Mùa thu 2019 ở Bắc bán cầu bắt đầu khi nào?

Mùa thu năm 2019 ở Bắc bán cầu sẽ bắt đầu từ ngày 23/9 và kết thúc ngày 22/12.

Ngày 23/9, Google Doodle chào mừng mùa thu 2019 (thu phân) bằng hình vẽ Trái đất đội chiếc lá vàng.

Mùa thu năm nay ở Bắc bán cầu được bắt đầu từ ngày 23/9 và kết thúc ngày 22/12. Đây là thời điểm phần lớn các loại cây trồng được thu hoạch và nhiều loài cây sẽ rụng lá. Vào mùa thu, ban ngày sẽ dần ngắn lại và thời tiết mát mẻ hơn, đặc biệt ở các vĩ độ lớn. Tại các khu vực ôn đới, lượng mưa vào mùa này tăng dần lên.

Có nhiều cách để xác định thời điểm mùa thu đến. Theo thiên văn học, mùa thu bắt đầu từ thời điểm thu phân, khoảng 23/9 ở Bắc bán cầu và 21/3 ở Nam bán cầu và kết thúc vào thời điểm đông chí, khoảng 21/12 ở Bắc bán cầu và 21/6 ở Nam bán cầu.

 Google thay đổi hình doodle để chào mùa thu năm 2019 ở Bắc bán cầu, bắt đầu từ ngày 23/9. (Ảnh chụp màn hình)

Google thay đổi hình doodle để chào mùa thu năm 2019 ở Bắc bán cầu, bắt đầu từ ngày 23/9. (Ảnh chụp màn hình)

Theo các nhà khí tượng học, mùa thu được tính từ tháng 3 đến tháng 5 ở Nam bán cầu và từ tháng 9 đến tháng 11 ở Bắc bán cầu. Còn theo lịch Trung Quốc, mùa thu bắt đầu từ tiết lập thu, khoảng ngày 7/8 và kết thúc vào tiết lập đông, khoảng ngày 7/11 dương lịch.

Ngoài ra, mùa thu thường được định nghĩa như mùa khai trường ở nhiều quốc gia, do thời điểm rơi vào tháng 9 ở bán cầu Bắc và tháng 3 ở bán cầu Nam.

Trong văn hóa phương Tây, người ta thường nhân cách hóa mùa thu như "người đàn bà đẹp", khỏe mạnh và được trang điểm bằng các loại quả, rau quả và ngũ cốc chín trong mùa.

Phần lớn các nền văn minh cổ đại đều đề cao các lễ hội thu hoạch trong mùa thu. Một số ngày lễ lớn được tổ chức trong mùa này như Lễ tạ ơn, lễ hội Halloween vào cuối mùa thu ở Mỹ và Canada; lễ hội Sukkot của người Do Thái; nhiều lễ hội của thổ dân Bắc Mỹ gắn liền với các thức ăn từ các loại cây quả chín được thu hoạch từ tự nhiên; Tết Trung thu của người Trung Quốc và Việt Nam và nhiều lễ hội khác.

Hạ Vũ

Nguồn VTC: https://vtc.vn/mua-thu-2019-o-bac-ban-cau-bat-dau-khi-nao-d500065.html