Mua sắm trực tuyến: Chuyên gia tiết lộ bảy mẹo để không bị lừa, trừ phi bạn chấp nhận

Thị trường hàng giả tinh vi hơn bao giờ hết. Công nghệ mới và sự gia tăng của mua sắm trực tuyến đã giúp những kẻ lừa đảo bán hàng giả dễ dàng hơn.

Các gói nút tai và tai nghe giả bị hải quan Đức phát hiện trong container vào năm 2019.

Các gói nút tai và tai nghe giả bị hải quan Đức phát hiện trong container vào năm 2019.

Hàng giả có ở khắp mọi nơi: trên các trang thương mại điện tử nổi tiếng, các nền tảng truyền thông xã hội và thậm chí trên các trang web được thiết lập để bắt chước các thương hiệu thật.

Theo Joe Simone, một chuyên gia bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có trụ sở tại Hongkong: "Vấn đề đã quá nghiêm trọng", đồng thời cho biết thêm ngày nay những kẻ làm hàng giả cố gắng bán các phiên bản giả mạo của hầu hết mọi thứ.

Sự gia tăng mua sắm trực tuyến, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch, đã thúc đẩy thị trường sản phẩm giả mạo.

DK Lee, người sáng lập và Giám đốc thương hiệu của MarqVision, một dịch vụ bảo vệ IP do trí thông minh nhân tạo (AI) hỗ trợ nhằm mục đích bảo vệ các thương hiệu khỏi vấn nạn hàng giả nhận định "thực sự sốc. Việc yêu cầu tất cả mọi người ở nhà trong những đợt phong tỏa kéo dài, đặc biệt là trong thời điểm nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19, đã tạo ra một môi trường cho những kẻ làm hàng giả có thể phát triển mạnh”.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, hàng giả chiếm 3,3% thương mại thế giới, tương đương 509 tỷ USD. Hai đối tượng sắm là "con mồi ưa thích của những kẻ làm hàng giả là: những người cố ý mua hàng giả và những người tin rằng họ đang mua hàng thật và bị lừa.

Hiện tại, một số nền tảng thương mại trực tuyến như Amazon, eBay và Walmart đã chú ý hơn tới việc xác mình danh tính của người bán. Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng áp lực phụ thuộc lớn vào các thương hiệu. Người tiêu dùng cũng có thể giúp giải quyết vấn đề bằng cách học cách phát hiện hàng giả.

Dưới đây là sáu mẹo từ các chuyên gia về những điều cần chú ý khi bạn mua sắm trực tuyến:

1. Khi giá quá tốt:

Các chuyên gia cho biết, một trong những điều đầu tiên cần kiểm tra là giá của sản phẩm bạn đang mua.

Nếu bạn tìm thấy thứ gì đó trực tuyến với mức giảm giá 70% và đó không phải là hàng cũ, tốt nhất, bạn nên kiểm tra chéo giá trên các trang web bán hàng được ủy quyền.

2. Xác định người bán và nguồn gốc sản phẩm

Nếu bạn đang mua sắm trên thị trường của bên thứ ba, bạn nên xem ai đang bán mặt hàng đó và mặt hàng đó đến từ đâu.

Ben T. Smith IV, người đứng đầu bộ phận truyền thông và công nghệ của Công ty tư vấn quản lý Kearney, cho biết một cách tốt để đảm bảo bạn mua một sản phẩm hợp pháp từ Amazon, thị trường trực tuyến lớn nhất ở Hoa Kỳ, là mua sắm trên "mặt tiền cửa hàng" cho các thương hiệu khác nhau. Các phần này của trang web được sử dụng để làm nổi bật một thương hiệu cụ thể có nhãn hiệu đã đăng ký và đã được Amazon xem xét kỹ lưỡng.

Đôi khi tên tài khoản của người bán cũng có thể cung cấp một số manh mối.

Nếu bạn đang mua từ XYZ_321 trên eBay thay vì tài khoản doanh nghiệp đã được xác minh, bạn đang mua sắm với niềm tin mù quáng.

3. Tìm hiểu kỹ hơn về lai lịch của người bán

Các chuyên gia nói rằng bạn nên check trên Google tên của người bán để xem họ có trang web chính thức hoặc bất kỳ chi tiết liên hệ nào không.

Việc thiếu sự hiện diện trực tuyến có thể là một dấu hiệu cảnh báo. Nó cũng có thể làm cho việc trả lại một mặt hàng trở nên khó khăn hơn.

Nếu không có chi tiết liên hệ trên danh sách, hãy thử Google các từ "lừa đảo", "giả mạo" hoặc "khiếu nại" cùng với tên doanh nghiệp để xem liệu các khách hàng khác có để lại đánh giá hay không. Bob Barchiesi, Chủ tịch Liên minh chống hàng giả quốc tế (IACC), khuyến cáo gọi thử vào số được cung cấp. Nếu số này không hoạt động, bạn có thể chắc chắn đó là hàng giả.

4. Coi chừng đánh giá giả mạo (fake review)

Đánh giá cũng có thể giúp phát hiện hàng giả. Thật dễ dàng để mua hàng ngàn xếp hạng năm sao giả mạo, nhưng rất khó để giả mạo nhiều bài đánh giá bằng văn bản.

Smith cho biết, hãy để ý các lỗi chính tả, ngữ pháp kém và từ ngữ tương tự trên các bài đánh giá khác nhau. Nếu một luồng đánh giá tích cực xuất hiện cách nhau trong vòng vài ngày, thì có thể những đánh giá này không chính hãng và kẻ lừa đảo đang cố gắng nhanh chóng quảng cáo hồ sơ của họ.

5. Xem chất lượng hình ảnh sản phẩm

Hình ảnh giả có thể khó phát hiện hơn vì người bán dễ dàng sử dụng ảnh chính thức của thương hiệu cho danh sách. AI cũng giúp tạo ra các hình ảnh tùy chỉnh chân thực nhưng giả tạo .

Tuy nhiên, nếu bạn nghi ngờ, bạn nên gửi email cho người bán và yêu cầu cung cấp thêm ảnh về sản phẩm. Nếu họ không cung cấp ảnh và không giải thích lý do tại sao, đó có thể là một dấu hiệu đỏ khác.

6. Kiểm tra bao bì sản phẩm

Khi sản phẩm đến, hãy kiểm tra chặt chẽ bao bì.

IACC cảnh báo trực tuyến: "Bao bì có bị móp méo, cũ kỹ hay cẩu thả không? Nếu bạn thấy bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào trong số này, rất có thể sản phẩm đó là hàng giả" . Hãy để ý lỗi chính tả trên nhãn và kiểm tra xem quốc gia mà hàng hóa được vận chuyển có khớp với nơi các mặt hàng này thường được sản xuất hay không.

7. Mua sắm trên các trang web có chính sách hoàn trả thân thiện

Các chuyên gia cho biết nếu bạn thực sự muốn tránh mua phải hàng giả, hãy mua từ trang web của chính thương hiệu hoặc người bán được ủy quyền — chẳng hạn như Best Buy, Macy's hoặc Footlocker.

Và luôn luôn kiểm tra các chính sách hoàn trả của các trang web mua sắm. Simone cho biết các chính sách hoàn trả thân thiện sẽ giúp việc trả lại hàng giả dễ dàng hơn nếu bạn nghi ngờ mình đã mua phải hàng giả.

(Nguồn: Insider)

Bình Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mua-sam-truc-tuyen-chuyen-gia-tiet-lo-bay-meo-de-khong-bi-lua-tru-phi-ban-chap-nhan-238314.html