Mùa săn nấm mối

Trời đang nắng chang chang. Một cơn mưa rào chợt đến rồi tắt hẳn. Trời lại chuyển sang nắng. Từ ngàn xưa, ông bà ta gọi đây là mùa của những cây nấm mối.

Sau Tết Đoan ngọ, thời tiết bắt đầu thay đổi. Trời đang nắng chang chang. Một cơn mưa rào chợt đến rồi tắt hẳn. Trời lại chuyển sang nắng. Từ ngàn xưa, ông bà ta gọi đây là mùa của những cây nấm mối. Bây giờ, cứ vào thời gian này, những người dân quê sau khi xong việc đồng áng lại kéo nhau “đi săn” nấm mối.

Những “thợ săn nấm” đội đèn, chạy xe máy tấp nập trong vườn cao su.

Những “thợ săn nấm” đội đèn, chạy xe máy tấp nập trong vườn cao su.

Kinh nghiệm “săn” nấm

Chị Sa Ton (35 tuổi), người dân tộc Khmer, sinh sống tại ấp Sóc Con Trăng, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu cho biết, vào mùa này, mỗi sáng sau buổi trồng mì, làm cỏ, chị tranh thủ trở về nhà lo cơm nước cho các con. Sau buổi cơm trưa, vợ chồng chị và con gái lớn chuẩn bị nước uống, đổ đầy xăng cho chiếc xe máy rồi chạy rong ruổi trong vườn cao su ở các xã Suối Ngô, Tân Hòa để tìm kiếm nấm mối mọc len lỏi dưới các lớp lá cao su ẩm mục. Có khi đi cả ngày không thấy gì, nhưng có khi “bội thu” kiếm được vài ký.

Chị Sa Ton vuốt nhẹ lớp đất nâu bám ở chân nấm, tươi cười cho biết: “Cũng như hôm nay đi cả buổi chiều không thấy ổ nấm mối nào. May mắn thấy một người đang bới đất nhổ nấm mối ở đằng kia, tôi đoán xung quanh đây sẽ còn vài ổ nữa nên lấy nhánh cây xới lá cao su lên thì thấy một vài nấm mối nhú lên khỏi mặt đất”.

Chị Sa Ton cho hay, chị đã đi săn tìm nấm mối từ 3 năm nay nên cũng có một ít kinh nghiệm. Nếu tìm thấy ổ nấm mối “con” (ổ nhỏ) thì xung quanh đó sẽ có ổ “vợ”, ổ “chồng” (ổ lớn). Nhiều người có kinh nghiệm hơn, nhìn mặt đất thấy đường nứt nẻ, áp tai xuống đất, dùng tay gõ nhẹ vài cái vào mặt đất, dựa vào âm thanh phát ra là sẽ biết được nơi đó có nấm mối hay không. “Tôi thì chưa đạt được đến kỹ năng đó nên có bữa tìm thấy được một vài ổ nấm, có bữa không thấy ổ nấm nào, lại còn tốn cả trăm ngàn tiền xăng”- chị Sa Ton nói.

“Thợ săn” nấm nhẹ nhàng xới đất, nhổ từng cây nấm mối.

“Thợ săn” nấm nhẹ nhàng xới đất, nhổ từng cây nấm mối.

Ông Đưa trò chuyện về những cây nấm mối với vợ chồng chị Sa Ton.

Ông Đưa trò chuyện về những cây nấm mối với vợ chồng chị Sa Ton.

Nhiều người dân thỉnh thoảng thấy có nấm mọc trong vườn nhà có hình dáng gần giống với nấm mối nên nhổ đem vào chế biến cho gia đình ăn, gây ngộ độc thực phẩm, nguy hại đến tính mạng. Chị Sa Ton chia sẻ cách phân biệt: “Nấm mối có màu xám nhẹ, đầu nấm không có lớp lông tơ, thân cứng và chân dài. Còn nấm độc tuy có màu sắc giống với nấm mối, nhưng đầu nấm có lớp lông tơ, thân mảnh, mềm, chân ngắn bám cạn trên mặt đất chứ không bám sâu như nấm mối”.

