng tôi phục vụ 70-80 đơn hàng cho khách nội thành. Nếu gần thì khách không phải tốn thêm phí nhưng nếu trên 3-7km thì quán thu phí 5.000-10.000 đồng/đơn. Còn theo ông Ngô Văn Trừu, nhân viên quản lý Siêu thị Mini V’mart, TP Tuy Hòa, lâu nay, người dân có nhu cầu đặt mua hàng hóa, thực phẩm và giao tận nhà có thể gọi điện thoại hoặc truy cập vào trang facebook Siêu thị Mini V’mart rồi gửi tin nhắn đặt hàng. Trên hệ thống này, siêu thị cũng thường xuyên cập nhật thông tin sản phẩm để người dân theo dõi, mua hàng. Các mặt hàng mà khách đặt mua trong những ngày qua là các loại nhu yếu phẩm thiết yếu, thực phẩm chế biến, trái cây, bánh ngọt…

Theo một số cơ sở nhận đặt và giao hàng tại nhà ở TP Tuy Hòa, trong thời điểm cần tránh tiếp xúc với nhiều người để hạn chế lây lan dịch bệnh thì mua hàng hóa, thực phẩm online, giao tận nhà là khá tiện lợi. Tuy nhiên, đa số chỉ tập trung vào các loại nhu yếu phẩm, đồ ăn, uống trong ngày do các cơ sở trong tỉnh cung cấp.

Kiểm soát trong kinh doanh dịch vụ

Cùng với việc mua bán hàng hóa, hiện nay, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, phục vụ tiệc cưới, hội nghị… trên địa bàn tỉnh đã chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm với cộng đồng, người dân trước nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Các cơ sở cũng phổ biến thông tin dịch bệnh cho khách hàng và trong nội bộ nhân viên phục vụ, trong đó có cách đề phòng, giữ vệ sinh khi ra, vào khu vực kinh doanh. Tại Trung tâm thương mại VinCom Plaza Tuy Hòa, nơi có nhiều người dân đến sử dụng các dịch vụ vui chơi, giải trí cũng đã bố trí nhân viên đo nhiệt độ cho khách hàng ngay khi bước chân vào trung tâm. Các nhà hàng, quán ăn… cũng có phương án để bảo vệ sức khỏe người dân, đề phòng dịch bệnh lây lan.

Theo ông Nguyễn Hữu Ngọc, chủ quán cà phê Bon Bon trên đường Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa), là điểm phục vụ ăn uống, thường xuyên tiếp xúc với khách nên hàng ngày tôi đều phải nắm bắt tình hình sức khỏe của nhân viên, yêu cầu nhân viên thực hiện các quy định về vệ sinh cá nhân trước khi phục vụ; đồng thời thường xuyên xịt khuẩn toàn bộ khu vực kinh doanh. Chúng tôi cũng khuyến khích khách hàng rửa tay trước khi dùng đồ ăn uống tại quán.

Bà Nguyễn Thị Út Diệu, nhân viên kinh doanh của khách sạn Kaya cho biết: Do dịch bệnh bùng phát nên khách hàng sử dụng dịch vụ tại cơ sở giảm hơn so với trước đây. Dù vậy trong tình hình hiện nay, chúng tôi luôn phải đảm bảo sức khỏe cho khách. Tại khách sạn, chúng tôi tổng vệ sinh 3, 4 ngày/lần; đồng thời trang bị nước rửa tay ở khu vực thang máy, quầy lễ tân… Nhân viên đón tiếp, phục vụ khách đều mang khẩu trang, vệ sinh cá nhân trước và sau khi tan ca. Các dụng cụ như chén, bát, ly… cũng được rửa sạch, phơi và sấy nóng trước khi sử dụng, phục vụ khách. Ngoài ra, đa số khách hàng đặt tiệc cưới, sinh nhật, hội nghị đều đã đăng ký từ trước nên trước khi chuẩn bị, chúng tôi đều xịt sát khuẩn khu vực tổ chức sự kiện, vệ sinh bàn, ghế và các thiết bị cần thiết khác. Cùng với đó là dán các thông tin khuyến cáo ngăn ngừa dịch bệnh của ngành Y tế ở các khu vực để khách nắm, thực hiện.

ANH KHANG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/236161/mua-sam-online--mua--covid.html