Mùa thả cá chép ruộng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, lúa vụ hè thu đang bắt đầu chín dần. Đây là thời điểm thích hợp để bà con thả cá chép ruộng. Bởi sau hai vụ lúa, những thửa ruộng khô ráo được nông dân tận dụng trồng màu. Còn những đám ruộng trằm, ngập nước thì giải pháp thả cá chép ruộng là thích hợp nhất. Nuôi cá chép ruộng thời gian nhanh, không phải cho ăn, lượng nước vừa phải.

Ông Hoàng Văn Luận, dân tộc Tày có hai bung lúa tại thôn Lang Chang, xã Hòa Phú khoảng hơn chục ngày nữa mới gặt được. Nhưng gia đình đã xuống tận Trung tâm Thủy sản tỉnh mua hơn 1.000 con cá chép giống, loại to bằng ngón tay út về thả vào ruộng. Ông bảo năm nào gia đình cũng thả, cá rất nhanh lớn. Chỉ cần đến cuối tháng 10, cá to bằng hai đầu ngón tay có thể bắt ăn dần.

Cá chép là loại ăn màu nên việc chăn thả rất đơn giản. Cá tự tìm mồi, sinh vật phù du để kiếm ăn. Các gia chủ chỉ cần thi thoảng ra ruộng thăm nước. Nếu ruộng cạn quá thì đắp cho nó dâng lên. Ở Tuyên Quang không chỉ có người Tày nuôi cá chép ruộng mà người Dao cũng thích nuôi. Anh Bàn Văn Trường, dân tộc Dao thôn Minh Lợi, xã Trung Minh (Yên Sơn) cho biết, người Dao ở địa phương mùa này bắt đầu thả cá chép ruộng. Các lái buôn từ các nơi chở cá về bán cho mỗi nhà từ vài trăm đến hàng nghìn con. Tùy kích cỡ mà cá có giá từ 500-800 đồng/con.

Cá chép có thể thả quanh năm, nhưng rộ nhất vào vụ hè thu.

Cá chép có thể thả quanh năm, nhưng rộ nhất vào vụ hè thu.

Đối với đồng bày Tày, Dao... cá chép ruộng là món ăn truyền thống. Khi cá to bằng 2-3 đầu ngón tay là lúc thu hoạch đẹp nhất. Ngon nhất vẫn là món cá chép nướng dưới than củi hồng. Bà Triệu Thị Xướng, chủ homestay Hoàng Tuấn, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) cho biết, cá bắt ngoài ruộng về được thả trong chậu nước trong, tốt nhất là có vòi nước chảy, nếu không thì thi thoảng thay nước một lần. Nhốt cá khoảng 3 ngày như vậy, bụng cá đã sạch. Có hai cách chế biến, một cách giữ nguyên con cá không mổ, một cách nữa là mổ moi mật cá. Nói chung mỗi cách cho hương vị ngon khác nhau. Đối với homestay Hoàng Tuấn, món cá chép ruộng nướng không thể thiếu trong thực đơn của du khách.

Cá chép ruộng ngoài nướng có thể rán, nấu canh chua cũng rất ngon. Nếu muốn để bảo quản ăn dần thì có thể làm mắm cá chép ruộng. Ông Ma Quang Bắc, Bí thư Đảng ủy xã Kim Bình cho rằng, trên địa bàn xã có thương hiệu mắm cá chép ruộng Cổ Linh thơm ngon nổi tiếng. Vào vụ này, xã khuyến khích các hộ có ruộng trằm tập trung thả cá chép ruộng. Mỗi kg cá chép ruộng bán ra thị trường cũng trên 100 nghìn đồng. Nếu có 50-100 kg cá, cũng có thu nhập thêm từ 5-10 triệu đồng. Mà cá đầu ra cho chế biến mắm cá ruộng rất thuận lợi, giá cả ổn định.

Nếu ai đã từng thưởng thức món mắm cá ruộng Cổ Linh nói riêng và mắm cá ruộng của người Tày xứ Tuyên nói chung không thể quên được hương vị của nó. Để chế biến mắm cá ruộng người ta đồ xôi lên rắc men lá vào. Khi xôi lên men như rượu hoẵng thì cho vào ướp với cá chép, sau đó cho thêm riềng lát, lá trầu không, lá cơm nếp đỏ đưa vào chum đậy kín tầm 10 tháng thì lấy ra ăn được. Mắm có màu đỏ tía, dậy mùi thơm nức, cá còn nguyên con, hạt xôi không bị nát thì đạt. Khi ăn mắm cá có thể dùng làm gia vị chấm rau sống, thịt luộc hoặc ăn với cơm rất ngon. Chị Trần Trang Nhung, du khách Tây Hồ (Hà Nội) thường đi “phượt” lên huyện vùng cao Na Hang khẳng định, nếu ai đã từng thưởng thức món cá chép ruộng nướng, mắm cá ruộng chuẩn vị nơi đây thì khó quên được hương vị đặc trưng của nó.

Theo dân gian thì cá chép nuôi mùa nào, vụ nào cũng được. Nhưng nuôi nhiều và thích hợp hơn cả chính là vụ này, thời gian thu hoạch từ cuối tháng 10 sang tháng 11. Đến chớm đông cá béo dần, là lúc ăn con cá ngon nhất.

Bài, ảnh: Quang Hòa

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/mua-tha-ca-chep-ruong-136669.html