Với khoảng 1kg nấm mối vừa tìm thấy và giá bán 500 ngàn đồng/kg, nếu ngày nào cũng tìm thấy được vài ổ nấm mối, gia đình chị Sa Ton sẽ có thêm nguồn thu nhập để mua sắm quần áo, đồ dùng học tập cho các con chuẩn bị bước vào năm học mới. Vợ chồng chị có 3 con nhỏ (một đứa học mẫu giáo, một đứa lớp 5 và một đứa lớp 6) nên rất tốn kém. Thu nhập từ việc làm mướn của vợ chồng chị chỉ đủ lo chi phí sinh hoạt hằng ngày cho gia đình. Tiền học của con phụ thuộc hoàn toàn vào mùa nấm mối.

Nhộn nhịp lúc “vào mùa”

Vào mùa này, tiếng xe máy tấp nập, ánh sáng chói lòa phát ra từ chiếc đèn đội đầu của “thợ săn”, tiếng cười nói rộn rã hỏi thăm nhau “đã tìm thấy nấm mối chưa?” phá tan sự tĩnh lặng thường nhật của vườn cao su.

Chị Trương Thị Mỹ Ý (41 tuổi, kế toán ở Nông trường Cao su Suối Ngô) cho biết, công nhân cạo mủ cao su của nông trường khi trút mủ xong lại tranh thủ đi tìm nấm mối. Có khi đang trút mủ, tình cờ thấy nấm mối, họ say sưa nhổ rồi trút mủ tiếp. Thấy anh chị em công nhân cạo mủ tìm được nhiều nấm mối nên chị Ý và các đồng nghiệp khác tranh thủ giờ nghỉ trưa, giờ tan làm ăn vội chén cơm rồi đội đèn, xách xe máy rảo quanh các vườn cao su của nông trường tìm kiếm theo.

Chị Ý chia sẻ: “Ở đây có chị “nhẹ vía” lắm, tìm thấy nấm mối thường xuyên nên được mọi người đặt biệt danh là “nấm thủ”. Còn tôi thuộc hàng “nặng vía” nên hiếm lắm mới gặp được một vài ổ nấm”. Nấm mối có tính phát quang, nên khi đội đèn, ánh sáng của đèn sẽ phản chiếu vào thân nấm mối giúp người săn nấm dễ nhìn thấy nấm mối hơn.

Những cây nấm mối chị Sa Ton vừa nhổ được.

Những cây nấm mối chị Sa Ton vừa nhổ được.

Ông Giáp Văn Đưa (62 tuổi, công nhân cạo mủ ở xã Suối Ngô) là người săn nấm mối lâu năm. Cầm cây nấm mối chị Sa Ton vừa đào được, ông cho biết: “Nấm mối có đầu to tròn này nếu không được phát hiện hôm nay, sáng mai sẽ nở bung. Nấm mối đã nở rồi thì bán giá không cao”.

Một “bí kíp” được các “thợ săn nấm” truyền cho nhau là: để ổ nấm năm sau mọc tiếp, người đi “săn” không nên dùng cuốc hay các vật bằng kim loại để đào. Dân gian cho rằng, nấm mối “nghe hơi” dao sắt thì mùa sau sẽ lặn mất không mọc lại chỗ cũ nữa. Gặp những chỗ đất cứng, “thợ săn” thường dùng thanh củi để bới gốc nhổ nấm.

Nấm mối có tên khoa học là Termitomyces albuminosus. Được hình thành từ một loại meo do loài mối đất (loài mối này khác với mối ăn gỗ) sản sinh ra vào đầu mùa mưa, vào khoảng thời gian từ đầu tháng năm đến giữa tháng sáu âm lịch. Nấm mối giàu canxi, phốt-pho, sắt, protein và các chất dinh dưỡng rất tốt cho việc bồi bổ sức khỏe, có lợi cho người bệnh tật và người cao tuổi.

Với những giá trị dinh dưỡng mang lại, nấm mối được người dân thành thị- nhất là người dân sống ở các thành phố lớn- rất ưa chuộng. Nên khi vào mùa, người thì săn tìm nấm để bán, người lại săn tìm nấm để mua. Dân gian thường gọi nấm mối là “lộc trời” ban.

Ngọc Giàu

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/mua-san-nam-moi-a175169.html